Israel hoàn thành chuyển giao Iron Dome bản đặc biệt cho Mỹ

Bộ Quốc phòng Israel ngày 3/1 ra tuyên bố cho biết, đã hoàn thành chuyển giao hai trung đoàn hệ thống đánh chặn Iron Dome cho Mỹ.

Theo Times of Israel, Đơn vị Phòng thủ tên lửa Israel (IMDO), trực thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DDR&D) của Bộ Quốc phòng Israel chịu trách nhiệm thực hiện thương vụ này.

"Việc chuyển giao hệ thống Iron Dome cho quân đội Mỹ một lần nữa thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa Bộ Quốc phòng hai nước, tính hiệu quả của hệ thống này trước hàng loạt nguy cơ khác nhau và năng lực công nghệ tuyệt vời của nền công nghiệp Israel…

Tôi tự tin rằng hệ thống này sẽ giúp quân đội Mỹ bảo vệ binh sỹ của họ khỏi tên lửa đạn đạo và các nguy cơ từ trên không cũng như tạo tính răn đe cho những khu vực mà binh sỹ Mỹ được triển khai cho các nhiệm vụ khác nhau", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết.

Israel chuyển giao Iron Dome cho Mỹ.

Israel chuyển giao Iron Dome cho Mỹ.

Hồi tháng 8/2019, Mỹ và Israel đã ký một thỏa thuận mua hai trụng đoàn hệ thống Iron Dome. Khẩu đội thứ nhất đã được chuyển giao hồi tháng 9/2020 cùng năm và đang trong quá trình đưa vào trực chiến.

Theo hình ảnh được công bố, Iron Dome phiên bản Mỹ sẽ là hệ thống phòng không tự hành chứ không phải hệ thống được triển khai trên hệ bệ phóng như phòng không Israel trang bị.

Với kích thước siêu lớn của khung gầm xe tải Oshkosh với thiết kế khá nhỏ gọn của hệ thống bệ phóng của Iron Dome, giới chuyên gia cho rằng, mỗi xe tải phải được triển khai ít nhất 2 hệ thống phóng.

Như vậy Iron Dome phiên bản Mỹ có sự khác biệt rất lớn về khả năng cơ động và số tên lửa đánh chặn mang theo so với nguyên bản tại Israel.

Trước khi Israel tuyên bố hoàn thành chuyển giao, chính phía Mỹ tuyên bố ngừng mua Iron Dome trong quá trình thử nghiệm, Iron Dome đã không thể tích hợp với hệ thống chỉ huy chiến đấu hợp nhất của Quân đội Mỹ.

"Chúng tôi không thể tích hợp Iron Dome vào hệ thống phòng không hợp nhất do các vấn đề về tương tác hệ thống và hàng loạt vấn đề liên quan tới phần mềm điều khiển khác", tướng Mỹ Mike Murray tuyên bố hồi đầu năm 2020.

Vấn đề chính của phía Mỹ trong thương vụ này là không được tiếp cận mã nguồn điều khiển của Iron Dome. Lầu Năm góc cần nắm được chúng để lập trình lại tương thích với hệ thống chỉ huy hợp nhất của quân đội.

Tại thời điểm tuyên bố ngừng mua, phía Mỹ đã có một loạt phương án thay thế được sản xuất trong nước, trong đó có hệ thống Patriot, Phalanx, hệ thống đánh chặn mini...

Nhưng trong quá trình thử nghiệm đối phó với những cuộc tấn công từ đạn phản lực, rocket và máy bay không người lái, những vũ khí này đã không chứng minh được sự tin cậy của mình.

Đây có thể được xem là một trong những lý do chính khiến Mỹ việc nối lại thương vụ hệ thống Iron Dome triển khai đến Trung Đông để đảm bảo sự an toàn cho binh sĩ và các căn cứ tại đây.

Theo con số thống kê được Mỹ đưa ra, mối nguy hiểm lớn nhất với lực lượng Mỹ tại Iraq và ở một số nước Trung Đông không phải là tên lửa tầm xa mà đến từ các vụ tấn công bằng rocket, đạn phản lực, UAV...

Trong khi đó, theo giới thiệu của Israel, đối phó với những mục tiêu kiểu này chính là thế mạnh của Iron Dome. Đặc biệt, vũ khí này có tầm tác chiến rất rộng, từ 4-70 km. Giới chức Israel cho biết tỉ lệ đánh chặn thành công của vũ khí này ở biên giới Gaza là 90%.

Nếu năng lực chiến đấu của Iron Dome đúng như tuyên bố, Mỹ sẽ có trong tay hệ thống phòng thủ tự hành tầm ngắn và trung hàng đầu hiện nay.

Clip Israel chuyển giao Iron Dome cho Mỹ

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/israel-hoan-thanh-chuyen-giao-iron-dome-ban-dac-biet-cho-my-3425458/