Israel hiện đại hóa lực lượng không quân

Israel dự tính sẽ ký một trong những hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử với hãng Boeing của Mỹ để hiện đại hóa lực lượng không quân nước này.

Theo Jerusalem Post, thương vụ này có thể trị giá tới 11 tỷ USD, được trích từ gói hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel, bao gồm việc đặt bổ sung các tiêm kích F-35I Adir, tiêm kích F-15IA, trực thăng vận tải CH-47 Chinook, trực thăng lưỡng cơ V-22 Osprey, và máy bay tiếp dầu trên không KC-46 Pegasus.

Trước đó, năm 2016, Washington và Tel Aviv đã ký một biên bản ghi nhớ về gói hỗ trợ quân sự kéo dài 10 năm trị giá 38 tỷ USD của Mỹ cho Israel. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoản hỗ trợ này sẽ bảo vệ Israel khỏi bất kỳ mối đe dọa tiềm năng nào trong khu vực. Thỏa thuận này đã bắt đầu đi vào hiệu lực từ tháng 2-2018.

Tiêm kích F-35I Adir

Israel xác nhận mua 50 chiếc F-35I Adir từ hãng Lockheed Martin của Mỹ, kèm theo điều kiện cánh máy bay và hệ thống mũ bảo hiểm hiện đại phải được sản xuất ở Israel.

Tính đến thời điểm hiện tại, Không quân Israel đã nhận được 12 chiếc và dự tính sẽ nhận đủ 50 chiếc để thành lập 2 phi đội F-35I Adir đủ quân vào năm 2024.

Tiêm kích F-35I Adir. Ảnh: The Aviationist

Điểm đặc biệt của F-35I Adir nằm ở chỗ, chúng là phiên bản có những trang bị và lắp đặt thiết bị theo yêu cầu riêng của Israel. Máy bay đã được cấp phép sử dụng các loại vũ khí do Israel chế tạo bao gồm tên lửa đối không tầm nhiệt Python-5 và bom lượn Spice.

Israel là quốc gia đầu tiên bên ngoài Mỹ nhận F-35 và thậm chí còn đưa mẫu tiêm kích vào thực chiến trước cả Không quân Mỹ. Với những gì F-35I đã thể hiện, quốc gia Do Thái được cho là có thể còn mua thêm 25 hoặc 50 chiếc trong tương lai. Ngoài ra, Tel Aviv cũng quan tâm đến F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ - biến thể duy nhất có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Tiêm kích F-15IA

Israel bắt đầu sử dụng các biến thể của tiêm kích F-15 với 4 chiếc F-15A đầu tiên từ cuối năm 1976. Chúng được nâng cấp liên tục thành tiêu chuẩn F-15C mà Israel lấy tên gọi F-15 Baz. Sau đó, vào những năm 1990, Tel Aviv đặt mua của Boeing thêm phiên bản xuất khẩu dành riêng cho nước này của mẫu F-15E Strike Eagle có tên F-15I Ra’am.

Một nguyên mẫu của tiêm kích F-15IA. Ảnh: Boeing.

F-15I được coi là “đại bàng Israel” trên bầu trời Trung Đông. Để duy trì sức mạnh cho đến khi tiếp nhận các đơn vị F-35 mới, Không quân Israel có thể sẽ mua mới và tiến hành nâng cấp các máy bay F-15I lên tiêu chuẩn mới F-15IA – mà Boeing gọi là một trong những máy bay tối tân nhất và giá cả hợp lý nhất mà hãng này phát triển.

Thông tin chi tiết về gói nâng cấp máy bay F-15I không được tiết lộ, nhưng theo một số nguồn tin thì máy bay sẽ được nâng cấp hiệu năng động cơ, hệ thống điện-điện tử hàng không trên khoang để tương thích với hệ thống radar mảng pha chủ động hàng không (AESA) mới. Ngoài ra, Israel có thể tích hợp thêm những tính năng riêng cho máy bay.

Theo Boeing, phải mất ít nhất 3 năm kể từ lúc ký hợp đồng đến lúc bàn giao sản phẩm cho Không quân Israel. Nếu vậy, đây sẽ là thương vụ đầu tiên của Tel Aviv với hãng này trong gần 2 thập kỷ qua.

Máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus

Boeing cũng có thể cung cấp các máy bay tiếp dầu trên không KC-46 Pegasus cho Không quân Israel để thay thế cho những chiếc Ram (được phát triển dựa trên khung thân máy bay chở khách Boeing 707) đã phục vụ trong lực lượng này gần 60 năm nay.

Một chiếc KC-46 của Không quân Mỹ đang thực hành tiếp dầu trên không. Ảnh: Boeing.

Trước đó, có nguồn tin cho biết Không quân Israel đang cân nhắc mua một số máy bay Boeing 767 đã qua sử dụng để hoán cải thành máy bay tiếp dầu trên không. Và KC-46 cũng được phát triển từ Boeing 767.

KC-46 là một trong những ưu tiên mua sắm hàng đầu của Không quân Mỹ. Lực lượng này có kế hoạch mua 179 máy bay để thay thế phi đội KC-135 đang có trong biên chế từ năm 1957, với chi phí tính tới thời điểm hiện tại khoảng 55 tỷ USD.

“Thùng xăng bay" độc đáo hàng đầu thế giới này được trang bị cả ống tiếp nhiên liệu cứng lẫn mềm, có sức chở 96 tấn nhiên liệu và khả năng tiếp nhiên liệu cho tất cả các máy bay cánh cố định (có thể tiếp một lúc 2 máy bay) với tốc độ chuyển lên tới hơn 4.500 lít/phút. Tốc độ bay và phạm vi hoạt động của máy bay lần lượt là 920km/h và 12.000km. Ngoài ra, KC-46 còn có thể vận chuyển hành khách, binh sĩ, hàng hóa… tùy theo nhiệm vụ.

Trực thăng CH-47 Chinook

Không quân Israel cũng đang có kế hoạch mua 20 trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook để thay thế cho phi đội trực thăng CH-53E Super Stallion do hãng Sikorsky chế tạo.

CH-53E đã phục vụ trong Không quân Israel từ năm 1969. Trong quá trình đó, máy bay đã trải qua nhiều chương trình nâng cấp về hệ thống điện tử và phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, Israel dự tính sẽ loại biên chúng vào năm 2025.

Một chiếc CH-47 Chinook của Lục quân Mỹ. Ảnh: Boeing.

Trong khi đó, với vận tốc tối đa lên tới 315km/h, CH-47 Chinook hiện là trực thăng vận tải hạng nặng nhanh nhất thế giới. CH-47F là phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng Chinook để có thể hoạt động xa hơn so với phiên bản cũ và trong mọi điều kiện thời tiết. Việc trang bị động cơ mạnh mẽ cho phép CH-47F bay ở độ cao lên đến 6.096m, tải trọng có thể mang theo lên đến hơn 10 tấn.

Chinook là một trong số hiếm hoi những dòng trực thăng vận tải được sản xuất từ năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn đang hoạt động. Công năng thiết kế của máy bay này là chuyển quân, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường. Hiện có gần 1.000 chiếc Chinook đang hoạt động trong lực lượng quân đội các nước trên thế giới.

Trực thăng V-22 Osprey

Theo ông Matthew Kelly, Giám đốc Dự án V-22 của Boeing, dòng trực thăng lưỡng cơ độc đáo này cũng là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý để giúp Không quân Israel tiếp tục nâng cao khả năng tác chiến bởi chúng có khả năng cất cánh thẳng đứng như trực thăng nhưng di chuyển với vận tốc của máy bay chiến đấu và hạ cánh trên đường băng như các máy bay phản lực thông thường.

Trực thăng V-22. Ảnh: Boeing.

Israel lần đầu tiên bày tỏ quan tâm tới “Đại bàng biển” V-22 vào năm 2012. Hai năm sau, Lầu Năm Góc thông báo với Quốc hội Mỹ về ý định bán 6 chiếc V-22 trị giá 1,13 tỷ USD cho Israel. Tuy nhiên, do vấn đề ngân sách quốc phòng Israel hạn hẹp và phải dành vào những ưu tiêu khác vào thời gian đó, nên thương vụ trên bị lãng quên.

Tới đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Israel một lần nữa cho biết, nước này đang cân nhắc xúc tiến trở lại hợp đồng mua V-22 do nhận thấy dòng máy bay này đáp ứng tốt được yêu cầu nhiệm vụ trong tương lai.

V-22 được đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 2007. Máy bay chở được 24 binh sĩ cùng đầy đủ trang bị, có thể hoạt động trên hạm, trên mặt đất và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm-cứu nạn ở nhiều địa hình mà trực thăng thông thường hay máy bay cánh bằng không thể thực hiện được. Máy bay có khả năng đạt tốc độ bay tối đa tới 522km/giờ ở chế độ máy bay và 184km/giờ ở chế độ trực thăng, có thể bay lên tới độ cao 7km, phạm vi hoạt động hơn 2.100km mà không cần tiếp nhiên liệu. Việc chuyển đổi chế độ bay từ trực thăng sang máy bay của V-22 mất khoảng 16 giây.

PHẠM HUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/israel-hien-dai-hoa-luc-luong-khong-quan-553214