Israel 'Đất nước của các thủ tướng'

Tel Aviv hiện ra trước mắt chúng tôi với dáng vẻ không khác gì nhiều với những thành phố hiện đại ở Châu Âu. Cũng sự pha trộn giữa những dãy nhà thấp tầng của những khu phố cũ ở trung tâm thành phố với những công trình xây dựng cao tầng, những tòa cao ốc chọc trời ở những khu phố mới, cũng hệ thống giao thông đầu mối nhiều tầng lớp tỏa ra các phía, kết nối với các thành phố quan trọng khác của đất nước, cũng những công viên cây xanh rộng lớn với những thảm cỏ xanh mướt, cũng nhịp sống thanh bình của những cư dân đô thị đi làm tại các công sở, các doanh nghiệp hay mua sắm trong các siêu thị, các cửa hiệu.

Nếu con đường từ Tel Aviv đến Jerusalem là ngược dốc để lên đỉnh dãy núi Judea ở độ cao gần 800 mét, thì con đường từ Jerusalem đến Biển Chết lại đổ đèo xuống đến điểm thấp nhất của các lục địa trên thế giới, 427 mét dưới mực nước biển. Hơn bốn chục cây s

Và chính cái dáng vẻ không khác gì nhiều với những thành phố Châu Âu hiện đại ấy đã làm nên sự ngạc nhiên đầy lý thú của chúng tôi. Bởi vì Tel Aviv hiện hữu thật khác với những gì chúng tôi đã hình dung về vùng đất sa mạc cằn cỗi, khô hạn, về một đất nước Israel gắn liền với những tranh chấp lãnh thổ và ranh giới hành chính từ ngày lập quốc đến nay chưa có hồi kết.

Nằm bên bờ Địa Trung Hải, trên vùng đồng bằng duyên hải của Israel, tuy nhiên, nguồn nước tự nhiên của Tel Aviv rất hiếm hoi. Suốt 5 tháng mùa hè nắng chói trang, bầu trời xanh thăm thẳm không một gợn mây và không có một giọt mưa. Nhờ khí hậu Địa Trung Hải đặc trưng nên cho dù nắng gắt vậy nhưng chỉ bước vào bóng dâm đã thấy dịu mát dễ chịu. Mùa đông chỉ thoáng chút lành lạnh, thi thoảng mới có mưa nhưng hầu như nước mưa quá ít ỏi chưa đủ để ướt mặt đất. Vậy mà thật ngạc nhiên, thành phố vẫn xanh mướt những thảm cỏ trong các công viên rộng lớn, mát mắt những sắc xanh của cây cối trên mỗi mảnh vườn, mỗi đường phố. Và hoa, những phượng đỏ, phượng tím, hoa giấy, trúc đào, casia, rất nhiều loài hoa, sắc hoa khác có thể bắt gặp ở mỗi góc phố, mỗi con đường của Tel Aviv.

Theo tấm bản đồ do Công ty du lịch Avitour phát hành thì trong đường ranh mà Israel quản lý về giao thông đang bao gồm cả những vùng đất của Paletstin, cao nguyên Golan, khu vực bờ tây sông Jordan và một số khu vực khác mà Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh 6 ngày, tháng 6 năm 1967. Hình hài của tấm bản đồ này hiện lên trông hệt một thanh đao gãy cán cắm thẳng xuống vịnh Eilat của Biển Đỏ theo hướng bắc - nam. Lưỡi đao hướng sang phía đông, tức là về phía Biển Chết và các quốc gia Syria, Jordan. Sống đao hướng về phía Tây, chia thành hai phần tương đương nhau, trong đó, phần trên tiếp giáp với Địa Trung Hải và phần dưới tiếp giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập.

Cả hai phần đó gặp nhau ở điểm góc nhô cao của sống đao là dải Gada - phần lãnh thổ của Paletstin. Khoảng hơn 30% đất đai của Israel ở khu vực phía bắc có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đối tốt nhờ có lượng mưa khá hàng năm và nguồn nước của biển Galilee, một hồ nước ngọt rộng lớn với diện tích lên đến 166 km2, sâu trung bình 26,5 mét. Phần còn lại của Israel là vùng đất khô cằn, sa mạc, có lượng mưa bình quân không đến 50mm một năm, thậm chí có nơi quanh năm không có một giọt mưa.

Toàn bộ diện tích đất đai của Israel chỉ có hơn 20 nghìn km2 nhưng nhiều vùng rộng lớn ở phía nam là hoang mạc, điều kiện sống rất khắc nghiệt. Gần 60% trong tổng số hơn 8,5 triệu dân Israel cư trú ở khu vực đồng bằng phía bắc và dọc theo duyên hải phía tây. Dù có đi theo chiều dọc hay chiều ngang của Israel đều có thể cảm nhận rất rõ sự thay đổi rất to lớn về điều kiện tự nhiên của đất nước này qua mỗi chặng đường.

*

Có tận mắt chứng kiến sự khắc nghiệt của thiên nhiên và những phức tạp trong quan hệ về địa giới lãnh thổ mới thấy được cái giá của những thành công trong phát triển và duy trì an ninh của Israel. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi và từ ngày lập quốc, 1948 đến nay, chưa bao giờ bình yên về tranh chấp lãnh thổ, nhưng ngày nay, Israel đã trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển, nền khoa học công nghệ tiên tiến và nằm trong số 25 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Năm 2016, tổng sản phẩm quốc dân của Israel đạt gần 312 tỉ USD, mức tăng trưởng 2,5% và GDP bình quân đầu người trên 36 nghìn USD. Có thể nói, toàn bộ sự phát triển của Israel là những câu chuyện thần kỳ, trong đó câu chuyện thần kỳ nhất là nông nghiệp.

Từ xưa tới nay, Israel được mệnh danh là vùng đất khát. Ở đất nước này, nói nước quý như vàng là không đúng, bởi không có vàng người ta vẫn có thể sống nhưng không có nước thì không ai có thể sống được. Nước cho sinh hoạt của con người đã khó, huống chi nước cho nông nghiệp. Vì lẽ đó mà nguồn nước đã từng là nguyên nhân của những cuộc chiến giữa Israel với các quốc gia láng giềng. Tôi đã may mắn được nhúng tay xuống dòng nước đục lờ lờ nhưng mát lạnh của dòng sông Jordan, dòng sông đã được nói đến trong Kinh thánh như nguồn cung cấp phì nhiêu cho vùng đồng bằng rộng lớn “Kikkar ha-Yarden”, nơi được gọi là “Vườn của Chúa”.

Dòng sông ấy đã từng đã từng chứng kiến không biết bao cuộc chiến từ thời Chúa Jesus vượt qua sông ban các phép lạ đến nay. Thời hiện đại, nguồn nước từ biển hồ Galilee và sông Jordan lại được giành giật theo cách khác. Năm 1964, Israel xây dựng xong và đưa vào vận hành một đập ngăn nước, chuyển hướng dòng chảy sông Jordan từ biển hồ Galilee vào Hệ thống dẫn nước quốc gia.

Cũng năm 1964, chi lưu chính của sông Jordan là sông Yarmour được khai thác để cung cấp cho một hồ chứa nước lớn của Syria và một hệ thống kênh đào của Jordan. Kết quả là nguồn nước cung cấp cho sông Jordan cạn kiệt kéo theo cả sự cạn kiệt của Biển Chết. Và bây giờ, sông Jordan trước khi đổ vào Biển Chết chỉ còn là một lạch nước rộng chừng năm bảy bước chân, hai bên bờ lau sậy mọc um tùm.

Ở Israel, đất và nước là hai thứ tài sản quý giá nhất, đều do nhà nước quản lý. Nhà nước cho nông dân thuê đất để canh tác. Người nào thuê đất mà bỏ hoang thì bị phạt theo luật. Với nước, việc quản lý còn chặt chẽ, khắt khe hơn. Từ năm 1959, Israel đã có một bộ luật chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia nào - Luật Nước. Một Ủy ban nhà nước cũng ra đời chuyên quản lý, phân phối nước. Một hệ thống dẫn nước to lớn đã được xây dựng để đưa nước từ biển hồ Galilee tới miền trung và miền nam.

Nhưng như thế là chưa đủ cho nhu cầu của nông nghiệp nói riêng và nhu cầu của xã hội nói chung. Bằng trí tuệ của mình, Israel tự tìm ra con đường thoát khát, đó là khoa học công nghệ. Người Israel đã thành công trong công nghệ lọc nước ngọt từ nước biển, xử lý 95% nước thải thành nước sạch cho nông nghiệp, tưới nhỏ giọt cho cây trồng để tiết kiệm và tăng hiệu quả của nước.v.v... Năm 2013, Israel tuyên bố, quốc gia này hoàn toàn đảm bảo nước đáp ứng mọi nhu cầu xã hội, không còn phụ thuộc vào nguồn nước ngọt trong thiên nhiên.

Có nước, những người Israel cải tạo những vùng sa mạc cằn cỗi ở miền trung và miền nam thành những nông trại để cung cấp lương thực, trái cây và rau quả cho đất nước, xuất khẩu ra nước ngoài thu ngoại tệ. Năm 1979, thung lũng đá trơ trụi vùng Eim Yahav đã được cải tạo thành các nông trang trồng dưa. Những trái dưa từ các nông trang này hầu như độc quyền chiếm lĩnh thị trường Châu Âu. Hai mươi năm sau, khi một số nước khác cũng sản xuất dưa và xuất sang Châu Âu, làm cho thị trường này dư thừa dưa, người Israel lại chuyển đổi khu vực này thành các cánh đồng nhà kính để trồng ớt vàng. Và Israel trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu ớt vàng, thứ hàng nông sản mới, độc đáo của họ sang thị trường Châu Âu.

Không chỉ sản xuất được nông sản xuất khẩu, người Israel còn chủ động nắm bắt được tình trạng của thị trường để bán được nông sản của mình với giá có lợi nhất. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cánh đồng trồng cam, ngô, cà tím ở Kibbutz Naan (một hình thức tổ chức sản xuất kiểu hợp tác xã ở Israel), nơi cách trung tâm Tel Aviv khoảng nửa giờ xe chạy. Toàn bộ cây trồng trên những cánh đồng ở Naan đều được tưới theo phương pháp nhỏ giọt. Người ta đã pha trộn vào nước lượng phân bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây. Hệ thống bơm tự động và các ống dẫn bằng nhựa tổng hợp sẽ đưa dòng nước đến từng gốc cây.

Những chiếc van đặc biệt lắp vào hệ thống ống dẫn để đảm bảo cung cấp liên tục cho mỗi cây lượng nước cần thiết. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm nước đến mức tốt nhất có thể, mà còn làm cho năng suất cây trồng tăng lên gấp rưỡi, gấp hai lần. Có thể nói, tưới nhỏ giọt là giải pháp duy nhất để duy trì sức sống cho cây xanh trên những khu vực khô hạn, làm nên một nền nông nghiệp thành công trên vùng sa mạc khắc nghiệt ở Israel.

Ngoại ô thành phố Jerusalem, phía xa là khu định cư mới xây dựng.

Cùng với việc giải bài toán cho phát triển nông nghiệp, có thể coi việc tăng cường sức mạnh quốc phòng chính là câu chuyện thần kỳ thứ hai của nhà nước Israel. Từ những ngày đầu lập quốc đến nay, cho dù đảng phái chính trị hay chính phủ nào lên cầm quyền ở Israel cũng đều có chung một quyết tâm chính trị là phát triển nền công nghiệp quốc phòng tự chủ và xây dựng quân đội mạnh mẽ. Không chỉ có các chính trị gia mà bất cứ người dân Israel nào cũng hiểu rằng, trong điều kiện một lãnh thổ nhỏ bé lọt thỏm giữa thế giới Ả rập với những tranh chấp lãnh thổ rất phức tạp, nếu không có nền quốc phòng mạnh, họ khó có thể tồn tại chứ chưa nói đến điều kiện thanh bình cho cuộc sống.

Từ hai bàn tay trắng 70 năm về trước, ngày nay, Israel đã là một trong số ít quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, là nhà xuất khẩu vũ khí có tiếng trên thế giới. Ngân sách quốc phòng hằng năm của Israel bình quân khoảng 9,5% GDP, tức là vào khoảng 30 tỷ USD năm 2016. Tất cả công dân Israel đủ 18 tuổi, không phân biệt giới tính đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nam 3 năm và nữ 2 năm. Quân đội Israel được trang bị các loại vũ khí hiện đại, kể cả tên lửa đạn đạo tầm bắn đến 7.000 km. Nhìn vào thực tế các cuộc chiến trong lịch sử tồn tại nhà nước Israel và tình trạng an ninh hiện nay có thể đánh giá được sức mạnh của Quân đội Israel. Chính sức mạnh ấy tạo nên sự răn đe, lực lượng bảo về cho sự thanh bình của Israel.

*

Câu chuyện của chúng tôi với các bạn Israel ở Nhà hàng Catina số 71, đại lộ Rothschild, Tel Aviv, chốc chốc lại bị đứt đoạn bởi những màn chào hỏi. Chuyện cũng dễ hiểu vì đối diện với chúng tôi là những nhân vật nổi tiếng ở Israel, ông Haim Raon - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, từng là bộ trưởng các bộ Y tế, Tư pháp và Văn phòng chính phủ, tỷ phú bất động sản Igal Ahouvi và doanh nhân Ephraim từ thành phố Haifa. Catina lại là nhà hàng sang trọng nằm ở khu trung tâm thương mại ở Tel Aviv, một địa điểm gặp gỡ, đãi đằng bạn bè của giới thượng lưu. Giải thích câu hỏi của chúng tôi về nguyên nhân thành công của Israel, các bạn khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực cộng với thể chế dân chủ là hai yếu tố quyết định.

Những người Do Thái trở về mảnh đất này sau 700 năm phiêu bạt của dân tộc, ai cũng mang theo những kinh nghiệm phong phú từ khắp nơi trên thế giới cùng khát vọng cháy bỏng về xây dựng đất nước, tạo lập cuộc sống tốt đẹp. Con em các gia đình Israel không chỉ được kế thừa sự thông minh của dân tộc Do Thái, mà còn được hưởng nền giáo dục rất tốt. Nguồn lực quý ấy được nhân lên gấp bội và phát huy hiệu quả cao nhất nhờ môi trường dân chủ mang đặc trưng Israel. Đó là môi trường cho phép bất cứ ai cũng có thể tự tin và thẳng thắn nói ra các ý tưởng, quan điểm hay sáng kiến của mình.

Trong các cơ quan quyền lực nhà nước hay các doanh nghiệp, mọi người được khuyến khích nói ra tất cả những gì mình suy nghĩ về mọi vấn đề của đất nước hay của tổ chức của mình. Mọi sáng kiến nêu ra đều được lắng nghe, trân trọng, kể cả những sáng kiến chưa hợp lý hoặc trái với quan điểm của người lãnh đạo. Có lẽ, lối sống dân chủ ấy đã hình thành trong quá trình phiêu bạt nơi đất khách, quê người, luôn phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, nên người Do Thái tự ý thức được sự cần thiết phải lắng nghe mọi ý kiến của nhau để chắt lọc ra những tinh chất trí tuệ, từ đó tìm ra cách để cải thiện điều kiện sống. Lối sống ấy trở thành tính cách của dân tộc Do Thái, nghiễm nhiên được chuyển hóa vào đời sống kinh tế, chính trị, trở thành thể chế dân chủ.

Từ sự lý giải của các bạn Israel, tôi chợt nhớ tới câu nói nổi tiếng của Golda Meir, nữ Thủ tướng dân cử thứ tư của Nhà nước Israel giai đoạn từ 1969 đến 1974, người đầu tiên trên thế giới được mệnh danh là “Người đàn bà thép” đã từng nói với Tổng thống Mỹ R. Nixon: “Ngài là Tổng thống của 150 triệu dân còn tôi là Thủ tướng của 6 triệu thủ tướng”. Câu nói ấy là sự giải thích cụ thể và dễ hiểu nhất về thể chế dân chủ, một sức mạnh nội sinh của dân tộc Do Thái, một điều kiện quyết định làm nên mọi thành công của Israel. Và phải chăng, số thành của mọi thành công ấy chính là điều mà hôm nay đã trở thành sự ngạc nhiên của bất cứ ai đặt chân đến đất nước này, một Israel thanh bình.

Tháng 6.2017

Tạ Ngọc Tấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/israel-dat-nuoc-cua-cac-thu-tuong-679039.bld