Israel 'đánh đổi' điều gì để Nga hoãn chuyển giao S-300 cho Syria?

Thủ tướng Netanyahu dường như đã thuyết phục thành công Nga dừng lại quyết định cấp S-300 cho Syria. Tuy nhiên, không có sự đảm bảo nào nói rằng sự thỏa hiệp này sẽ kéo dài mãi mãi.

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đến Nga tham dự buổi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Thủ tướng Netanyahu đánh đổi gì với Tổng thống Putin?

Trong những năm qua, Ngày Chiến thắng của Nga là một lễ kỷ niệm có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Moscow. Nhưng năm nay, cuộc diễu binh của Nga chỉ thu hút hai nhà lãnh đạo thế giới: Tổng thống Serbia Alexander Vucic và Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu.

Cả hai nhà lãnh đạo đã đến Moscow vào ngày 9/5 để tham dự buổi lễ tại Quảng trường Đỏ và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người vừa chính thức nhậm chức tổng thống lần thứ tư chỉ hai ngày trước đó.

Chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu diễn ra chỉ vài giờ sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một động thái theo sau bởi một loạt các cuộc không kích của Israel nhắm vào các mục tiêu của Iran tại Syria.

Thay vì chỉ đến dự kỷ niệm Ngày Chiến thắng đơn thuần, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Thủ tướng Israel đã đến Moscow để thảo luận trực tiếp với Tổng thống Putin quanh vấn đề Nga đang cân nhắc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Damascus.

Mua bán khí tài quân sự được coi là một vấn đề nằm trong chương trình nghị sự về quy tắc ứng xử của cả hai nước ở Syria.

Sau cuộc không kích tên lửa của Mỹ vào Syria hồi tháng 4, Nga đã quyết định nối lại việc cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho các nước Trung Đông, bao gồm cả Syria.

Quyết định của Moscow đã ngay lập tức gây ra sự chú ý đối với Israel. Trước đó, vào năm 2010, cũng chính vì mối quan ngại về an ninh của Tel Aviv đã khiến Nga hủy bỏ việc giao hàng S-300 cho Damascus.

Mặc dù không có báo cáo nào chắc chắn rằng Thủ tướng Netanyahu đã thuyết phục thành công Tổng thống Putin không giao S-300 cho chính quyền Assad. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vấn đề này chắc chắn đã được Tel Aviv dùng thương lượng với Điện Kremlin.

Chỉ sau 10 giờ đồng hồ ở Moscow, có vẻ như Thủ tướng Netanyahu đã có được những gì mình muốn khi Điện Kremlin bất ngờ ra tuyên bố, chưa có kế hoạch chuyển giao S-300 nào cho Syria được thảo luận.

"Hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ quyết định chuyển giao các hệ thống phòng không mới", nhật báo Izvestia dẫn lời phụ tá Tổng thống Nga, ông Vladimir Kozhin cho hay.

Moscow cũng bác bỏ thông tin nói rằng quyết định này bị ảnh hưởng bởi chuyến thăm của ông Netanyahu.

"Việc chuyển giao S-300 chưa bao giờ được chúng tôi công bố như vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, nói. "Tuy nhiên, sau các cuộc tấn công vừa qua Nga vẫn luôn bảo lưu quyền làm bất cứ điều gì cần thiết".

Theo chuyên gia Alexei Khlebnikov từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, dường như Moscow và Tel Aviv đã đạt được thỏa thuận chung về vấn đề chuyển giao S-300 gây căng thẳng thời gian qua.

Theo đó, Nga đã đồng ý với ông Netanyahu về việc sẽ không giới hạn hành động của Israel tại Syria cũng như tạm ngưng các cuộc thảo luận chuyển giao S-300.

Nhưng nhiều khả năng sự thỏa hiệp này cũng có giá cho chính quyền Netanyahu, trong đó Israel sẽ phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt mà phía Nga đề ra.

Cuộc tấn công hôm 10/5 của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Syria đã thông báo trước cho Nga.

Theo đó, Thủ tướng Netanyahu sẽ phải đảm bảo rằng Moscow phải nhận được thông báo trước khi có bất kỳ cuộc tấn công của Israel nhằm vào Syria và chắc chắn nhân viên quân sự Nga hoặc cơ sở hạ tầng của nước này không bị tấn công.

Sự sắp xếp này sẽ cho phép Moscow biết trước mọi động thái của Israel và giảm thiểu thiệt hại cho các đối tác Iran và Syria bằng cách thông báo cho họ về cuộc tấn công.

Để minh chứng cho quan điểm của mình, chuyên gia Khlebnikov chỉ ra rằng, ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, Israel đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria được cho là ở quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua.

Các chiến đấu cơ của Israel đã tấn công hàng chục địa điểm tình báo, kho vũ khí và các mục tiêu quân sự khác được cho là do các lực lượng Iran điều hành. Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) nói mục tiêu chính của cuộc tấn công là loại bỏ cơ sở hạ tầng của Iran, chứ không phải nhân lực.

Đặc biệt hơn, người phát ngôn của IDF cũng khẳng định, người Nga đã được thông báo trước về cuộc tấn công của Israel.

Thỏa thuận tạm thời

Đây được coi là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Israel vẫn duy trì khả năng tấn công các mục tiêu ở Syria, thể hiện cách tiếp cận cứng rắn đối với Iran. Hơn nữa, nước này có thể tiếp tục mục đích của mình mà không làm hỏng mối quan hệ với Moscow.

Ở phía ngược lại, Nga vẫn có thể hợp tác với Syria và Iran, cộng thêm việc có thêm đòn bẩy đối với họ dưới hình thức cung cấp thông tin về các cuộc tấn công sắp xảy ra của Israel.

Điểm mấu chốt là Nga sẽ tiếp tục tôn trọng mối quan tâm về mặt an ninh của Israel và sẽ không hạn chế các cuộc tấn công của nước này vào Syria.

Đồng thời, Tel Aviv sẽ phải xoa dịu Moscow bằng cách lựa chọn mục tiêu của mình ở Syria một cách có trách nhiệm và cần thông báo trước.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đi kèm với những hạn chế nhất định mà cả hai bên đang nhanh chóng nhận ra. An ninh của Israel phụ thuộc vào việc Iran phải giảm sự hiện diện ở Syria, trong khi thành công của Nga tại Syria lại đi đôi với tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran.

Do đó, Moscow và Tel Aviv sẽ cần phải liên tục có những cân chỉnh thỏa hiệp trong thời gian tới.

Nga không thể cho phép Israel bắt đầu một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Iran, một phần vì những tính toán của Moscow ở Syria và Israel không thể chấp nhận sự phát triển không giới hạn của Iran tại Syria, vì mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Hai chính sách này đang mâu thuẫn lẫn nhau. Và điều đó đặt ra một câu hỏi: Nga và Israel sẵn sàng theo đuổi lợi ích hiện tại của họ ở Syria ở mức độ nào? Cho đến nay họ đã cố gắng thỏa hiệp, nhưng không có sự đảm bảo nào nói rằng sự thỏa hiệp này sẽ kéo dài mãi mãi.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/israel-danh-doi-dieu-gi-de-nga-hoan-chuyen-giao-s-300-cho-syria--a370125.html