Israel có bao nhiêu vũ khí hạt nhân?

Israel cho thử nghiệm động cơ mới cho tên lửa 'Jericho', Iran buộc phải đẩy nhanh chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.

Lại xin giới thiệu tiếp bài viết có nội dung liên quan đến chủ đề đang nóng hiện nay- tình hình căng thẳng tại Trung Đông của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuckhov. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 9/12/2019.

Ảnh: Zuma/TASS

Ảnh: Zuma/TASS

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarifmới đây (vào đầu tháng 12/2019) tuyên bố: “Tehran cực kỳ quan ngại trước việc Israel thử nghiệm “tên lửa hạt nhân nhắm vào Iran".

Đồng thời, vị Bộ trưởng Iran cũng lên tiếng chỉ trích Phương Tây vì cho rằng các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp chưa từng lên án và hiện vẫn không lên án sự tồn tại của "một kho vũ khí hạt nhân duy nhất tại khu vực Tiểu Á" (của Israel).

Thông tin về việc Israel thử nghiệm động cơ tên lửa mới không phải là “thành tích” trong hoạt động thu thập tin tức của các cơ quan tình báo Iran. Mà nó đã được chính Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Israel công bố.

Theo đó thì các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại căn cứ quân sự Palmahim và đã được lên kế hoạch từ trước. Các tham số và tính năng kỹ thuật của động cơ không được tiết lộ. Thậm chí còn không có cả thông tin về việc động cơ tên lửa đó là một động cơ được hiện đại hóa hay là một thiết kế hoàn toàn mới.

Tuy vậy, cùng thời gian đó, các phương tiện truyền thông Israel đã cụ thể hóa ý nghĩa của các lần thử nghiệm này: động cơ mới này có thể được sử dụng để lắp cho các tên lửa tầm xa kiểu “Hetz” và “Jericho”.

Nhưng vấn đề là ở chỗ trong thông tin này (lắp cho hai kiểu tên lửa là “Hetz” và “Jericho”-ND), chúng ta chỉ có thể “lọc ra” được một kiểu đúng là "tên lửa hạt nhân nhắm vào Iran".

Bởi vì “Hetz”- đó là một họ các tên lửa đánh chặn được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung ở bên ngoài bầu khí quyển. Phiên bản mới nhất của tổ hợp tên lửa phòng không nói trên là “Hetz-3” có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao tới 100 km.

Tổ hợp này được thiết kế trước hết là để đối phó với các tên lửa “Shahab” và “Sajil” của Iran. Có nghĩa là nó (“Hetz”) là một kiểu vũ khí phòng thủ. Nhưng, cho dù có như vậy thì việc Israel cải tiến hoàn thiện “Hetz” cũng không thể làm cho Tehran vui được.

Tổ hợp tên lửa đánh chặn “Hetz-3”

Nhưng còn về chuyện cải tiến hoàn thiện tên lửa “Jericho” – thì đó chính xác là những gì đang khiến Tehran phẫn nộ. Vì nó là kiểu vũ khí tấn công. Và vũ khí này, quả thực, trước hết và chủ yếu được sử dụng đế tấn công Iran.

Thêm nữa, cũng giống như bất kỳ vũ khí tấn công nào khác của Israel, nó được giữ bí mật tối đa. Thậm chí còn hơn cả cái cách mà người Trung Quốc giữ bí mật những vũ khí của họ.

Và điều này là cực kỳ dễ hiểu, - vì ở đâu có tên lửa, ở đó có các khối tác chiến hạt nhân,- cho dù Israel kiên quyết không thừa nhận là trong trang bị của Quân đội nước này có vũ khí hạt nhân. Chính vì thế mà cách đặt vấn đề của Iran - “tên lửa hạt nhân nhằm vào Iran” là hoàn toàn chính xác.

Và sau đây là những gì ta được biết về tên lửa đạn đạo “Jericho” Israel. Thực ra, cần phải nhớ rằng tất cả những số liệu được dẫn sau đây không phải là các thông số được ghi trong bản thuyết minh kỹ thuật của “Jericho”, mà là những thông tin có được từ các nguồn tin đáng tin cậy trong ngành công nghiệp quốc phòng Israel hoặc từ các chuyên gia quân sự không phải là người Israel.

Có ba phiên bản “Jericho”. Phiên bản đầu tiên xuất hiện vào đầu những năm 70. Đây là tên lửa là một tầng, tầm ngắn – cự ly bắn khoảng 500 km. Trọng lượng đầu tác chiến- 450 kg.

Phiên bản thứ hai được đưa vào trang bị giữa những năm 80, hiện đại hơn. Tên lửa có hai tầng. Cự ly bắn- lên tới 3.500 km, và trọng lượng ném (tạm hiểu- trọng lượng đầu tác chiến-ND) tới một tấn.

Và (phiên bản) cuối cùng, vào giữa những năm 2000, - đó là tên lửa ba tầng có tên là “Jericho-3”. Các dữ liệu về kiểu tên lửa này rất khác nhau. Cự ly bắn, theo nhiều nguồn (không có thông tin chính thức) rất khác nhau- 4.000 km, 5.000 km, và có nguồn tin còn cho rằng tầm bắn của “Jericho-3” lên tới 6.500 km.

Thậm chí còn có cả những tuyên bố khẳng định cho rằng “Jericho-3” là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn tối đa tới 11.500 km. Nhưng có một điều mà tất cả các chuyên gia đều nhất trí với nhau- đó là tầng ba tên lửa này có thể mang 2-4 khối tác chiến tự tách và tự dẫn. Và những khối tác chiến này đều có thể là các khối tác chiến hạt nhân.

Còn có thông tin cho rằng Israel hiện đang thiết kế một tên lửa mới - tên lửa “Jericho-4” còn mạnh hơn và có tầm bắn xa hơn nữa. Chính vì vậy mà động cơ mới đang được thử nghiệm (như thông tin đầu bài viết) chính là để lắp cho kiểu tên lửa mới này.

Tuy vậy, quả thực là hơi khó hiểu ở chỗ tại sao Israel, một quốc gia chỉ có toàn các đối thủ trong khu vực, lại cần một ICBM. Để “trị” Iran, chỉ cần tên lửa tầm trung là đã quá đủ. Hay là Israel, cũng có thể, đã thực hiện các kế hoạch bí mật nào đấy của Mỹ (nên chế tạo ICBM) gây sức ép lên Trung Quốc?

Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nhiều nếu giả định rằng mục đích của thiết kế động cơ mới này không phải là tăng tầm bắn của tên lửa, mà là tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu của tên lửa.

Làm như vậy là cần thiết để tăng khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Những thủ pháp này (chọc thủng hệ thống phòng không đối phương) gồm có: cắt giảm quỹ đạo bay chủ động của tên lửa, tức khoảng thời gian động cơ hành trình hoạt động và lắp thêm cho tên lửa các thiết bị bố sung như mục tiêu giảvà thiết bị tác chiến điện tử.

Còn bây giờ- chúng ta nói về vũ khí hạt nhân của Israel. Tel Aviv không bác bỏ, nhưng không thừa nhận là mình đã có vũ khí hạt nhân. Có nghĩa là trước mọi câu hỏi về việc có hay không vũ khí hạt nhân, Israel đều trả lời bằng sự im lặng. Đồng thời, Israel cũng không ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Người sáng lập nhà nước Do Thái, ông Ben-Gurion, ngay từ khi được bầu làm người đứng đầu chính phủ (thủ tướng) nhà nước Israel mới thành lập vào năm 1948, đã nhiều lần tuyên bố rằng chỉ duy nhất có vũ khí hạt nhân mới cho phép quốc gia Israel luôn nằm trong vòng vây của các quốc gia (thế lực) thù địch tự bảo vệ được nền độc lập của mình.

Và điều này (phải sở hữu vũ khí hạt nhân) phải trở thành nội dung quan trọng nhất trong chương trình phát triển đất nước Israel, chỉ có điều, dĩ nhiên, nội dung trên không bao giờ được công bố công khai.

Những công việc chế tạo vũ khí hạt nhân thực sự được bắt đầu bằng việc lắp đặt lò phản ứng hạt nhân công suất 28 MW của Pháp trên sa mạc Nague gần thành phố Dimon vào năm 1957.

Lò phản ứng này cho phép Israel có được 3 kg Plutonium cấp độ (chế tạo) vũ khí mỗi năm. Sau đó, lò phản ứng nói trên được hoàn thiện và sản lượng Plutonium đạt tới 10 kg/ năm.

Dĩ nhiên, Israel không hoàn toàn tự mình chế tạo bom (nguyên tử). Trong những năm khác nhau, tham gia dự án chế tạo bom hạt nhân của Israel còn có người Pháp, người Mỹ và các chuyên gia từ Nam Phi (Tel Aviv hợp tác với Nam Phi trong lĩnh vực này).

Và còn nhiều người Do Thái vốn từng làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, nhưng sau đó (khi Nhà nước Do Thái được thành lập) đã chuyển về sống trên “Miền đất hứa” (Israel).

Có hai bằng chứng không thể bác bỏ chứng minh rằng Israel đã tích cực thiết kế chế tạo vũ khí hạt nhân và cuối cùng đã chế tạo được vũ khí hạt nhân.

Nhà vật lý người Mỹ Edward Teller, cha đẻ của bom hydro (bom nhiệt hạch), trong một khoảng thời gian rất dài, ngay từ đầu những năm 1960 đã là chuyên gia tư vấn cho các đồng nghiệp Israel về các vấn đề hạt nhân.

Ông đã đến thăm Israel tổng cộng sáu lần, và trong thời gian ở Israel, ông không chỉ giảng bài tại Đại học Tel Aviv, mà còn đến thăm nhiều mục tiêu bí mật trên lãnh thổ nước này.

Năm 1976, sĩ quan CIA Carl Duckett, khi trả lời các câu hỏi trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã tuyên bố rằng Israel đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khi đó, ông này đã nhấn mạnh rằng đây là một thông tin tình báo rất chính xác ông có được từ “một nhà khoa học người Mỹ”. Nhiều năm sau đó, vào năm 1990, chính Edward Teller đã thừa nhận rằng ông là người cung cấp thông tin đó cho CIA (cụ thể là cho Carl Duckett-ND).

Bằng chứng thứ hai có được vào năm 1985. Mordechai Vanunu, một cán bộ kỹ thuật từng làm việc tại Trung tâm hạt nhân Moson-2 nhưng sau đó đào tẩu khỏi Israel, đã trao hơn 60 bức ảnh chụp các mục tiêu bí mật cùng với các giải thích bình luận chi tiết cho tờ báo Anh “The Sunday Times”.

Những tài liệu này đã xác nhận chính xác rằng Israel đã có vũ khí hạt nhân. Không chỉ thế, tại trung tâm Dimon còn có những xí nghiệp sản xuất đầu tác chiến nhiệt hạch.

Không lâu sau đó, Mossad (Cơ quan tình báo Israel) đã bí mật “tóm sống” Mordecai Vanunu trên đất Ý và đưa ông này về Israel. Tòa án Israel kết án viên cán bộ kỹ thuật này 18 năm tù. Anh ta đã ngồi tù gần hết hạn nói trên và được tha tù trước thời hạn một chút .

Tuy nhiên, bị áp đặt những biện pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt: bị cấm rời khỏi điểm dân cư cư trú, bị cấm tiếp xúc với các đại sứ quán nước ngoài, bị cấm sử dụng Internet và điện thoại di động, và bị cấm trao đổi với các phóng viên nước ngoài.

Trong trường hợp cần đi lại trên lãnh thổ Israel, cần phải báo trước và phải được sự cho phép của cảnh sát.

Vâng, thế còn các bằng chứng gián tiếp về việc Israel chế tạo kho vũ khí hạt nhân của Israel – có không ít nhất ba chục (30) bằng chứng như vậy.

Đó là những chuyến vận chuyển bí mật bằng đường biển hàng chục tấn vật liệu hạt nhân và hàng trăm tấn quặng uranium, và đó là lần nhận ngòi nổ thành phẩm cho bom plutonium, và các tài liệu liên quan bí mật vũ khí hạt nhân các nước bị các điệp viên Mossad đánh cắp, và rất nhiêu, rất nhiều các bằng chứng khác nữa.

Sự thú vị là ở chỗ mặc dù Bắc Triều Tiên và Iran có ít bằng chứng buộc tội hơn rất nhiều (so với Israel), nhưng những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực luật pháp quốc tế của Mỹ từ rất lâu rồi đã triển khai nhiều chiến dịch lên án hai quốc gia nói trên cái gọi là “sự tráo trở hạt nhân” của họ.

Nhưng ở đây (trong trường hợp Israel) – thì lại là một sự im lặng tuyệt đối. Bởi vì các thỏa thuận bí mật (giữa Israel và Mỹ) đáp ứng tối đa các lợi ích của nước Mỹ bao giờ cũng quan trọng hơn rất nhiều so với mọi hiệp ước và mọi thỏa thuận quốc tế.

Gần như ngay sau thời điểm Quốc hội Mỹ tiến hành điều tra bom hạt nhân Israel, Thủ tướng Israel Gold Meir đã bay tới Washington. Ông này đã tiến hành các cuộc đàm phán kín với Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Kết quả các cuộc đàm phán sau đó được Giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Washington Robert Setlof hé lộ như sau:

"Về bản chất, nội dung thỏa thuận đạt được (giữa Gold Meir và Richard Nixon) là Israel sẽ cất giữ (vũ khí) răn đe hạt nhân sâu dưới tầng hầm, còn Washington sẽ “cất” những tuyên bố chỉ trích (Israel) của mình trong một cái tủ khóa chặt"

Và bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, cơ chế nói trên vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng đã từng có lúc Ngài Gold Meir giải thích một cách cực kỳ dễ hiểu tình huống (với vũ khí hạt nhân của Israel) như sau: “Chúng tôi (Israel) không có vũ khí hạt nhân, nhưng nếu cần, chúng tôi sẽ sử dụng chúng”.

Để kết luận, cho đến thời điểm hiện tại, Israel đã tích lũy được một kho vũ khí hạt nhân (ở một quy mô) nào đấy. Dĩ nhiên, đấy là đánh giá của các chuyên gia căn cứ vào nhiều bằng chứng gián tiếp rất đáng tin cậy.

Các chuyên gia Mỹ còn trích dẫn các số liệu cụ thể về tiến trình sản xuất và “tàng trữ” đầu tác chiến hạt nhân của Israel.

Vào giữa những năm 70, có 15 (đầu tác chiến hạt nhân), vào năm 1982 – có 35, khi bắt đầu Chiến tranh vùng Vịnh năm 199 - 55. Còn có các bằng chứng cho thấy vào năm 2004, việc sản xuất đầu đạn đã bị đóng băng, - vào thời điểm đó Israel đã có 80 đầu tác chiến hạt nhân.

Còn tại Nga, trên cơ sở thông tin mà Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga khai thác được, những số liệu về tiềm lực hạt nhân Israel có hơi khác so với số liệu của Mỹ- hiện Israel có thể đang sở hữu từ 100 đến 200 đầu đạn hạt nhân.

Còn tại Anh, năm 2013, Tờ báo chuyên ngành hạt nhân của Anh “Bản tin nghiên cứu hạt nhân” đã viết rằng Israel có khoảng 80 đầu tác chiến hạt nhân. Cùng thời gian đó, Israel đã tích lũy các vật liệu đủ để sản xuất tới 190 đầu tác chiến hạt nhân.

Còn về những gì liên quan đến công suất các đầu tác chiến hạt nhân,- thì công suất các đầu đạn hạt nhân Israel nằm trong khoảng tối đa là 5 kiloton. Có nghĩa là đó vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/israel-co-bao-nhieu-vu-khi-hat-nhan-3395358/