Israel cân nhắc lại thỏa thận đường ống dầu với UAE

Tân chính phủ Israel đang xem xét lại thỏa thuận đường ống với UAE được ký dưới thời ông Netanyahu sau khi nhận nhiều phản đối từ các nhóm hoạt động xanh.

Trang tin Trung Đông Middle East Eye đưa tin về động thái của chính phủ Israel đang cân nhắc lại thỏa thuận đường ống với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về vận chuyển dầu từ vùng Vịnh đến châu Âu, sau khi bị các nhóm hoạt động vì môi trường lên tiếng phản đối kịch liệt.

Hình ảnh bến dầu ngoài khơi Biển Đỏ của Công ty Đường ống Eilat Ashkelon (EAPC), ở Eilat, ngày 10 tháng 2 năm 2021 (Ảnh: AFP)

Hình ảnh bến dầu ngoài khơi Biển Đỏ của Công ty Đường ống Eilat Ashkelon (EAPC), ở Eilat, ngày 10 tháng 2 năm 2021 (Ảnh: AFP)

Vào tháng 10 năm ngoái, công ty Đường ống Eilat Ashkelon (EAPC) của Israel được nhà nước điều hành đã ký một biên bản thỏa thuận với MED-RED Land Bridge, một công ty có chủ sở hữu là người Israel và công dân của UAE tại Abu Dhabi.

Thỏa thuận này được thực hiện sau động thái chấp thuận ký kết các thỏa thuận bình thường hóa giữa UAE, Bahrain và Israel vào ngày 15 tháng 9 năm 2020 tại Nhà Trắng dưới thời cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mở đường cho nhiều hiệp ước khác giữa các quốc gia Trung Đông trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, thương mại, du lịch và thể thao.

Nhật báo Haaretz của Israel đưa tin, Thủ tướng Israel đương nhiệm Naftali Bennett và Ngoại trưởng Yair Lapid sẽ tổ chức một cuộc họp dự kiến trong một vài tuần tới với các chuyên gia Israel để xem xét tác động của một đường ống dẫn dầu đối với rạn san hô ở Biển Đỏ, khu vực sa mạc Negev và ven bờ Địa Trung Hải.

Nhiều nhà môi trường Israel, nhà hoạt động xanh cùng một số quan chức đã chỉ trích thỏa thuận nói trên với UAE nhằm vận chuyển dầu qua một đường ống dài 254 km nối thành phố Biển Đỏ Eilat và cảng Ashkelon ở Địa Trung Hải.

Trong những năm 1960, Israel và Iran đã bí mật xây dựng đường ống như một phương tiện để vượt qua Kênh đào Suez của Ai Cập, quốc gia thời điểm đó bị xem là kẻ thù, và cung cấp một giải pháp thay thế với chi phí rẻ hơn cho việc vận chuyển dầu.

Bà Karine Elharrar, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng quốc gia, năng lượng và tài nguyên nước của Israel, cho biết vào thứ Sáu ngày 23/07 rằng, Bộ đã "không thấy bất kỳ lợi ích năng lượng nào cho nền kinh tế Israel từ thỏa thuận này. Kể cả khi thỏa thuận ấy bị hủy bỏ, chúng tôi vẫn không nhận định thấy bất kỳ thiệt hại nào trong lĩnh vực dầu khí của đất nước".

Hai nhà lãnh đạo của liên minh tổng thống tại Israel, Bennett và Lapid, đã được nhiều bên kỳ vọng là sẽ đưa ra quan điểm của tân chính phủ đối với thỏa thuận được ký kết trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Bộ trưởng Elharrar xác nhận bà không nắm rõ các chi tiết thương mại chính xác của thỏa thuận đường ống dẫn dầu Israel-UAE, đồng thời nhấn mạnh nội dụng thỏa thuận này cần được kiểm tra toàn diện.

Rủi ro hủy hoại môi trường

Vào tháng 6 vừa qua, Tamar Zandberg, Bộ trưởng bảo vệ môi trường của Israel, thể hiện quan điểm đối lập với thỏa thuận năm 2020 vì mang nhiều rủi ro gây ra thiệt hại sinh thái nghiêm trọng, đồng thời nói thêm rằng Israel "không nên là cầu nối dầu mỏ giữa các quốc gia khác".

Trước đó hồi tháng 5, các nhóm hoạt động xanh đã kiến nghị tới Tòa án Tối cao Israel hủy bỏ biên bản ghi nhớ về đường ống dẫn dầu, nói rằng thỏa thuận này không được chính phủ thảo luận hay thông qua, và công chúng cũng như các chuyên gia đều không được tham khảo ý kiến.

Họ cũng nói rằng đường ống dẫn dầu những năm 1960 hiện tại đã "cũ nát và gỉ sét", có nguy cơ cao tạo nên rò rỉ, và chỉ ra trách nhiệm của EAPC đối với sự cố tràn dầu năm 2014 vào Khu bảo tồn Thiên nhiên Evrona ở miền nam Israel.

Tuy nhiên, EAPC đã bác bỏ những lo ngại về môi trường này ngay trong tháng 6 sau đó, khẳng định họ đã tiến hành khảo sát rủi ro và bảo trì đường ống thường xuyên.

Chính phủ đương nhiệm của ông Bennett, mới được thành lập hồi cũng trong tháng 6 vừa qua, đã yêu cầu Tòa án Tối cao thời hạn ba tháng rưỡi để cân nhắc lại về thỏa thuận Israel-UAE.

Vào tháng 10 năm 2020, một nguồn tin nói với Reuters rằng nếu thỏa thuận được hoàn tất, nó có thể trị giá 700 triệu - 800 triệu USD chỉ trong vài năm, đồng thời nguồn cung có thể bắt đầu ngay từ đầu năm 2021

Đường ống EAPC có thể cung cấp khả năng tiếp cận nguyên liệu nhanh hơn cho người tiêu dùng ở Châu Á tới dầu được sản xuất ở Địa Trung Hải và vùng Biển Đen. Đây sẽ là một "cây cầu trên bộ" đáng kể giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và chi phí, so với việc phải băng qua kênh đào Suez để vận chuyển dầu giữa châu Âu và châu Á.

Đường ống EAPC ban đầu được đăng ký vào năm 1968 với tư cách là một liên doanh 50-50 giữa Iran và Israel, với cái tên Công ty Đường ống Âu-Á.

Trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, trước thời điểm Israel và Iran cắt đứt quan hệ, hai nước đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ.

Mục đích ban đầu của đường ống là ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 và đảm bảo nhập khẩu năng lượng của Israel và châu Âu.

Nhật An

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/israel-can-nhac-lai-thoa-than-duong-ong-dau-voi-uae-3436003/