Iskander thế chỗ Тоchka, Kalibr xếp hàng chờ đến lượt

Các lữ đoàn tên lửa Lục quân Nga đã sẵn sàng nhận tên lửa tầm trung.

Xin giới thiệu bài tiếp theo về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự của chuyên gia quân sự Vladimir Tuckhkov. Bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 29/11/2019. Chúng tôi có thêm hai ảnh ở phần sau để tiện hình dung và so sánh.

Tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Iskander-M” (Ảnh : Valeri Sharifulin/ТАSS)

Tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Iskander-M” (Ảnh : Valeri Sharifulin/ТАSS)

Tư lệnh Lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov vừa tuyên bố: nhiệm vụ trang bị mới các tổ hợp chiến dịch- chiến thuật 9K720 “Iskander-M” thay thế các tổ hợp tên lửa chiến thuật 9K79−1 “Tochka-U” cho Lữ đoàn tên lửa số 448 thuộc Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 20 Quân khu Tây đóng quân tạu Kursk đã hoàn thành.

(xin được mở ngoặc môt chút để giải thích thuật ngữ- tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật- thuật ngữ quân sự Nga chỉ loại vũ khí tên lửa có chức năng tiêu diệt các mục tiêu trong chiều sâu chiến dịch tính từ tuyến tiếp xúc- tức có cự ly bắn tới 500km-ND).

Tổ hợp tên lửa chiến thuật 9K79−1 Tochka-U

Phải công nhận đây là một sự kiên mang tính cột mốc và rất quan trọng, bởi vì đây (Lữ đoàn tên lửa 448) là lữ đoàn cuối cùng trong số 13 lữ đoàn tên lửa trước đây được trang bị các tổ hợp “Tochka-U” chuyển sang sử dụng “Iskander-M”.

Từ thời điểm này – thế là tất cả các tổ hợp “Tochka-U” đã được đưa ra khỏi trang bị. 12 lữ đoàn khác đã lần lượt tiếp nhận và đưa vào trực chiến các tổ hợp “Iskander-M” trong các năm từ 2010 đến 2019 trước đó.

Tuy vậy, như blog bmpd của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ nhận định - một số tổ hợp “Tochka-U” chắc chắn sẽ vẫn được giữ lại (chứ không thanh lý). Cụ thể, một số trong các tổ hợp “Tochka-U” loại biên này sẽ được bàn giao cho Trung tâm huấn luyện tác chiến số 60 (binh chủng) Bộ đội Tên lửa và Pháo binh Lục quân Nga đóng quân tại Kapustin Yar để sử dụng cho mục đích huấn luyện.

Và như vậy, tiến trình trang bị cho Bộ đội tên lửa Nga những tên lửa hiện đại nhất không chỉ ở Nga, mà còn có thể mạnh dạn khẳng định là hiện đại nhất trên thế giới (tức “Iskander-M”) có khả năng tấn công tiêu diệt các mục tiêu trong chiều sâu chiến dịch và chiến thuật của đối phương, đã được hoàn tất.

Sẽ rất không thừa nếu nhắc lại lịch sử quá trình đưa “Iskander” vào trang bị cho Bộ đội tên lửa Nga. Ngay sau khi các tổ hợp này (“Iskander”) xuất hiện ở tỉnh Kaliningrad vào năm 2010, NATO và Mỹ đã có những phản ứng mang sắc thái hoảng loạn.

Gần như ngay lập tức, Mỹ và NATO đồng loạt đưa ra các cáo buộc Nga vi phạm các cam kết quốc tế và đã đưa vũ khí của mình đến sát nách các căn cứ của NATO. Có nghĩa là (theo cách hiểu của Mỹ và NATO) thì không phải họ là bên tiến sát (biên giới) nước ta (Nga), mà là chúng ta (Nga) đã dám sử dụng lãnh thổ của mình (tức Kaliningrad) để đưa vũ khí áp sát họ.

Và chuyện đó đã xảy ra khi mà Washington lúc đó vẫn còn chưa nghĩ cặn kẽ đến việc sẽ cáo buộc các tên lửa “Iskander” Nga vi phạm Hiệp ước về (loại bỏ) tên lửa tầm trung và tầm ngắn (cách gọi của Nga- tức Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung- INF –ND).

Có nghĩa là dường như chúng (các tên lửa “Iskander”) thể bay xa hơn 500 km, - vượt quá ngưỡng cho phép theo các điều khoản của INF. Vâng, và khi ý tưởng buộc tội Nga vi phạm Hiệp ước INF đã chín muồi, cường độ chiến dịch tấn công thông tin và ngoại giao nhằm vào Nga của Mỹ liên tục được “tăng cường, đẩy mạnh”.

Cần phải chú ý đến một chi tiết là các các tổ hợp tên lửa chiến thuật có tầm bắn tối đa thấp hơn rất nhiều so với các tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật. Tổ hợp “Tochka-U” có tầm bắn tối đa là 120 km, còn “Iskander-M” – tới 480 km, tức là gấp tới 4 lần.

Sẽ hợp logic hơn nhiều nếu như “Iskander-M” thay thể một tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật nào đó khác của Nga. Tuy nhiên, do “các vấn đề lịch sử để lại”, nên tổ hợp tương tự (như “Iskander”- M, tức tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật-ND) có trong trang bị trước nó (trước “Iskander-M”) là 9K714 “Oka” – đã bị loại biên từ 30 năm trước đây.

Và việc đó (loại biên “Oka”) không phải là quyết định của các tướng lĩnh Nga, mà là quyết định của các chính khách Mỹ.

Nguyên do là thế này- khi lập danh mục các tổ hợp tên lửa Liên Xô và Mỹ là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước INF và cần phải bị hủy bỏ, vào năm 1987, tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Oka” của Liên Xô “bị” Mỹ đưa vào danh sách. Bất chấp một thực tế là tầm bắn tối đa của kiểu tên lửa này không vượt quá 450 km.

Lý do khiến phía Mỹ phải kiên trì và quyết đòi hủy “Oka” cho bằng được là do tổ hợp này có những khả năng tác chiến độc nhất vô nhị. Và bởi vì các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của NATO tồn tại vào thời điểm đó (cuối những năm 80) không thể đánh chặn được nó.

“Oka” có những khả năng ưu việt như vậy là do kiểu tên lửa nhiên liệu rắn một tầng này được trang bị các phương tiện tinh vi giúp nó dễ dàng chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương.

Các phương tiện đó gồm: (1) các mục tiêu giả được phóng khi tên lửa tiếp cận mục tiêu khiển radar đối phương gần như không thể phân biệt đâu là tên lửa thật để đánh chặn và (2) có một tổ hợp tác chiến điện tử hoạt động rất hiệu quả.

“Oka” được đưa vào trang bị năm 1980. Đến năm 1987, Liên Xô bắt đầu cho tiến hành thử nghiệm tổ hợp hiện đại hóa là “Oka-U”. Tên lửa mới (“Oka-U”) được lắp đầu tác chiến mới có thể điều khiển được trong suốt chặng bay. Như vậy- Thứ nhất, nhiệm vụ đánh chặn nó trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ hai,tên lửa của “Oka” có thể thay đối mục tiêu cần tiêu diệt ngay khi đang bay nếu nó nhận chỉ thị chỉ mục tiêu mới từ các nguồn bên ngoài. Lấy ví dụ, như từ một máy bay radar phát hiện từ xa và điều khiển (AWACS) A-50 chẳng hạn. Chính vì thế nên người Mỹ không thể chấp nhận việc nó được để ngoài danh mục các tên lửa cần hủy bỏ.

Và thế là các tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật “Oka” Liên Xô đang có trong trang bị lúc đó bị loại biên và thanh lý, các dự án nâng cấp tổ hợp này được lệnh dừng lại (lưu ý- INF được Gorbachev và Ronald Reagan ký ngày 8/12/1987-ND).

Kết quả là, trong trang bị của Bộ đội tên lửa Nga chỉ còn một kiểu tên lửa chiến dịch- chiến thuật duy nhất- đó là “Elbrus” phát triển từ tên lửa nhiên liệu lỏng R-17,- tên lửa này được đưa vào trực chiến từ năm 1962 và trải qua một vài lần cải tiến không đáng kề.

Đây chính là kiểu tên lửa có phiên bản xuất khẩu mang tên "Scud" hiện đang được tái sản xuất ồ ạt tại Trung Đông và vẫn còn luôn làm cho Israel và Ả Rập Saudi hết sức điên tiết.

Tổ hợp (R-17) quả thực là đã cổ lỗ sỹ thật. Tuy vậy, trong đầu thế kỷ này (21) nhiều nước vẫn phải dùng đến nó. Tên lửa R-17 đã được sử dụng trong cuộc Chiến tranh Chesnia lần thứ hai (Chiến tranh chống ly khai tại nước Cộng hòa Chesnia và một số lãnh thổ phụ cận Bắc Kapkaz (LB Nga) từ 7/8/1999 đến 16/4/2009-ND).

Năm 2002, tên lửa R-17 đã từng được sử dụng để làm mục tiêu trong các lần thử nghiệm tổ hợp tên lửa phòng không S-300.

Công tác thiết kế- chế tạo tổ hợp “Iskander”, sau này được đặt tên là “Iskander-M” được triển khai vào vào cuối những năm 80. Nhưng mãi đến năm 2006, nó mới được đưa vào trang bị trong cấu hình ban đầu- với một quả tên lửa đạn đạo 9M723 (trong bài V.Tuchkov sử dụng thuật ngữ (tạm dịch) “giả đạn đạo”- tức tên lửa đạn đạo nhưng có thể cơ động khi bay-ND).

Và vào năm 2011, mới thử nghiệm tên lửa hành trình (có cánh) 9M728. Cả hai đều có cùng kích thước và được bố trí thành một cặp trên các bệ phóng (ảnh dưới -ND).

Do tổ hợp “Iskander” được trang bị một cặp tên lửa như vậy, nên các mục tiêu và địa điểm tập kết bộ đội của đối phương nằm trong vòng bán kính 500 km trở lại tính từ “Iskander-M” không chỉ đối mặt với mối nguy hiểm cực lớn, mà trên thực tế, đối phương sẽ không dám liều lĩnh bố trí lực lượng trong tầm bắn của “Iskander-M”.

Vì nếu bố trí như vậy, chúng chắc chắn sẽ bị hủy diệt. Tên lửa đạn đạo 9M723 có quỹ đạo bay thấp, không vượt quá độ cao 50 km. Tên lửa này bay trong đám mây của các mục tiêu giả, đồng thời liên tục cơ động, thay đổi cả hướng và độ cao. Còn tên lửa hành trình (có cánh) 9M728 có tầm bắn tới 500 km.

Về cơ chế chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương như thế nào, chúng ta chỉ được biết rằng ở pha cuối của đường bay, tên lửa bay bám địa hình ở độ cao 6-7 mét. Sai số xác xuất vòng tròn của cả hai tên lửa trên- không vượt quá 7 mét (nói nôm na- rơi cách mục tiêu không xa quá 7m-ND).

Tổ hợp này còn có chế độ bắn nữa- tức là phóng hai tên lửa liên tiếp nhau, nhưng đều nhằm vào một mục tiêu. Và hai tên lửa trên sẽ tấn công mục tiêu cùng lúc, nhưng tiếp cận mục tiêu từ hai hướng khác nhau. Vì thế, đối phương gần như không có cơ hội đánh chặn.

Việc trang bị tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật cho các lữ đoàn tên lửa (13 lữ đoàn như đã nói ở trên) còn rất có ý nghĩa nếu xét từ một góc độ khác nữa- góc độ quân sự- chính trị- vì từ giờ trở đi có thể triển khai giải quyết đồng bộ một vấn đề cực kỳ quan trọng. Đó chính là vấn đề phát sinh từ quyết định mới đây về việc (hai bên Nga-Mỹ) chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước INF.

Có nghĩa là giờ thì tất cả lữ đoàn tên lửa nói trên đều đã được trang bị các bệ phóng có thể sử dụng để phóng tên lửa tầm trung. Đó có thể là biện pháp đáp trả các cuộc thử nghiệm phóng các tên lửa tầm trung và tầm gần bố trí trên mặt đất mà người Mỹ mới tiến hành trong mùa hè vừa qua (hè năm 2019).

Câu trả lời của Nga nằm ở chỗ - cải hoán các tên lửa phóng từ biển “Kalibr” để có thể phóng từ các (xe) bệ của tổ hợp “Iskander-M”. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, sẽ cần phải “chỉnh sửa” cả bệ phóng lẫn tên lửa.

Và khi đó thì có thể đạt được tầm bắn khoảng 2.500- 4.500 km. 2.500 km- đó là tầm bắn của các tên lửa lớp “biển đối bờ” hiện đang có. Còn tầm bắn 4.500 km- đó phải là kết quả đạt được sau khi đã hiện đại hóa tên lửa lên mức "Kalibr-M" (lưu ý chữ M-ND),- hiện Phòng thiết kế- thử nghiệm "Novator" đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ Quốc phòng Nga chỉ cho (Phòng thiết kế- thử nghiệm) “Novator” rất ít thời gian để hoàn thành nhiệm vụ cho “Kalibr” “đổ bộ” lên bờ.

Vào tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố rằng trong vòng hai năm 2019-2020, cần phải thiết kế chế tạo xong phiên bản phóng từ mặt đất của tổ hợp “Kalibr”.

Đến giờ (cuối tháng 11/2019), một nửa thời hạn đó đã trôi qua.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/iskander-the-cho-chka-kalibr-xep-hang-cho-den-luot-3392429/