Iskander-M ở Syria: Ông Putin 'đánh bại' phương Tây như thế nào?

Quân đội Nga đã thử nghiệm hơn 300 loại vũ khí khác nhau ở Trung Đông.

Trong ảnh: Hệ thống tên lửa “Iskander-M” (Ảnh: Sergey Malgavko / TASS)

Trong ảnh: Hệ thống tên lửa “Iskander-M” (Ảnh: Sergey Malgavko / TASS)

Iskander-M trong ngày chiến thắng Khmeimim

Quân đội Nga chính thức hỗ trợ cho Damascus (theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad) từ năm 2015, dưới sự bảo trợ của Lực lượng Không gian vũ trụ Nga.

Nghĩa là, ban đầu Nga chỉ hỗ trợ cho quân đội chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố từ trên không.

Cho đến nay, sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria được gọi chính xác là “hoạt động của Lực lượng Không gian vũ trụ” và căn cứ duy nhất của Nga là căn cứ không quân Khmeimim gần thành phố cùng tên và cảng biển Tartus, nơi đặt căn cứ cung ứng vật liệu và kỹ thuật của Hải quân Nga từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ giới hạn ở việc sử dụng máy bay và trực thăng, mà ở Syria còn cả một số vũ khí và thiết bị quân sự của quân đội Nga, kể cả các loại vũ khí đang trong quá trình thử nghiệm.

Việc Syria trở thành nơi thử nghiệm lớn nhất cho quân đội Nga có thể được đánh giá theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Theo người đứng đầu bộ quốc phòng, tổng cộng có hơn 300 loại vũ khí mới đã được thử nghiệm tại quốc gia Trung Đông này.

“Điều quan trọng là sự phát triển của các mô hình mới, cũng như hoạt động của các thiết bị hiện có, phải tính đến kinh nghiệm của Syria”, ông Shoigu, người đã nhiều lần đến thăm Syria nhấn mạnh.

(Khoảng 50.000 sĩ quan và tướng lĩnh Nga, cũng như nhiều đại diện của các nhà thiết kế và sản xuất vũ khí đã rút ra nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở nước này).

Tại Syria, các máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm, xe tăng T-14 “Armata” đã chạy thử liên tục và tên lửa hành trình “Calibre” cũng đã được khởi động tại các căn cứ quân khủng bố.

Trong điều kiện chiến đấu, nhiều mẫu thiết bị quân sự và các loại đạn dược khác nhau đã được chế tạo, kể cả các hệ thống tên lửa chiến lược “Yars” và tại Syria, tổ hợp tên lửa chiến thuật “Iskander-M” – “nỗi sợ hãi và kinh hoàng của Phương Tây” cũng đã được thử nghiệm.

Mới đây, tổ hợp này đã được phô diễn trong cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng, diễn ra vào ngày 24 tháng 6 và được giới thiệu tại căn cứ không quân ở Khmeimim, mặc dù trước đó sự hiện diện của “Iskander-M” ở Syria không được quảng cáo đặc biệt.

Lần đầu tiên, tổ hợp tên lửa này đã được sử dụng ở Trung Đông từ năm 2017, mặc dù một số người cho rằng nó đã được sử dụng từ trước đó.

Ông Shoigu đã chính thức tuyên bố về việc Nga sử dụng tổ hợp này ở Syria và giải thích rằng đó là do cần phải thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu chủ chốt của phiến quân bằng tên lửa hành trình “Calibre” và một số vũ khí khác.

Một năm sau, sau chuyến thăm Damascus vào hồi cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cũng đã công bố: “Hệ thống tên lửa của Lực lượng mặt đất “Iskander-M”, cũng như các hệ thống tên lửa phóng dàn “Tornado-G” và “Smerch” đã khẳng định tính hiệu quả của chúng”.

Đồng thời, theo lời ông Yuri Borisov, Nga đã phân tích việc sử dụng các thiết bị quân sự ở Syria, do đó "tất cả các thiếu sót được xác định đã được loại bỏ kịp thời".

Phó Thủ tướng Borisov không phải vô tình nhắc đến “Iskander-M” và “Tornado”, và sau này “Tornado-S” được hiện đại hóa lần đầu tiên cùng với “Iskander-M” xuất hiện trên Quảng trường Đỏ tại Cuộc diễu hành Chiến thắng ở Moscow.

Cả hai tổ hợp này đều đã được thử nghiệm ở Syria, trong điều kiện chiến đấu, để chứng minh tính hiệu quả của chúng.

Từ "hiện đại hóa" ở đây có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với sự điều chỉnh thông thường - đây là quá trình gia tăng tiềm năng chiến đấu đáng kể.

Vì vậy, hiện tại “Tornado-S” đã đánh bại mục tiêu ở cự ly 100 km thay vì 70 km như trước đó. Còn “Iskander-M” có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly hơn 500 km và độ chính xác của tên lửa, nhờ GOS tương ứng (đầu homing), có độ sai lệch cách mục tiêu chỉ từ 5-7 mét (trước đó là 10-30 mét).

Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2015, một nhóm các nhà khoa học đã được trao giải thưởng của Tổng thống vì đã hiện đại hóa “Iskander-S”, sau đó, sau buổi trình diễn đầu tiên tại cuộc diễu hành đã được gửi tới Syria để thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu.

Theo bảng phân loại SS-26 Stone của NATO, hệ thống tên lửa chiến thuật “Iskander-M” được thiết kế để bí mật chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa hiệu quả vào các mục tiêu có kích thước và quy mô nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng nằm sâu trong đội hình hoạt động của quân địch.

Tổ hợp “Iskander” được tạo ra là kết quả của nhóm những người thực hiện thuộc các viện nghiên cứu, văn phòng thiết kế và các nhà máy dưới sự lãnh đạo của phòng thiết kế kỹ thuật (Thành phố Kolomna),

Bệ phóng được phát triển bởi Phòng thiết kế trung tâm Titan (Thành phố Volgograd), và hệ thống homing là do Viện nghiên cứu tự động và thủy lực (Thành phố Moscow) thiết kế, chế tạo.

Đây là những thông tin công khai. Người ta cũng biết rằng “Iskander-M” thường được trang bị hai tên lửa đạn đạo 9M723−1 với tầm bắn là 500 km.

Các phiên bản thoát xác và thông điệp của ông Putin

Tuy nhiên, gần đây, với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF (ngày 2 tháng 8 năm 2019), thì những lời chỉ trích chính của Washington đã ám chỉ tổ hợp Iskander và tên lửa 9M729, loại tên lửa đã vượt qua phạm vi thỏa thuận về tên lửa tầm trung và tầm ngắn 500 km (tình báo Mỹ ước tính cự ly tiềm năng của nó ở mức 5.500 km). Trong khi đó, Moscow lập luận rằng họ vẫn đang tuân thủ các hạn chế.

Và điều này đúng là như vậy vì những tên lửa tầm xa, giống như tên lửa hành trình chống hạm, không thuộc hiệp ước này. Nga đã có loại tên lửa này và Nga có thể sử dụng tổ hợp Iskander theo phiên bản sửa đổi “Iskander-K” và có thể sử dụng cho cả mục tiêu chống hạm cũng như các mục tiêu trên mặt đất.

Tên lửa tầm trung này được gọi là 9M728 hoặc R-500, động cơ hành trình của nó tương tự như động cơ tên lửa hành trình 3M-14 của hệ thống tên lửa “Calibre-NK”.

Trong khi Hiệp ước INF có hiệu lực, Putin đã “giấu” tên lửa tầm xa của mình không chỉ trên các tàu chiến mà còn thử nghiệm chúng (có lẽ từ năm 2015) ở Syria, trong đó có “Iskander-M”.

“Sau khi chấm dứt thỏa thuận với Hoa Kỳ về những hạn chế tên lửa tầm trung và tầm ngắn, Nga còn có tên lửa “dự trữ”, đó là các tên lửa hành trình có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly từ 500 đến 5.000 km” - chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky nói.

“Chúng không thuộc các hạn chế của Hiệp ước INF do có căn cứ trên biển mà thậm chí còn được sử dụng cho quân đội. Bây giờ các sản phẩm này có thể được sử dụng phiên bản mặt đất với giá rẻ hơn, khác với phiên bản trên tàu.

Tên lửa đã có sẵn, chỉ cần sắp xếp chúng vào các khung bệ trên mặt đất. Đây không chỉ là bệ phóng “Iskander” mà còn là khu phức hợp ven biển “Bastion””.

Trong tương lai gần, người ta sẽ nghe nói tới những thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, còn có một vấn đề - hệ thống tên lửa mặt đất sẽ được tạo ra, nhưng việc triển khai chúng còn chưa được lên kế hoạch.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Putin đang chuyển hướng đề xuất cụ thể sang các nước châu Âu nhằm tiến hành lệnh cấm triển khai tên lửa. Đây giống như một hành động đánh tiếng – Nếu các anh không cho đặt tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của mình thì chúng tôi cũng không vội vàng gì nhắm tên lửa vào các anh.

Đây là kế hoãn binh. Rõ ràng là câu nói cuối cùng trong quyết định của các chính trị gia châu Âu sẽ vẫn thuộc về Hoa Kỳ, nhưng họ cũng không cần chạy theo một cuộc chạy đua vũ trang khác mà trong đó Nga hiện đang ở trong tình trạng thuận lợi hơn.

Tóm lại, ông Putin một lần nữa đánh bại phương Tây bằng “Iskanders” của mình, thứ mà ông “giấu” ở Syria, nơi mà các hệ thống đã được hoàn thiện trong điều kiện chiến đấu.

Hiện không còn nhu cầu sử dụng chúng trên đất Syria, hầu hết các mục tiêu đều bị lực lượng không quân - vũ trụ tấn công, nhưng những tổ hợp tên lửa này hiện vẫn được giữ lại ở Khmeimim (có lẽ là 4 tổ hợp).

Và chúng không phải được giữ lại để thử nghiệm nữa mà là vì tên lửa “Iskander-M” có tầm bắn từ 2.500 đến 5.000 km từ Syria có thể nhắm tới các căn cứ của Mỹ ở châu Âu và có thể vươn tới Warsaw (dưới 2.500 km) hay Bucharest (1.500 km).

Tất Thịnh (Theo báo Nga “Svobodnaia pressa”)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/iskander-m-o-syria-ong-putin-danh-bai-phuong-tay-nhu-the-nao-3409968/