Iskander-M bắn cả tên lửa đạn đạo lẫn hành trình

Theo Trung tướng Mikhail Matveyevsky, hệ thống Iskander-M sẽ là vũ khí chủ lực của lực lượng tên lửa và pháo binh Nga trong nhiều năm nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng RIA, Tướng Mikhail Matveyevsky hiện là lãnh đạo của lực lượng Tên lửa và Pháo binh Nga cho biết, Iskander-M sẽ đáp ứng các yêu cầu hiện đại trong một thời gian dài và sẽ vẫn là lực lượng chủ lực trong Lực lượng Tên lửa và Pháo binh cho đến ít nhất là năm 2030.

"Sự đặc biệt của hệ thống này là chúng đồng thời trang bị cả tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình tầm xa có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân để tăng hiệu quả khi chiến đấu.

Tất cả những loại đạn này đều có khả năng tấn công cực mạnh và khiến đối phương gần như không có cơ hội để đánh chặn", Tướng Matveyevsky nói.

Hệ thống Iskander-M của Nga.

Hệ thống Iskander-M của Nga.

Giới chuyên gia cho rằng, loại tên lửa hành trình tầm xa của Iskander-M được ông Matveyevsky nhắc đến chính là 9M729 được hiện đại hóa từ 9M728 để tăng sức mạnh của bộ phận chiến đấu, cũng như nâng cao các tính năng về độ chính xác.

Các tên lửa 9M728 và 9M729 được thống nhất hóa về hầu hết các cụm thiết bị chính. 9M729 được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường dựa trên quán tính với cảm ứng Doppler điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh Glonass và GPS.

Ở giai đoạn cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn thông thường nặng tới 450kg.

Về thiết kế, 9M729 được sản xuất theo nguyên lý khí động học thông thường với hai cánh được gấp lại trong thân khi di chuyển. 9M729 có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương bằng hành trình bay phức tạp với nhiều lần chuyển hướng ở độ cao rất thấp.

Điểm khác biệt duy nhất giúp 9M729 khẳng định được uy lực so với phiên bản Kalibr-NK lắp đặt trên tàu chiến chính là tầm bắn. Nếu như Kalibr-NK có tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km thì 9M729 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến trên 5.400 km.

Với tầm bắn này, lực lượng tên lửa Nga sở hữu loại đạn bắn xa hơn gấp đôi so với phiên bản Tomahawk trên cạn được Mỹ tuyên bố đang hoàn thiện.

Đặc biệt, theo nguồn tin tình báo Mỹ, 9M729 còn được Nga phát triển với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ và đồng minh châu Âu đang phát sốt với tên lửa 9M729.

Đây cũng chính là loại tên lửa Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước INF (khi còn hiệu lực) và yêu cầu Moscow ngừng triển khai. Nói về yêu cầu của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã sẵn sàng kiềm chế việc triển khai tên lửa 9M729 ở khu vực châu Âu nếu Mỹ đáp ứng được điều kiện.

Trong tuyên bố hồi cuối tháng 10/2020, Tổng thống Nga Putin khẳng định: "Nga sẽ hạn chế việc triển khai 9M729 ở khu vực châu Âu nếu Mỹ và NATO ngừng hoạt động các hệ thống phòng thủ Aegis Ashore đang có mặt ở khu vực này".

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga vẫn giữ quan điểm rằng, Hiệp ước INF là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc duy trì an ninh quốc tế và ổn định chiến lược bởi nó đóng một vai trò đặc biệt trong việc duy trì khả năng dự đoán và kiềm chế phạm vi tên lửa ở châu Âu.

Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi INF, Tổng thống Nga cho rằng cần có những nỗ lực mạnh mẽ để giảm bớt sự thiếu hụt lòng tin, củng cố ổn định khu vực và toàn cầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro do hiểu lầm và bất đồng trong lĩnh vực vũ khí tên lửa.

Ông Putin tái khẳng định cam kết mà Nga đã đưa ra trước đó về lệnh cấm triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất, miễn là không có vũ khí tên lửa cùng loại nào của Mỹ xuất hiện ở các khu vực tương ứng.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/iskander-m-ban-ca-ten-lua-dan-dao-lan-hanh-trinh-3422811/