Ishikawa Bunyo: Người chụp ảnh chiến tranh Việt Nam cả 2 chiến tuyến

'Đất nước và con người Việt Nam là tình yêu trong trái tim tôi' là câu nói giản dị của nhà báo Nhật Bản...

Ông Ishikawa thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Ông Ishikawa thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

“Đất nước và con người Việt Nam là tình yêu trong trái tim tôi” là câu nói giản dị của nhà báo Nhật Bản Ishikawa Bunyo. Ông chính là người trao tặng hàng trăm bức ảnh về chiến tranh ở Việt Nam cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM để làm tư liệu giáo dục truyền thống, phơi bày tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn.

Một mảnh tường còn sót lại tại ngoại thành Hải Phòng cũng đòi Nixon trả nợ máu. (Ảnh: Ishikawa)

Người sở hữu những thước phim vĩnh cửu trong ký ức

Thị trấn Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mùa này đẹp như tranh vẽ. Những ngôi nhà, đường phố được ôm chặt trong màu vàng óng của những cánh đồng đang mùa gặt và hương thơm dịu ngọt của rơm, thóc. Cảnh đẹp là vậy, nhưng nhà báo Ishikawa Bunyo lại như đang tìm kiếm điều gì khác. Bất chợt, ông nói với chúng tôi: “Tại đây, tháng 12/1966, lần đầu tiên tôi chụp hình cô Phan Thị Xo. Lúc đó Xo chừng 10 tuổi đang thất thần, kinh hãi nhìn cảnh cả đại đội lính Mỹ sát hại một người nông dân. Bấm máy xong, tôi ôm cô bé vào lòng, nhưng tôi biết sẽ không bao giờ xoa dịu được vết sẹo và nỗi ám ảnh của chiến tranh trong suốt cuộc đời cô”.

Ishikawa Bunyo sống tại Nagano, một thành phố nhỏ, xinh đẹp của Nhật Bản và từng là phóng viên ban ảnh thời sự tòa soạn báo Mainichi Shimbun ở Tokyo. Năm 1964, ông chuyển sang làm việc cho Hãng phim ảnh Hong Kong Production. Khi quân đội Mỹ lấy cớ sự biến Tonkin, bắt đầu tấn công miền Bắc Việt Nam, ông tình nguyện đi Sài Gòn để chụp ảnh với Đài Truyền hình Đức và bắt đầu trở thành phóng viên ảnh chiến trường từ năm 1965 - 1968 tại miền Nam Việt Nam.

Từ đây, bước chân của Ishikawa đã đặt đến những nơi tàn khốc nhất của cuộc chiến tranh. Ông bắt đầu hiểu những tột cùng đau khổ, tức giận, sự tàn khốc, thảm cảnh của chiến tranh ở chiến trường phía Nam. Sự tàn độc của Mỹ và chính quyền Ngụy đối với nhân dân và lực lượng cách mạng đã làm ông thay đổi quan niệm và suy nghĩquay sang ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, người dân miền Bắc Việt Nam đang đấu tranh vì độc lập của Việt Nam”.

Mỗi địa phương, từ Đất Mũi xa xôi, đến Vĩ tuyến 17 nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc (Việt Nam) trong thời chiến tranh đều lưu giữ bước chân của Ishikawa. Mỗi lần bấm máy là mỗi lần trong lòng ông trào dâng những cảm xúc khó tả, ông chỉ kịp thầm thì “sumimasen (xin lỗi)”. Vì ông không thể nào làm khác được, ông không thể giúp cho những nạn nhân chiến tranh, ông chỉ có thể ghi lại khoảnh khắc con người trước lưới hái tử thần để làm bằng chứng trước nhân loại. Giờ đây, mỗi khi quay lại Việt Nam, nhà báo Ishikawa lại chìm trong những cảm xúc khó tả của dòng ký ức mỗi lần bấm máy trong quá khứ: Những cánh rừng cháy rụi và chết chóc, trở thành một thước phim vĩnh cửu trong ký ức.

Mái tóc bạc trắng, nở một nụ cười hiền hậu, ông Ishikawa chia sẻ: “Tôi còn có một điều đặc biệt đó là: Trên thế giới, có lẽ chỉ có một mình tôi được phép chụp ảnh miền Bắc Việt Nam khi là phóng viên ảnh đồng hành với quân Chính phủ Sài Gòn, quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong thời chiến. Năm 1972, 1973, lần đầu tôi đến Hà Nội và các thôn làng miền Bắc Việt Nam ghi lại những hình ảnh bị đánh bom, chứng kiến người dân đang chiến đấu vì độc lập nước nhà tôi đã thật sự cảm động và thấy điều tuyệt vời ở cái duyên nghiệp làm phóng viên ảnh”.

Cô bé Xo 10 tuổi và bà Xo chụp năm 2008

“Mảnh đất hóa tâm hồn”

Sau khi chiến tranh kết thúc, Ishikawa hàng năm vẫn đều đặn trở lại mảnh đất hình chữ S kiên cường. Năm nay đã 81 tuổi, ông vẫn tranh thủ thăm Việt Nam với tâm nguyện muốn biết sự thay đổi của Việt Nam sau chiến tranh và vì tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. “Tôi có gặp lại cô bé Phạm Thị Xo ngày trước. Lần thứ nhất vào năm 1989, tôi gặp lại Xo khi cô đã có con gái 2 tuổi. Năm 2008, tôi lại gặp gia đình cô ấy lần nữa, lúc này Xo đã là mẹ của 2 người con gái và đã 57 tuổi. Hẳn bây giờ cô ấy đã có cháu ngoại. Năm 2020 sẽ kỷ niệm 45 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi đang lên kế hoạch đi chụp ảnh cháu ngoại của Xo. Đó là niềm vui của phóng viên ảnh như tôi”.

Tình cảm và những nét văn hóa đậm đà tính nhân văn của đất nước và con người Việt Nam cũng là một ấn tượng sâu sắc với Ishikawa.

“Tôi đã 7 lần suýt mất mạng khi là phóng viên chiến trường tại Việt Nam. Có lần tôi bị sốt rét ở Đồng bằng sông Cửu Long, họ (binh lính Sài Gòn) đã gọi trực thăng chở tôi về bệnh viện ở Cần Thơ cấp cứu. Hay gia đình bà Phạm Thị Nguyệt, Phạm Thị Trà ở Sài Gòn đã cưu mang, cho tôi lưu trú trong thời gian tác nghiệp (lúc đó tôi rất nghèo, tiền kiếm được chỉ trông chờ vào nhuận ảnh). Đó chính là sự hào hiệp trong tinh thần của người Việt. Mỗi lần thăm Việt Nam, tôi đều về thăm hai cụ (năm nay đã 90 và 92 tuổi)”.

Trong những lần trở lại Việt Nam, ông Ishikawa lại tiếp tục bấm máy ghi lại những khoảnh khắc về con người và đất nước Việt Nam. Những đam mê, say nghề của tuổi trẻ lại ùa về. Chỉ khác một điều trong thời chiến, mỗi lần bấm máy ông thầm thì “sumimasen (xin lỗi)”, thì thời bình ông tươi cười nói “arigatou (cảm ơn)”. Một tiếng nói từ đáy lòng cho tinh thần và tâm hồn người Việt Nam, một quê hương thứ hai trong trái tim của chính Ishikawa.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ishikawa-bunyo-nguoi-chup-anh-chien-tranh-viet-nam-ca-2-chien-tuyen-d261310.html