IS 'vươn vòi' sang Nam Á và Đông Nam Á

Chỉ trong mấy ngày qua, hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố đã nổ ra tại một loạt nước, trong đó có Bangladesh, gây thiệt hại lớn về người và của. Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm đánh bom ở Bangladesh khẳng định sự hiện hữu của tổ chức này ở khu vực Nam Á vốn ẩn chứa nhiều bất ổn.

Cảnh sát Bangladesh bao vây nhà hàng Holey Artisan Bakery sau vụ giải cứu con tin bất thành ngày 1-7. Ảnh: Reuters

Bangladesh vào tầm ngắm

Dư luận thế giới chưa hết bàng hoàng vì vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở một sân bay tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 40 người thiệt mạng thì lại rúng động bởi một vụ bắt cóc ở nhà hàng Holey Artisan Bakery tại khu đoàn ngoại giao Gulshan, nơi có nhiều khách nước ngoài lui tới. Sau hơn 10 giờ thương thuyết bất thành, 20 con tin, trong đó có nhiều người nước ngoài, đã thiệt mạng. Ngoài ra, ít nhất 2 cảnh sát tử vong và 30 cảnh sát bị thương. IS đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này và còn đăng tải những bức ảnh ghê rợn tại hiện trường xảy ra vụ tấn công như một thông điệp khẳng định sự hiện hữu của nhóm này tại Nam Á.

Hai ngày sau vụ bắt cóc con tin ở Dhaka, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho biết thủ phạm vụ tấn công tại thủ đô Dhaka là một nhóm phiến quân trong nước, không phải tổ chức IS tự xưng. Bộ trưởng Asaduzzaman Khan khẳng định, những kẻ tấn công là các thành viên của Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh, một tổ chức đã bị cấm hoạt động tại Bangladesh hơn một thập kỷ qua, và các đối tượng này không có liên hệ với IS. Theo Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh, tất cả những kẻ tấn công đều là nam thanh niên trẻ, có học thức và xuất thân gia đình khá giả.

Mặc dù khả năng mở rộng ảnh hưởng của IS tại Bangladesh chưa đủ mạnh, nhưng giới quan sát cũng cảnh báo, có nhiều lý do để IS chọn Bangladesh là nơi hình thành và phát triển chi nhánh.

Trước hết, Bangladesh có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo với 150 triệu người. Đây là nơi IS thuận lợi để tuyển mộ nhân lực. Các quan chức an ninh Bangladesh tiết lộ một trong hai nhóm vũ trang trong nước là Jamaat-ul-Mujahideen đã thề trung thành với IS. Môi trường chính trị nhiều bất ổn trong những năm qua khiến tư tưởng thánh chiến tăng đột biến tại quốc gia này. Tháng trước, trong chiến dịch truy quét khủng bố, nhà chức trách Bangladesh đã bắt giữ 11.000 người.

Ngoài ra, Bangladesh còn là địa điểm thuận lợi để IS có thể phát triển sang phía Đông Ấn Độ và Myanmar. Khu vực Tây Nam bang Rakhine (Myanmar), nơi có người thiểu số Hồi giáo Rohingya sinh sống, đang xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và các nhóm thánh chiến cực đoan vẫn chưa khai thác vấn đề này để phát triển lực lượng.

Còn tại Ấn Độ, mới đây, nhà chức trách đã bắt giữ 11 người đàn ông được cho đã nhận chỉ thị từ một thủ lĩnh của IS ở nước ngoài để triển khai các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm tôn giáo của người Hindu bằng thiết bị nổ tự chế. Animesh Roul, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột có trụ sở đặt tại thủ đô New Delhi, cho biết các nhóm Hồi giáo Bangladesh hiện "liên lạc thường xuyên" với IS nhưng chưa có bằng chứng cho thấy IS "trực tiếp hỗ trợ vật chất" cho các chiến binh ở Nam Á.

IS đang lập căn cứ ở Đông Nam Á?

Không chỉ là mối đe dọa ở Nam Á, chiếc vòi bạch tuộc của IS còn đang vươn tới Đông Nam Á. Theo báo chí Malaysia ngày 6-7, thủ lĩnh của các tay súng người Malaysia gia nhập tổ chức IS tự xưng tại Syria, Muhamad Wanndy Mhamed Jedi mới đây đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hơn trong thời gian tới ở Malaysia sau cuộc tấn công khủng bố ngày 28-6 vào quán Modiva tại Puchong. Đối tượng này nói rằng, cuộc tấn công vào quán Modiva nhằm cảnh báo chính phủ nên chấm dứt đàn áp IS tại Malaysia. Theo Wanndy, các cuộc tấn công quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện nếu chính phủ tiếp tục sử dụng Đạo luật về tội phạm an ninh Sosma, trong đó quy định các biện pháp đặc biệt, để trừng phạt các thành viên IS ở Malaysia.

Việc IS mở rộng phạm vi hoạt động sang khu vực Đông Nam Á từng được cảnh báo từ cuối năm ngoái. “Những phiến quân Malaysia ẩn náu ở miền nam Philippines đang lên kế hoạch thành lập “chi nhánh chính thức” của IS tại Đông Nam Á bằng cách ghép các nhóm khủng bố ở Malaysia, Indonesia và Philippines, bao gồm nhóm Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf”, tờ Straits Times của Singapore cho hay.

Theo tờ báo này, tổ chức khủng bố Abu Sayyaf được thành lập từ đầu những năm 1990, hiện quy tụ khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan chủ yếu hoạt động ở miền Nam Philippines, tiến hành nhiều vụ bắt cóc tống tiền, đánh bom và hành quyết con tin, tạo ra một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Nhóm này bị cáo buộc là thủ phạm các vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại Philippines, trong đó có vụ đánh bom một chiếc phà tại Vịnh Manila năm 2004 làm hơn 100 người thiệt mạng. Abu Sayyaf tuyên bố thúc đẩy một nhà nước Hồi giáo độc lập gồm một phần đảo Mindanao và quần đảo Sulu của Philippines.

Năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cảnh báo rằng, IS tại Iraq và Syria đã tăng cường các hoạt động ở Đông Nam Á một cách hiệu quả đến nỗi chúng đã có một nhóm khủng bố được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia và Singapore. Khoảng hơn 500 người Indonesia và vài chục người Malaysia là thành viên của nhóm khủng bố này.

Trước nguy cơ IS đang mở rộng phạm vi hoạt động ở Nam Á và Đông Nam Á, mới đây ba nước gồm Indonesia, Malaysia và Philippines đã nhất trí phối hợp hành động, trong đó có việc tuần tra trên biển và trên không, cũng như thiết lập "hành lang quá cảnh" như các tuyến đường biển được thiết kế dành cho tàu thuyền ở những vùng biển giáp giới nhằm chấm dứt làn sóng báo động về các vụ tấn công xuyên biên giới của Abu Sayyaf và các phiến quân có liên quan.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/is-vuon-voi-sang-nam-a-va-dong-nam-a/