IS 'săn' người lao động ở Hồng Kông và Singapore

Sự sụp đổ của nhóm cực đoan IS ở Syria và Iraq dẫn đến những nỗ lực tuyển dụng trực tuyến gia tăng nhắm vào người Hồi giáo ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Việc tuyển dụng mở rộng đến đối tượng lao động nhập cư nhằm thực hiện các cuộc tấn công tự sát.

Sự sụp đổ của nhóm cực đoan IS ở Syria và Iraq dẫn đến những nỗ lực tuyển dụng trực tuyến gia tăng nhắm vào người Hồi giáo ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Việc tuyển dụng mở rộng đến đối tượng lao động nhập cư nhằm thực hiện các cuộc tấn công tự sát.

Một bảo mẫu cùng chồng trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Jakarta ở Jakarta với cáo buộc âm mưu thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhằm vào dinh tổng thống. Ảnh: CNN

Một bảo mẫu cùng chồng trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Jakarta ở Jakarta với cáo buộc âm mưu thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhằm vào dinh tổng thống. Ảnh: CNN

6 ngày mỗi tuần, 3 người phụ nữ này làm giúp việc tại các ngôi nhà trên khắp Singapore. Nhưng khi rảnh rỗi, họ làm thêm công việc quảng bá cho IS trên mạng trực tuyến, quyên góp tiền cho các phần tử thánh chiến ở nước ngoài và trở nên cực đoan đến mức ít nhất một người sẵn sàng trở thành một kẻ đánh bom tự sát ở Syria. Theo Bộ Nội vụ Singapore, những người phụ nữ này - tất cả đều là công dân Indonesia - bị bắt hồi tháng 9 theo Đạo luật An ninh nội bộ của Singapore vì bị nghi ngờ tham gia các hoạt động tài trợ khủng bố và phải đối mặt với mức án 10 năm tù và khoản tiền phạt lên tới 500.000 SGD (362.000 USD). Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Indonesia tại Singapore xác nhận các vụ bắt giữ và cho biết đang hỗ trợ lãnh sự cho những người phụ nữ này, những người không có đại diện pháp lý trong quá trình điều tra.

Các chuyên gia về khủng bố cho biết, khi IS chuyển hướng về Châu Á sau sự sụp đổ ở Trung Đông, những người phụ nữ này là mục tiêu mà nhóm cực đoan này nhắm đến.

Quá trình cực đoan hóa

Những phụ nữ như vậy đại diện cho khoảng 250.000 lao động nhập cư ở Singapore và 385.000 người cư trú tại Hồng Kông. Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Singapore cho biết: “Đại đa số lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp và đóng góp tích cực cho xã hội của chúng tôi. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân tiếp tục bị cực đoan hóa bởi hệ tư tưởng bạo lực của IS”. Theo các chuyên gia khủng bố, hầu hết các trường hợp được xác định cho đến nay liên quan đến công dân Indonesia.

Từ năm 2015-2017, IPAC mở cuộc điều tra về quá trình cực đoan của lao động và nhận thấy có sự cực đoan hóa của ít nhất 50 phụ nữ Indonesia làm việc ở nước ngoài như những bảo mẫu, người giúp việc hoặc người chăm sóc người già. Trong số này, 43 người làm việc tại Hồng Kông, 4 người ở Singapore và 3 người ở Đài Loan. Theo một nguồn tin ở Indonesia, ít nhất 20 công nhân đã bị trục xuất trở về Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, trong đó có 3 người hiện đang trải qua chương trình xóa bỏ tư tưởng cự đoan hóa do chính phủ tổ chức.

Theo nhà nghiên cứu bà Nuraniyah của IPAC, đối với một số phụ nữ bị cực đoan, quá trình này thường bắt đầu bằng một sự kiện đau thương. Và quá trình cực đoan có thể diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Báo cáo của IPAC nêu chi tiết trường hợp của một công nhân Indonesia làm việc ở Hồng Kông, một người đam mê thời trang trở thành tín đồ IS trong vòng chưa đầy một năm. Bà Nuraniyah nói: “Họ trải qua một cuộc ly hôn, bị nợ nần hoặc chịu cú sốc văn hóa khi chuyển đến một nơi rất khác với đất nước họ. Đó là tất cả những vấn đề phổ biến mà người lao động nhập cư gặp phải”. Họ có thể liên hệ ủng hộ IS thông qua bạn bè trên facebook hoặc tìm kiếm các trang của các chiến binh nổi tiếng.

Một số người được tuyển dụng bởi một người giúp việc trong gia đình khác, thông qua một nhóm cầu nguyện hoặc tại một buổi họp mặt. Thông thường, đó là một con đường hai chiều: những người lao động có thể thực hiện bước đầu tiên bằng cách tiếp cận với các phần tử thánh chiến. Đổi lại, nhiều người sau đó nhanh chóng được đưa vào các nhóm cực đoan và được chuẩn bị để trở thành chiến binh. Theo IPAC, phụ nữ tạo mối quan hệ cá nhân với các chiến binh thông qua mạng trực tuyến trở thành “bạn trai của họ”. Sau đó, họ được mời tham gia các phòng trò chuyện chuyên dụng trên các ứng dụng được mã hóa. Zachary Abuza, một chuyên gia về hoạt động của IS ở Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, cho biết: “Đây là nơi các hoạt động thực sự xảy ra, nơi các thiết kế bom được chia sẻ và phối hợp tích cực”.

Sau khi quá trình cực đoan được hoàn thành, một số ít công nhân trong nước kết hôn với bạn trai thánh chiến của họ. Một phụ nữ Indonesia làm việc tại Hồng Kông đã quay trở lại Banten, phía tây Java, vào năm 2015 để trở thành vợ thứ hai của Adi Jihadi, một phần tử thánh chiến bị bắt năm 2017 vì có mối liên hệ với Isnilon Hapilon, kẻ được cho là thủ lĩnh IS tại Đông Nam Á. Những người lao động bị cực đoan ngày càng đảm nhận vai trò tích cực hơn, trở thành nhà tài chính, nhà tuyển dụng và điều phối viên. Một số người thậm chí đã đi đến các khu vực chiến tranh.

Điểm đến mới

Theo Bộ Nội vụ Singapore, 2 người phụ nữ được khuyến khích di cư đến miền nam Philippines. Các chuyên gia cho biết IS củng cố chỗ đứng ở Đông Nam Á và các cảm tình viên của IS - bao gồm cả những người lao động nhập cư- gần đây đã bắt đầu hướng đến Philippines như một điểm đến mới. “Sau năm 2017, một khi IS bắt đầu mất lãnh thổ ở Trung Đông, thông điệp của nhóm đã thay đổi. Nhóm bắt đầu khuyến khích các phiến quân đến Mindanao, Philippines và thành lập một Nhà nước Hồi giáo ở đó”, Abuza cho biết.

Một số nhóm Hồi giáo ở Philippines và Indonesia - bao gồm Abu Sayyaf, Maute và Jamaah Ansharut Daulah (JAD) - đã cam kết trung thành với IS. Ayob Khan Mydin Pitchay, một quan chức chống khủng bố của Malaysia hồi tháng 9 cho biết, một số cá nhân đã bị bắt tại Sabah, một bang của Malaysia trên đảo Borneo, vì đã hỗ trợ các cảm tình viên IS trên đường đến Philippines. Philippines là cơ hội tốt nhất để IS chiếm giữ lãnh thổ, Abuza nói, vì một phần của đảo Mindanao là “điểm đen về mặt thực thi pháp luật”. Năm 2017, các phần tử IS đã chiếm giữ thị trấn Marawi ở Mindanao, dẫn đến cuộc bao vây kéo dài 5 tháng, và chỉ được giải phóng sau cái chết của thủ lĩnh Omar Maute và Isnilon Hapilon.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_215816_is-san-nguoi-lao-dong-o-hong-kong-va-singapore.aspx