Iraq nổi đóa vì Mỹ không kích lực lượng thân Iran

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi hôm 30-12 lên án các cuộc không kích của Mỹ vào căn cứ của lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Theo văn phòng thủ tướng Iraq, ông Mahdi mô tả cuộc tấn công của người Mỹ vào lực lượng dân quân Iraq là một cuộc tấn công tàn độc không thể chấp nhận, sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cũng như vi phạm chủ quyền của Iraq.

Reuters cũng dẫn lời Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq (INSC) cho biết các cuộc không kích trên sẽ buộc Iraq phải xem xét lại việc hợp tác với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bộ Ngoại giao Iraq tuyên bố họ sẽ triệu tập đại sứ Mỹ tại Baghdad để phản đối.

Trụ sở của Kataib Hezbollah bị Mỹ không kích. Ảnh: Reuters

Trụ sở của Kataib Hezbollah bị Mỹ không kích. Ảnh: Reuters

Ngược lại, Washington hôm 30-12 cáo buộc chính quyền Baghdad không "bảo vệ" lợi ích của Mỹ: "Chúng tôi đã cảnh báo chính phủ Iraq nhiều lần. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin với họ để cố gắng hợp tác, qua đó thực hiện trách nhiệm bảo vệ chúng tôi như những vị khách được mời".

Quân đội Mỹ mở các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Kataib Hezbollah để đáp trả vụ một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự của Iraq. Ít nhất 25 tay súng bị giết và 55 người bị thương.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc tấn công của Mỹ nhằm mục đích răn đe Iran.

Các quan chức Mỹ cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Tehran hoặc đồng minh sẽ bị Mỹ đáp trả. Ảnh: Reuters

Đầu tháng này, ông Pompeo đổ lỗi cho các lực lượng được Iran hậu thuẫn tham gia tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Ông cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Tehran hoặc đồng minh sẽ bị Mỹ đáp trả. Tuy nhiên, Tehran phủ nhận sự liên quan với các cuộc tấn công này, đồng thời lên án các cuộc không kích của Mỹ là "hành động khủng bố".

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ - hai đồng minh chính của Iraq – gia tăng kể từ năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Tehran, sau đó áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ảnh hưởng của Iran vào chuyện nội bộ Iraq tăng mạnh gần đây. Tehran có quan hệ gần gũi với các chính trị gia Shiite, tầng lớp nắm quyền tại Iraq. Hiện thời, ở Iraq diễn ra nhiều cuộc biểu tình nhằm vào ảnh hưởng của Iran và một số tòa nhà lãnh sự Iran đã bị đốt cháy trong làn sóng bạo lực.

Phạm Nghĩa (Theo Reuters, BBC)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/iraq-noi-doa-vi-my-khong-kich-luc-luong-than-iran-20191231124943748.htm