Iraq điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng cấp cao

Quản trị kém và thiếu minh bạch là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề của Iraq.

Một người biểu tình cầm bức ảnh của Thủ tướng Iraqi Haider al-Abadi với dòng chữ "Step Down" (từ chức) trong cuộc biểu tình tại quảng trường Tahrir, Thủ đô Baghdad, Iraq ngày 27/7/2018. Ảnh: Reuters

Iraq đang tiến hành điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng, nhiều trong số đó dính líu đến các quan chức Chính phủ cấp cao.

Tối 7/8, Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi cho biết, Ủy ban Liêm chính - cơ quan Chính phủ được giao nhiệm vụ chống tham nhũng - hiện đang điều tra hàng nghìn vụ việc liên quan đến các bộ trưởng và quan chức cấp cao.

Thủ tướng cũng đã chuyển một số vụ việc của các bộ trưởng tới Ủy ban để điều tra làm rõ những cáo buộc gian lận trong các hợp đồng giáo dục của Chính phủ.

Thiếu phương pháp quản trị tốt và thiếu minh bạch là trọng tâm các vấn đề của đất nước, dẫn đến việc các cơ quan quốc tế xếp hạng Iraq vào danh sách các quốc gia thất bại trong chống tham nhũng.

Iraq xếp thứ 169 trên 180 quốc gia theo đánh giá chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (cuối danh sách là tham nhũng nhiều nhất).

Thủ tướng Al Abadi đã tuyên bố, Chính phủ của ông sẽ "sử dụng tất cả công cụ sẵn có để bắt giữ tất cả những ai tham gia vào các hoạt động tham nhũng".

"Iraq cần một Chính phủ mạnh, thống nhất, sẵn sàng phục vụ người dân. Một Chính phủ mạnh cũng là điều kiện cần thiết để khuyến khích đầu tư trong nước và quốc tế, xây dựng nền kinh tế đất nước và tạo cơ hội việc làm cho người dân", ông Al Abadi nói.

Thủ tướng Iraq đưa ra cam kết trong bối cảnh đất nước bất ổn, các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở phía Nam sau đó lan rộng tới Thủ đô Baghdad. Người biểu tình tập hợp phản đối sự thất bại của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện, thất nghiệp, thiếu nước sạch và quản lý Nhà nước yếu kém.

Sự giận dữ của người dân gắn vào thời điểm các nhà lập pháp đang đấu tranh để thiết lập một Chính phủ sau cuộc bầu cử tháng 5. Giá trị của chính các phiếu bầu đã bị hủy hoại bởi những cáo buộc gian lận và những bất thường của cử tri dẫn đến một cuộc kiểm đếm lại.

Ông Al Abadi, người đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Thủ tướng đang hướng tới một Chính phủ phục vụ người dân cho tới khi Chính phủ mới được thành lập.

Một tổ chức chính trị do giáo sĩ Shiite Moqtada Al Sadr lãnh đạo đã giành được số phiếu bầu lớn trên nền tảng chống tham nhũng gây được tiếng vang với các cử tri.

Tệ tham nhũng đặc hữu ở Iraq đã và đang phá hủy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm và cuộc chiến chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan IS.

Các cuộc biểu tình đã thúc đẩy Thủ tướng Al Abadi thành lập một ủy ban điểu tra tham nhũng và nhún bước người biểu tình khi sa thải Bộ trưởng Điện lực Qassem Al Fahdawi theo yêu cầu của họ.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Al Abadi tuyên bố đấu tranh chống tham nhũng, nhưng lại gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía các chính trị gia, trong đó có một số người trong tổ chức của ông.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/iraq-dieu-tra-hon-5000-vu-tham-nhung-cap-cao_t114c52n137213