Iraq : Công cuộc 'xóa độc tài-gieo dân chủ' của Mỹ thảm bại

Sự hoang tưởng kép của Washington trong việc 'xóa độc tài-gieo dân chủ' cho Iraq khiến họ phải trả giá khi mưu đồ Mỹ phá sản....

Ngày 8/10, Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi đã tuyên bố nước này dành 3 ngày để tang những người thiệt mạng trong các cuộc tuần hành bạo lực, gồm cả người biểu tình và lực lượng an ninh, theo Iraqi News.

Tuyên bố trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Mahdi cho biết thời gian quốc tang bắt đầu từ ngày 10/10 đến hết ngày 12/10. Người đứng đầu chính phủ Iraq đã thể hiện sự đau buồn khi phải tuyên bố việc này trước quốc dân, đồng bào.

Từ ngày 1/10, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã càn quét qua nhiều tỉnh thành của Iraq, cả thủ đô Baghdad, rồi nhanh chóng biến thành bạo động, khi xảy ra đụng độ giữa an ninh và quân đội với người biểu tình Iraq, gây thương vong lớn.

Biểu tình bạo động tại Iraq

Biểu tình bạo động tại Iraq

Theo thông tin của Bộ Nội vụ Iraq, số người chết vì các cuộc biểu tình chống chính phủ ở nước này đã lên tới hơn 100, trong đó có 8 sĩ quan an ninh, và ít nhất là 6.000 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ.

Người dân Iraq xuống đường biểu tình là để bày tỏ sự tức giận và thất vọng về tình hình ngày càng xấu đi ở nước này, trong đó đặc biệt là thiếu dịch vụ công, nạn tham nhũng tràn lan và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Lo sợ bất ổn khi làn sóng biểu tình lan rộng, chính phủ Iraq đã phản ứng cứng rắn và trong lúc bế tắc, lực lượng an ninh Iraq đã xả súng bắn thẳng vào đám đông người tuần hành, biến các cuộc biểu tình thành các cuộc bạo động đẫm máu.

Dù chính phủ Iraq đã tổ chức quốc tang cho các nạn nhân, Tổng thống Iraq Barham Salih kêu gọi đối thoại dân tộc, song sự bất ổn tại quốc gia Trung Đông được cho là này không hề giảm đi.

Thực ra, kể từ khi Mỹ lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003 cho đến nay, đất nước Iraq chưa bao giờ ổn định. Sự bất ổn triền miên diễn ra trong cả đời sống xã hội lẫn đời sống chính trị.

Sao đã 16 năm trôi qua mà đất nước Iraq vẫn vô định trong vòng xoáy bạo lực sau khi được Mỹ khai sáng? Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khởi phát chính ngay từ công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" của Mỹ ở Iraq. Tại sao vậy?

Thứ nhất, Mỹ đã sai lầm khi xây dựng nền tảng vận hành của hệ thống trị Iraq dựa trên giá trị Mỹ, Washington đã sai lầm khi cố ghép dân chủ kiểu Mỹ với các giá trị tinh thần của đạo Hồi.

Có thể khẳng định, nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị Mỹ - nguyên tắc dân chủ dựa trên nền tảng Nhân Quyền - không mang tính phổ quát, vì nó xóa nhòa tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác của mỗi quốc gia.

Nguyên tắc này đối lập, thậm chí đối nghịch với nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia trong thế giới Hồi giáo, trong đó có vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước.

Mỹ không thể giành được trái tim Hồi giáo

Đây là rào cản mang tính mặc định không thể xóa nhòa giữa giá trị Mỹ với giá trị tinh thấn của đạo Hồi. Tuy nhiên, sau khi "xóa độc tài Saddam Hussein", Washington đã quyết "gieo dân chủ Mỹ" ở Iraq.

Sự kiên cưỡng của Washington trong công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" cho Iraq là sự báo trước bất ổn cho đất nước Iraq, và cũng báo trước thất bại của Mỹ trong ván cờ thế kỷ này.

Thứ hai, mưu đồ của Mỹ khiến đất nước Iraq luôn bất ổn khi có một cơ cấu quyền lực xung đột, mục đích là xóa bỏ hoàn toàn tàn dư của chế độ Saddam, đồng thời nâng cao vị thế của người Kurd - quân cờ chiến lược của Mỹ - trong xã hội Iraq.

Hiến pháp Iraq - do Mỹ định hình - quy định Tổng thống phải thuộc về người Kurd, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải thuộc về lực lượng Hồi giáo dòng Shiite, được Mỹ xem là một cách phân chia quyền lực cân bằng tại Iraq.

Nhìn qua có vẻ đây là một cơ cấu hợp lý, đảm bảo nhà nước Iraq là đại diện cho toàn xã hội nên xã hội sẽ ổn định, nhà nước có quyền lực. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì đây là nguyên nhân chính gây bất ổn cho đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq.

Đơn giản là việc phân chia quyền lực ở Iraq bị chi phối bởi lợi ích phe phái chính trị, mà ở đó lực lượng Hồi giáo dòng Sunny vốn chi phối đời sống chính trị Iraq ở thời Saddam Hussein gần như mất hẳn trong cơ cấu quyền lực.

Song đáng nói hơn là với cơ cấu phân chia quyền lực mới bằng định chế thay vì theo cơ chế đã khiến lợi ích quốc gia của Iraq luôn nghiêng ngả theo mâu thuẫn lợi ích giữa các phe phái trên chính trường nước này.

Điều đó cũng thể hiện rõ trong đời sống chính trị Mỹ, mà gần đây nhất là việc luận tội Tổng thống Trump. Ông Trump bị cho là có hành động vi hiến, nên phe Dân chủ đã quyết luận tội, nhưng phe Cộng hòa tuyên bố ngăn cản để đảm bảo vị thế của mình.

Trong trường hợp này, Hiến pháp Mỹ - một trong 3 trụ cột chính tạo nên giá trị Mỹ - chỉ còn là cái bình phong cho các hai phe Cộng hòa và Dân chủ lợi dụng để che đậy ý chí chính trị của họ. Rõ ràng, lợi ích dân tộc đã bị đặt sau lợi ích phe phái.

Thế lực chống Mỹ ngày càng chi phối chính trường Iraq thời hậu Saddam

Ở Mỹ vấn đề không trở nên nghiêm trọng vì nước Mỹ có chủ thuyết chính trị cho lực lượng cầm quyền, nhưng ở Iraq thời hậu Saddam thì Washington không dám hỗ trợ xây dựng chủ thuyết chính trị cho lực lượng cầm quyền, dù đã sắp đặt bàn cờ mới.

Sai lầm và mâu thuẫn của Washington khiến cho "yếu tố Mỹ" ngày càng nhạt nhòa trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Iraq, ngược lại tàn dư chế độ Saddam ngày càng hồi sinh, "yếu tố phản nghịch Mỹ" ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Điều này tạo ra sự lệch pha giữa đời sống xã hội Iraq - được chi phối bởi những "yếu tố mới" - với đời sống chính trị - bị chi phối bởi "yếu tố Mỹ" qua cơ cấu quyền lực xung đột - khiến cho đất nước Iraq luôn vô định trong vòng xoáy bất ổn.

Thứ ba, sự nhầm lẫn kép của Mỹ trong việc "xóa độc tài-gieo dân chủ" cho Iraq khiến họ phải trả giá khi mọi chuyển động chính trị tại Iraq ngày càng vượt ngoài tính toán của Washington, mưu đồ của Mỹ dần phá sản.

Khi tình báo Mỹ tung tin trong dinh Tổng thống Hussein có cất giấu vũ khí giết người hàng loạt để lấy cớ tấn công Iraq, dư luận thừa hiều đó là hoang tin. Song dường như Washington vẫn nghĩ có thể che mắt thiên hạ. Lần nhầm lẫn thứ nhất của Mỹ.

Sau một thời gian lắng dịu, và khi ảnh hưởng của chế độ Saddam Hussein được cho đã nhạt nhòa trong xã hội Iraq, các tác giả của kịch bản biến gói bột giặt thành vũ khí hủy diệt của Iraq, đã lên tiếng xin lỗi vì quá tin vào tin tức tình báo mà tấn công Iraq.

Dường như Washington nghĩ rằng mọi việc đã là quá khứ và không thể đảo ngược nên lời xin lỗi chỉ có ý nghĩa như lời nói của "đầu môi chót lưỡi". Đây là lần nhầm lẫn thứ hai của người Mỹ.

Bởi lời xin lỗi không có ý nghĩa với người Mỹ, nhưng với người Iraq thì rất có ý nghĩa. Không khó nhận diện điều này đã tạo động lực chống Mỹ gần như trong toàn xã hội Iraq, nhất là khi cuộc sống ở Iraq ngày nay không biết bao giờ cho bằng ngày xưa.

Đây được cho là nguyên nhân chính khiến cho nhiều thế lực thân Mỹ quay lại chống Mỹ, kết hợp với các thế lực luôn xem Mỹ là kẻ thù, đưa bàn cờ chính trị Iraq chuyển động ngày càng xa trục Mỹ.

Các đối thủ đang từng bước vẽ lại bàn cờ Iraq của Mỹ

Có thể thấy, người Mỹ đã có điều kiện tốt nhất để cột chặt Iraq bằng sợi dây lợi ích Mỹ trong ngoại giao nước lớn, gạt bỏ mọi ảnh hưởng của các thế lực khác với bàn cờ chính trị này. Song chính sự nhầm lẫn kép của Washington đã làm hỏng tất cả.

Vai trò của lực lượng thân Mỹ ngày càng giảm sút, chiến lược dùng người Kurd để vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông phải dừng lại, trong khi đó các đối thủ khác - nhất là Nga và Iran - ngày càng chi phối bàn cờ Iraq do chính Mỹ đã sắp đặt.

Đặc biệt, khi Tổng thống Iraq Barham Salih kêu gọi đối thoại dân tộc, cho thấy cơ chế hòa giải xung đột quốc gia theo sáng kiến của Tổng thống Nga Putin đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của chính các lực lượng thân Mỹ. Thật bẽ bàng!

Còn khi binh lính Iraq bắn thẳng vào người biểu tình thì chẳng khác gì kết liễu công cuộc khai sáng của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Rõ ràng, công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" của Mỹ đã thảm bại chẳng khác gì như tại Libya.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iraq-cong-cuoc-xoa-doc-tai-gieo-dan-chu-cua-my-tham-bai-3389307/