Iraq có Tổng thống và Thủ tướng mới

Chính trị gia người Kurd Abdul Latif Rashid từ Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) đã được Quốc hội Iraq bầu làm Tổng Thống hôm 13/10, người ngay sau đó đã bổ nhiệm ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ Tướng.

Hôm 13/10, Quốc hội Iraq đã bầu chính trị gia người Kurd Abdul Latif Rashid làm Tổng Thống, chấm dứt bế tắc chính trị sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 năm ngoái.

Chức vụ Tổng Thống, theo truyền thống do người Kurd nắm giữ, là một vị trí chủ yếu mang tính chất nghi lễ, tuy nhiên cuộc bỏ phiếu là một bước quan trọng để thành lập một chính phủ mới, điều mà các chính trị gia Iraq chưa thực hiện được trong một năm qua.

Tân Tổng Thống Iraq Abdul Latif Rashid. Ảnh: Reuters,

Tân Tổng Thống Iraq Abdul Latif Rashid. Ảnh: Reuters,

Ông Rashid, 78 tuổi, kỹ sư được đào tạo tại Anh, là Bộ trưởng Tài nguyên nước của Iraq từ năm 2003-2010, đã giành chiến thắng trước cựu Tổng Thống Barham Salih, người tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ngay sau khi được bầu, tân Tổng Thống Iraq lập tức bổ nhiệm ông Mohammed Shia al-Sudani, ứng cử viên của khối Khuôn khổ Điều phối, liên minh lớn nhất trong Quốc hội Iraq, bao gồm hầu hết các đảng Shiite do Iran hậu thuẫn, làm Thủ Tướng.

Ông Sudani, 52 tuổi, từng là Bộ trưởng các Bộ Nhân quyền, Lao động và các vấn đề xã hội của Iraq.

An ninh thắt chặt tại Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad khi Quốc hội bầu Tổng thống. Ảnh: AFP.

Tân Thủ Tướng Sudani có 30 ngày để thành lập nội các và trình lên Quốc hội để thông qua.

Cuộc bỏ phiếu hôm 13/10 là nỗ lực thứ tư để bầu Tổng Thống trong năm qua, diễn ra ngay sau khi 9 quả tên lửa rơi xuống Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, nơi đặt trụ sở các cơ quan Chính phủ và Ngoại giao đoàn.

Theo các nguồn tin an ninh và y tế, ít nhất 10 người, bao gồm cả các nhân viên an ninh, bị thương trong vụ tấn công.

Tân Tổng Thống Abdul Latif Rashid (bên phải cầm tài liệu) tuyên thệ nhậm chức trước các nhà lập pháp Iraq tại Baghdad, Iraq, ngày 13/10. Nguồn: Quốc hội Iraq / Reuters.

Phiên họp Quốc hội hôm 13/10 diễn ra một năm sau cuộc tổng tuyển cử, trong đó đảng của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite dân túy chủ trương chống lại sự ảnh hưởng của cả Mỹ và Iran, Moqtada al-Sadr, giành nhiều ghế nhất, 73/329 ghế, nhưng không vận động được sự ủng hộ đủ để đạt đa số để thành lập chính phủ.

Vào tháng 8, giáo sĩ Sadr đã rút 73 nhà lập pháp của mình khỏi Quốc hội và tuyên bố sẽ từ bỏ chính trường, động thái gây ra bạo lực tồi tệ nhất ở Baghdad trong nhiều năm, khi những người trung thành của ông bạo loạn, xông vào chiếm giữ tòa nhà Quốc hội và chính phủ, xung đột với các nhóm Shiite đối thủ.

Tổng Thống đắc cử Iraq Abdul Latif Rashid bổ nhiệm ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ Tướng. Nguồn: Quốc hội Iraq / Reuters.

Theo hệ thống chia sẻ quyền lực nhằm tránh xung đột tôn giáo, Tổng Thống Iraq là người Kurd, Thủ Tướng là người Shiite và Chủ tịch Quốc hội là người Sunni.

Chức vụ Tổng Thống đã xảy ra tranh chấp quyết liệt giữa hai đảng chính của người Kurdistan ở Iraq là Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) vốn đề cử ông Rashid, và đối thủ truyền thống, Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK), đã đề cử đương kim Tổng Thống Salih. KDP và PUK đã không thể loại bỏ được sự khác biệt và đồng thuận về một ứng cử viên.

Kết quả bầu Tổng Thống gây lo ngại về căng thẳng leo thang giữa KDP và PUK, vốn từng xảy ra xung đột vào những năm 1990.

Văn Phong (theo Reuters)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/iraq-co-tong-thong-va-thu-tuong-moi-129912.html