Iran vừa bắt tàu, gửi thông điệp rắn tới Mỹ

Iran vừa bắt giữ một tàu chở dầu bị nghi mang theo gần 284.000 lít dầu diesel lậu ở vùng Vịnh và giam giữ 12 thủy thủ Philippines.

Ngày 7/9, hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời tướng Hossein Dehaki, lãnh đạo lực lượng an ninh tỉnh miền nam Hormozgan, cho biết: "Một tàu kéo nước ngoài đã bị bắt cùng 283.900 lít dầu trị giá 20,2 triệu USD. 12 công dân Philippines cũng bị bắt và các biện pháp pháp lý cần thiết đang được thực hiện".

Theo tướng Dehaki, nhà chức trách Iran nghi con tàu trên đang buôn lậu nhiên liệu trái phép và đã chặn tàu lại khi nó ở gần quận Sirik trên eo biển Hormuz.

Trước đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi gián Iran (IRGC) ngày 14/7 bắt một tàu chở dầu nước ngoài với cáo buộc buôn lậu nhiên liệu.

"Với hai triệu lít dầu và 12 thành viên thủy thủ đoàn, con tàu đang trên đường vận chuyển nhiên liệu lậu từ các tàu Iran cho tàu nước ngoài", IRGC lúc bấy giờ thông báo.

Dịch vụ theo dõi hàng hải TankerTrackers cho biết tàu MT Riah mang cờ Panama, hoạt động ở eo biển Hormuz với nhiệm vụ tiếp dầu cho các tàu khác, đã đi vào vùng biển Iran tại thời điểm đó và hệ thống nhận dạng tự động của tàu đã ngừng gửi tín hiệu.

Ngày 19/7, IRGC bắt tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh với cáo buộc "vi phạm luật hàng hải quốc tế", phớt lờ cảnh báo từ quân đội Iran, tự ý tắt thiết bị định vị và va chạm với một tàu đánh cá của Iran.

Tại thời điểm đó, Iran tuyên bố vụ bắt giữ không phải là hành động trả thù cho vụ việc tàu chở dầu Grace 1 mang theo hơn 2 triệu thùng dầu thô của Iran bị chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở cực nam bán đảo Iberian bắt giữ hôm 4/7.

Theo chính quyền Gibraltar, tàu Grace 1 bị bắt trước nghi ngờ vận chuyển dầu tới Syria.

Tàu chở dầu Iran bị Anh bắt hồi tháng 7/2019. Ảnh: Reuters

Tàu chở dầu Iran bị Anh bắt hồi tháng 7/2019. Ảnh: Reuters

Ngày 31/7, Iran tiếp tục bắt một tàu nước ngoài khác với 7 thành viên thủy thủ đoàn vì nghi ngờ vận chuyển lậu nhiên liệu song họ không cung cấp định danh tàu cũng như quốc tịch của các thuyền viên.

Các vụ bắt giữ trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang leo thang vì các vấn đề trong khu vực và những động thái của Tehran dường như đang gửi một thông điệp rắn tới Mỹ, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vào năm ngoái, sau đó tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran.

Vụ bắt tàu Grace 1 được Anh thực hiện theo yêu cầu từ phía Mỹ và lập tức sau đó, Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh.

Tàu Grace 1 của Iran sau đó đã được thả, còn phía Iran trong tuần qua mới chỉ thả 7 trong số 23 thuyền viên của chiếc tàu chở dầu Anh.

Đáng lưu ý, ngày 7/9, Iran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc chi tiết bước đi mới, theo đó, các máy ly tâm IR-6 đã được nạp đầy khí urani, một chuỗi gồm 20 máy ly tâm IR-4 và IR-6 cũng đã được khởi động từ ngày 6/9, và 3 máy ly tâm IR-8 sẽ sớm được thử nghiệm.

Về lý thuyết, các máy ly tâm tiên tiến có thể làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn nhiều.

Người phát ngôn Cơ quan Hạt nhân Iran Behrouz Kamalvandi tuyên bố đủ năng lực để nâng mức làm giàu vượt ngưỡng 20%, mức tinh chế urani mà Iran đã đạt được trước thời điểm ký JCPOA.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức.

Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.

Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran đã thổi bùng lại các căng thẳng. Quan hệ Mỹ-Iran ngày càng xấu đi và Iran đã bắt đầu giảm dần các cam kết của mình nhằm trả đũa chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ.

Tuy nhiên, Tehran cho biết các biện pháp này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra một cách giúp bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/iran-vua-bat-tau-gui-thong-diep-ran-toi-my-3387161/