Iran và Mỹ chính thức bước vào 'cuộc chiến pháp lý' tại ICJ

Mỹ và Iran ngày 27/8 chính thức bước vào 'cuộc chiến pháp lý' tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran.

Các luật sư Iran sẽ yêu cầu Tòa ra phán quyết buộc Mỹ phải tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trong khi phía Mỹ cũng sẽ có phản biện chính thức vào 28/8.

Mỹ và Iran ngày 27/8 chính thức bước vào “cuộc chiến pháp lý” tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran. Ảnh: EPA

Theo phía Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn yếu kém của nước này, vi phạm những điều khoản của Hiệp ước hữu nghị 1955 giữa hai nước. Dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức, song các luật sư Mỹ cho rằng, Tòa án Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền trong vấn đề này. Bên cạnh đó, các luật sư cũng lập luận, Hiệp ước hữu nghị không còn giá trị, do đó các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra hoàn toàn không vi phạm.

Tòa án Công lý quốc tế là một tòa án Liên Hợp Quốc, chuyên giải quyết các tranh chấp quốc tế và tòa án này tới nay vẫn công nhận hiệu lực của Hiệp ước hữu nghị năm 1955.

Với quyết định bước vào cuộc chiến pháp lý với Mỹ, Iran muốn Tòa án Công lý quốc tế có trụ sở tại La Hay, Hà Lan tạm thời ngăn chặn các lệnh trừng phạt, trước khi các thẩm phán ra quyết định cuối cùng. Iran khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ vi phạm nhiều điều khoản của hiệp ước Mỹ- Iran ký năm 1955. Văn kiện ít được biết đến này đề cập các mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và khuyến khích trao đổi thương mại. Tuy nhiên, cả Iran và Mỹ không còn duy trì các mối quan hệ ngoại giao kể từ năm 1980.

Trước đó, hồi giữa tháng 7 vừa qua, Iran đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc. Theo Chính phủ Iran, chống lại thói quen vi phạm luật quốc tế của Mỹ là việc cấp bách hiện nay và việc Iran kiện Mỹ là nhằm buộc Washington phải chịu trách nhiệm về việc áp đặt trở lại một cách bất hợp pháp các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, các lệnh trừng phạt là nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Iran để buộc nước này phải thay đổi hành vi, đặc biệt liên quan tới các tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ mặt khác cũng “để ngỏ” cho một thỏa thuận hạt nhân mới với nước Cộng hòa Hồi giáo, một ý định đã bị phía Iran bác bỏ. Trong khi Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố, “sẽ không có chiến tranh, nhưng cũng sẽ không có đàm phán với Mỹ”, thì Tổng thống Iran Hassan Rohani cho rằng, Mỹ không chân thành.

“Ông Donald Trump và chính phủ của ông ta đã từ chối các cuộc đàm phán và quay trở về chính sách ngoại giao của họ. Những gì ông Donald Trump đang làm là chống lại Iran và chống lại lợi ích của chúng tôi. Iran sẵn sàng cho các giải pháp ngoại giao nếu phía Mỹ cho thấy sự trung thực”, Tổng thống Rouhani nói.

Tòa án Công lý quốc tế dự kiến sẽ ra phán quyết tạm thời chấm dứt các lệnh trừng phạt theo yêu cầu của Iran trong trong vòng 2 tháng tới kể từ khi bắt đầu cuộc tranh luận. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về vụ việc có thể sẽ phải mất tới nhiều năm.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Mỹ đã tái áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Giai đoạn đầu của lệnh trừng phạt nhằm vào các hoạt động giao dịch bằng đồng đôla Mỹ, kinh doanh kim loại, than đám phầm mềm công nghiệp và lĩnh vực tự động. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ nặng nề hơn khi nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt của nền kinh tế Iran cũng như lĩnh vực ngân hàng.

Ngay sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp quốc tế, trong đó có Tập đoàn Total của Pháp và Daimler của Đức đã thông báo ngừng hoạt động tại Iran.

Mới đây nhất hôm 23/8 vừa qua, các hãng hàng không quốc gia của Anh và Pháp cũng thông báo ngừng các chuyến bay tới Iran, cho rằng, những đường bay này không sinh lợi. Tuy nhiên, Hãng hàng không quốc gia Anh khẳng định quyết định không liên quan các lệnh trừng phạt của Mỹ./.

Thu Hoài/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/iran-va-my-chinh-thuc-buoc-vao-cuoc-chien-phap-ly-tai-icj-805354.vov