Iran và lời khẩn cầu giữa đại dịch

Khi đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các lệnh trừng phạt đã trở thành một gánh nặng vô cùng lớn đối với Iran, khiến nước này phải tìm mọi biện pháp để tháo chiếc 'vòng kim cô' mà Mỹ và các đồng minh áp đặt bấy lâu nay.

“Khủng bố kinh tế và y tế”

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vừa qua đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi cho hay, Ngoại trưởng Zarif đã viết một bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và kêu gọi dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Iran nhằm giúp nước này ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo ông Mousavi, trong bức thư trên, có một bản sao được gửi tới tất cả những người đứng đầu các tổ chức quốc tế và ngoại trưởng của tất cả các nước, Ngoại trưởng Iran đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương và “phi pháp” của Washington để Tehran có thể chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Lời “khẩn cầu” của Iran cũng đã được gửi tới những người đứng đầu Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Hội đồng Nghị viện châu Á, cũng như Chủ tịch Quốc hội các nước châu Á và Hồi giáo. Iran hối thúc cộng đồng quốc tế thể hiện lập trường có “tính nguyên tắc” để buộc Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran, nhất là các biện pháp ngăn chặn nguồn cung thiết bị y tế.

Theo các chuyên gia ở khu vực, nền kinh tế Iran đang ngày trở nên kiệt quệ do tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt từ Washington và tiếp đó là sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Nền kinh tế Iran hiện đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không được cứu trợ kịp thời.

Vừa qua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã thông báo trên trang mạng xã hội Twitter rằng Tehran đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp khoản cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp nước Cộng hòa Hồi giáo chống chọi với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Iran vốn được biết đến là một trong những quốc gia có hệ thống y tế tốt nhất trong khu vực và có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế cao cấp. Tuy nhiên, cho dù hệ thống y tế tiên tiến đến đâu, đối phó với khủng hoảng về đại dịch đòi hỏi phải có một nguồn cung rất lớn về thiết bị y tế, từ bộ dụng cụ xét nghiệm, trang phục bảo hộ cho đến bình oxy, các chất khử trùng...

Các lệnh cấm vận của Mỹ khiến Iran khó khăn trong tiếp cận các nguồn cung vật tư y tế để chống dịch COVID-19.

Các lệnh cấm vận của Mỹ khiến Iran khó khăn trong tiếp cận các nguồn cung vật tư y tế để chống dịch COVID-19.

Những lệnh cấm vận từ Mỹ khiến Tehran vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn cung vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch. Ngày 16-3, trong 24 giờ, Iran đã xác nhận thêm 129 ca tử vong do nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng số người tử vong vì COVID-19 tăng lên 853 người. Hiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran là 14.991 người.

Theo Iran, Mỹ không chỉ áp dụng “khủng bố kinh tế” mà hiện tại là cả “khủng bố y tế” ở nước này. “Trong khi các quốc gia khác tranh luận về cách kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 cũng như tác động của dịch bệnh này tới nền kinh tế của họ thì người dân Iran chúng tôi đã phải chịu những tác động về kinh tế trước khi cả dịch bệnh đến.

“Khủng bố kinh tế” của Mỹ đã tàn phá kinh tế đất nước chúng tôi và nó càng trở nên tồi tệ hơn khi COVID-19 xâm nhập vào Iran. Chúng tôi thậm chí còn không có đầy đủ các thiết bị, vật tư y tế để chống dịch”, Ngoại trưởng Iran Zarif chia sẻ.

Căng thẳng lại leo thang

Căng thẳng Mỹ - Iran cũng đang có dấu hiệu gia tăng bất chấp bối cảnh là đại dịch COVID-19 hoành hành. Gần đây, Mỹ đã duy trì 2 tàu sân bay tại Vùng Vịnh để ngăn chặn các cuộc tấn công ủy nhiệm của Iran. Mỹ đã quy trách nhiệm cho các nhóm dân quân Iraq được chính quyền Iran hậu thuẫn đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng chục lính Mỹ và đồng minh thương vong ngày 11-3.

Tại sao Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ lại tìm kiếm một sự leo thang với Mỹ ngay lúc này? Rất có thể, Iran có thể đang đánh cược rằng một cuộc xung đột ngắn với Mỹ có thể kích thích một sự ủng hộ trong nước hoặc làm chệch hướng sự chú ý khỏi cách xử lý yếu kém của họ với đại dịch COVID-19. Hoặc có thể, Iran muốn “trêu ngươi” Mỹ nhằm trả thù cho tướng Qasem Soleimani.

Với những lằn ranh đỏ mà Mỹ đặt ra, phía Mỹ đã có ngay sự trả đũa cho vụ tấn công hôm 11-3. Tổng thống Donald Trump đã không mất nhiều thời gian để đưa ra những ủy quyền thích hợp cho một động thái đáp trả quân sự tiềm tàng.

Ngày 12-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói: “Tôi đã nói chuyện với tổng thống. Ông ấy đã ủy quyền cho tôi làm những điều chúng ta cần làm, theo đúng định hướng của ông”. Bộ trưởng nói thêm rằng “tôi sẽ không lựa chọn bước vào bàn đàm phán ngay lúc này mà sẽ nhắm thẳng vào nhóm - các nhóm - mà chúng tôi tin là thủ phạm của vụ này tại Iraq”.

Dịch COVID-19 hoành hành gây khó khăn rất lớn cho Iran.

Vài giờ sau, các lực lượng của Mỹ bắt đầu tấn công các căn cứ có liên quan đến Kata’ib Hezbollah và các nhóm khác được Iran hậu thuẫn ở tỉnh Babil (Iraq). Quân đội Iraq đã lên án các vụ tấn công này và cho biết 3 trong số các binh lính của họ cùng 2 sĩ quan cảnh sát khác đã thiệt mạng.

Trong khi đó, cả Kata’ib Hezbollah và các lực lượng dân quân đều chưa đưa thông báo về trường hợp thiệt mạng nào bên phía họ, song một số dân quân có lẽ đã bị thương trong các vụ tấn công này. Thế nhưng, đây có thể chưa phải đòn cuối cùng trong sự trả đũa của Mỹ mà nếu đúng là đòn cuối cùng thì có lẽ nó đã được sắp xếp một cách có giới hạn.

Các vụ tấn công của Mỹ hồi tháng 12 nhắm vào các căn cứ của Kata’ib Hezbollah đã gây ra hàng chục cái chết. Thủ lĩnh Kata’ib Hezbollah và mạnh thường quân người Iran của ông ta cũng đã bị sát hại sau đó một tuần. Những vụ sát hại đó cũng gây ra nhiều thương vong và sự tàn phá hơn để có thể kích động những nỗ lực của họ nhằm hất cắng các lực lượng Mỹ ra khỏi đất nước. Thế nhưng, như vậy sẽ tạo ra vòng xoáy leo thang bạo lực có thể dẫn tới một cuộc xung đột thực sự.

Tuy vậy, sự khó lường của dịch COVID-19 có thể sẽ là nhân tố tác động tới chính sách của cả hai phía trong thời gian tới. Sự ảnh hưởng của nó đến việc hoạch định của Tổng thống Mỹ ra sao, hay đến những sự cố vấn mà các quan chức quân sự và quốc phòng với ông thế nào, vẫn còn là điều bí ẩn.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/iran-va-loi-khan-cau-giua-dai-dich-586870/