Iran tuyên bố giúp tái thiết Syria

Trong khi Syria vẫn chưa giành được kiểm soát hoàn toàn miền Bắc giàu dầu mỏ, Iran sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhiên liệu suy giảm.

Đầu tháng 4, Iran đã bán cho Syria lượng dầu lớn trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu. 4 tàu chở dầu của Iran đang chuẩn bị đến Syria để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu của nước này. Sau khi giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad về mặt quân sự, Iran đang muốn tham gia công cuộc tái thiết đất nước Syria.

Iran đang bán dầu cho Syria nhằm tái thiết quốc gia này

Iran đang bán dầu cho Syria nhằm tái thiết quốc gia này

Theo Middle East Monitor, một lô hàng trị giá 3,5 triệu thùng do Iran gửi, đang trên đường đến bờ biển Syria, để giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu ở nước này. Tuy nhiên, đoàn tàu chở dầu này đã bị trì hoãn do kênh đào Suez bị tắc nghẽn từ ngày 23/3-3/4.

Ngoài ra, 4 tàu chở dầu khác của Iran sẽ được hộ tống bởi các tàu của Nga để đảm bảo vận chuyển đến cảng Baniyas của Syria.

Theo Roozbeh Zomorodian, Cố vấn Iran về các vấn đề dầu khí với các công ty quốc tế, những hoạt động xuất khẩu dầu của Iran tới Syria không phải là mới, chúng đáp ứng "một mệnh lệnh kinh tế và địa chính trị".

“Bất chấp sức ép và lệnh trừng phạt của quốc tế, Iran vẫn tiếp tục xuất khẩu khoảng 70.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang Syria. Phần lớn hàng xuất khẩu cho đến nay đều đi qua Kênh đào Suez mà không có Mỹ hoặc Ai Cập áp đặt bất kỳ hạn chế hoặc phản ứng nào” - ông Zomorodian nói với Sputnik.

Việc xuất khẩu dầu này diễn ra trong bối cảnh Syria đang khủng hoảng. Kể từ ngày 28/3, chính phủ Damascus đã ra lệnh cấp phát nhiên liệu theo hạn mức ở tất cả các vùng lãnh thổ mà họ quản lý.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Syria đã mất quyền kiểm soát ngành dầu mỏ của chính mình vào tay các lực lượng khủng bố và hiện là các lực lượng dân quân người Kurd đang được Mỹ bảo trợ.

Ông Zomorodian cho biết: “Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn đang cố gắng giúp đỡ Syria”.

Chuyên gia Roozbeh Zomorodian tiết lộ: “Cho đến nay, Iran đã xây dựng hai nhà máy điện ở Syria, Tishrin và Jandar, mỗi nhà máy có công suất 480 MW”.

Thật vậy, "hai nước đã đạt được thỏa thuận vào năm 2018 về việc xây dựng một nhà máy điện mới công suất 540 MW cũng như sửa chữa một số nhà máy điện bị hư hỏng, đặc biệt là ở Aleppo và Baniyas". Iran cũng giành được quyền quản lý cảng Latakia vào năm 2019.

Iran vẫn chở dầu bán cho Syria qua kênh đào Suez mà không bị trừng phạt.

Giới phân tích nhận định, dù chịu sức ép trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, Iran vẫn giành sự đầu tư cho Syria.

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và bị Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2018, nền kinh tế Iran đã không ngừng suy thoái. Do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran đang phải vật lộn để giao thương với thế giới bên ngoài do các khách hàng tiềm năng của nước này lo sợ rằng họ sẽ lần lượt lọt vào tầm ngắm của Washington.

“Các biện pháp trừng phạt đã có tác động đáng kể đến xuất khẩu dầu thô. Mức xuất khẩu đạt từ 500-600.000 thùng/ngày trong giai đoạn 2019-2020, ít hơn hai triệu thùng/ngày so với năm 2017” - chuyên gia Roozbeh Zomoridian nhấn mạnh.

Do lệnh trừng phạt của Mỹ được khôi phục, các khách hàng mua dầu của Iran như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp đã ngừng mua. Những nước này chiếm 84% tổng khối lượng mà Tehran xuất khẩu. Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu thô chính của Iran. 100 đến 150.000 thùng mỗi ngày để hoàn trả các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc và 350.000 thùng mỗi ngày gián tiếp thông qua các tàu mang cờ nước ngoài, thường là Iraq, Oman, Malaysia hoặc Indonesia.

Tuy nhiên, để bán được hàng, Iran phải hạ thấp các yêu cầu của mình và "giảm giá đáng kể cho những khối lượng này, từ 10 đến 30%".

Tehran hiện vẫn đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác của mình. Iraq, một quốc gia láng giềng, vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt và điện từ Iran. Ngoài ra, để bán dầu của mình, Iran cũng đang quay sang các nước láng giềng như "Afghanistan, Azerbaijan, Pakistan hoặc thậm chí là Armenia", Zomoridian cho biết.

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, Israel và Iran còn gia tăng nỗ lực. Vào ngày 6/4, một con tàu của Iran đã bị hư hại bởi một quả thủy lôi ngoài khơi bờ biển Djibouti. Theo một tuyên bố chính thức từ Saïd Khatibzadeh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, "vụ tai nạn không gây ra nạn nhân nào và các cuộc điều tra kỹ thuật đang được tiến hành để xác định hoàn cảnh và nguồn gốc vụ tấn công này".

Nhưng bất chấp các ngăn cản từ Israel hay Mỹ, Iran đang cố gắng hỗ trợ đồng minh Syria.

Iran đã ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011. Với sự hỗ trợ của họ trên bộ, các lực lượng Iran đã tạo điều kiện cho Damascus chiếm lại nhiều thành phố quan trọng của đất nước.

Hiện tại, Tehran đang tiếp tục hỗ trợ Syria trong điều kiện kinh tế khó khăn. Vị chuyên gia cho rằng, người Iran sẽ không ngần ngại đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Ông Zomorodian khẳng định: “Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn đang cố gắng giúp đỡ Syria”.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/iran-tuyen-bo-giup-tai-thiet-syria-3430385/