Iran trước Mỹ, không phải là 'châu chấu đá xe' ?

Quốc gia dầu mỏ bị Mỹ trừng phạt trong nhiều năm qua có bản lĩnh của riêng mình.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Iran sẽ gánh chịu hậu quả nếu gây ra “chuyện lớn”. Nhưng khi Iran bị cho là đứng sau vụ tấn công vào 2 cơ sở hạ tầng dầu mỏ then chốt của Ả Rập Saudi thì dường như chính Mỹ đang lúng túng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện Mỹ vẫn chưa có phương án trả đũa hiệu quả lên quốc gia vốn đã bị trừng phạt kinh tế nặng nề này dù giới chức Washington liên tục cáo buộc Tehran giật dây vụ tấn công “chưa từng có trên”, khiến giá dầu thế giới trong tuần qua có thời điểm tăng đến 20%. Có thể nói, Iran vẫn có đủ bản lĩnh để không bị o ép bởi Mỹ và có khả năng đáp trả hiệu quả nếu như Washington muốn leo thang căng thẳng.

Thay vào đó, sau hơn 40 năm bị cô lập trên trường quốc tế, Iran đã đúc kết và đưa ra chiến lược để Mỹ hiểu rằng nếu tiếp tục trừng phạt nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0 thì Tehran có cách để Ả Rập Saudi, đồng minh Mỹ trong khu vực cũng bị hậu quả nặng nề.

“Mỹ buộc phải thừa nhận Iran là một phần của khu vực này”, theo ông Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Brussels. Cách tiếp cận này là một phần của kế hoạch dài hạn hơn, đó là Iran tìm cách hưởng lợi từ việc Mỹ rút dần khỏi khu vực Trung Đông, bất kể ai được bầu làm tổng thống vào năm 2020.

Cinzia Bianco, chuyên gia nghiên cứu về Ả Rập tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu ở Berlin khẳng định Mỹ trong nhiều năm đã muốn tái định vị ở Trung Đông. Cuộc tấn công ngày 14/9 vì thế có thể tác động lâu dài đến cán cân quyền lực trong khu vực, khi phơi bày một cách tàn nhẫn sự biến chuyển trong mối quan hệ Mỹ-Ả Rập. Theo đó, Ả Rập đã “thua” trong cuộc chiến 30 phút mà họ dè chừng suốt 50 năm, thiệt hại tới 50% sản lượng dầu quốc gia mà Mỹ với vai trò đồng minh, không thể ngay lập tức đưa ra phương án hỗ trợ.

Điều đó đã xói mòn niềm tin của Ả Rập Saudi rằng nước này được Mỹ bảo đảm an ninh. Phần lớn những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và Saudi quyết định đẩy mạnh vụ việc dến đâu. Nếu Mỹ quyết định buộc vấn đề này và đưa ra bằng chứng cứng rắn trước công chúng, áp lực Washington phải trả đũa sẽ tăng lên.

Phía quân đội Iran có lẽ đang đánh cược rằng Tổng thống Trump muốn để ngỏ vụ kiện không có kết luận, có lựa chọn ít rủi ro và tốn kém hơn thay vì tiến đến một cuộc chiến. Để thêm thông tin, Iran hiện có khoảng 50 tên lửa đạn đạo tầm trung được triển khai và xấp xỉ 130 máy bay không người lái, theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London.

Tú Anh (Theo Bloomberg)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/iran-truoc-my-khong-phai-la-chau-chau-da-xe-352865.html