Iran triển khai tên lửa quanh T4 sớm hơn Israel phát hiện

Trang AMN dẫn nguồn tin quân sự từ chính phủ Syria lần đầu tiên xác nhận việc Iran triển khai hệ thống phòng không đến căn cứ T4.

Quyết định triển khai tên lửa phòng không Bavar 373 được Iran thực hiện sau cuộc không kích của Không quân Israel và căn cứ T4 khiến nhiều quân nhân Iran thiệt mạng và bị thương.

Tuy nhiên, điều bất ngờ theo xác nhận từ nguồn tin quân sự Syria là Tehran đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến Syria và xây dựng lưới lửa phòng thủ vững chắc quanh căn cứ T4 từ vài tháng trước.

Hệ thống Bavar 373.

Hệ thống Bavar 373.

Cùng với những hệ thống phòng thủ của Iran, tại căn cứ T4 cũng có sự hiện diện của một số hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, nguồn tin này không nói rõ lực lượng Nga đã điều vũ khí nào đến đây. Chỉ với thông tin này cũng đủ thấy, vũ khí Iran đến T4 sớm hơn nhiều so với những gì Israel phát hiện được.

Cụ thể, hình ảnh về sự xuất hiện của Bavar 373 tại T4 được đăng tải cùng với cáo buộc của Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) rằng Iran đã chuyển những hệ thống tên lửa phòng không tự sản xuất tối tân nhất Bavar 373 đến Syria. Hình ảnh được ghi tại căn cứ T4 hôm 21/11 nhưng đến nay mới được công bố.

Giới quân sự Israel cho rằng, sự xuất hiện của Bavar 373 tại T4 đe dọa nghiêm trong hoạt động của Không quân Israel tại Syria, dù đó là tiêm kích tàng hình F-35I. Bởi theo tuyên bố Iran đưa ra, vũ khí này có khả năng đánh chặn ưu việt hơn cả S-300 và có thể đối phó tốt với mục tiêu tàng hình.

Tổ hợp Bavar 373 có phạm vi hoạt động là 250 km. Vũ khí này có thể bao quát khu vực tác chiến lên tới 350 km. Với sự xuất hiện của vũ khí này ở căn cứ không quân T4, chiếc ô phòng không của Iran hiện bao phủ cả phía đông Syria bao gồm khu vực biên giới Syria giáp Iraq và tỉnh Deir ez-Zour, nơi có sự xuất hiện của quân đội Iran và dân quân Shiite của Iraq được Tehran hậu thuẫn.

Giới chuyên gia còn cho rằng, hệ thống phòng không Bavar 373 là vũ khí lai ghép công nghệ từ hệ thống phòng không S-300 và S-400 do Nga sản xuất. Điều này có nghĩa là Bavar 373 có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình cùng các máy bay tàng hình tối tân như F-35 và F-22 do Mỹ sản xuất và đang được không quân Mỹ cùng Israel sử dụng.

Ngoài ra, căn cứ không quân T4 được đánh giá là một căn cứ quan trọng đối với không quân Nga. Theo đó, Tehran sẽ cần phải được bộ chỉ huy quân đội Nga ở Syria cho phép trước khi triển khai hệ thống phòng không Bavar-373 tới đây.

Hiện phía lực lượng Nga tại Syria chưa có tuyên bố chính thức nào về việc cho phép Iran lắp đặt hệ thống Bavar 373 tại căn cứ T4.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/iran-trien-khai-ten-lua-quanh-t4-som-hon-israel-phat-hien-3393114/