Iran tố Mỹ là nguồn cơn gây bất ổn

Liên minh quân sự của Mỹ và đồng minh phương Tây bị cáo buộc chính là nguy cơ gây bất ổn an ninh với Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mới đây đã lên án chỉ trích sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh từ thế lực ở bên ngoài khu vực, một tuyên bố được cho là nhằm tới sáng kiến liên minh hải quân của Mỹ tại đây.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad ZarifNgoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad ZarifNgoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Theo ông Zarif, Tehran sẽ hành động để bảo vệ an ninh của nước này.

"Vịnh Persian là một tuyến hàng hải huyết mạch vô cùng quan trọng và do đó an ninh quốc gia là lĩnh vực ưu tiên đối với Iran, vốn từ lâu đã đảm bảo an ninh hàng hải ở đây.

Trước thực tế này, bất kỳ sự hiện diện nào từ thế lực bên ngoài đều được xác định là khởi nguồn của tình trạng mất an toàn… Iran sẽ không do dự trong việc bảo vệ an ninh của mình" - Ngoại trưởng Zarif đăng tải trên Twitter ngày 9/8.

Lời tuyên bố mới nhất được xem là động thái cảnh cáo các nước tham gia liên minh an ninh hàng hải được Mỹ khởi xướng tại Vùng Vịnh. Iran từng chỉ đích danh Israel và khẳng định sẽ chống lại bất cứ sự hiện diện nào của nước này trong liên minh.

Liên minh hàng hải do Mỹ khởi xướng nhằm bảo vệ các tàu chở dầu tại Vùng Vịnh đã được Anh ngỏ lời tham gia. Động thái này được Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi, gọi Anh là "chuyên gia hàng hải của mọi thế kỷ".

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu từ chối tham gia liên minh này. Đức là một ví dụ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: “Vào lúc này Anh là nước sẵn sàng gia nhập liên minh của Mỹ còn chúng tôi sẽ không làm vậy”. Ông Maas cũng nhấn mạnh căng thẳng ở Vùng Vịnh sẽ không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự.

Ngoại trưởng Pháp mới đây cũng tuyên bố, nước này có khả năng tự đàm phán với Iran về các vấn đề chứ không cần thông qua Mỹ. Song dù căng thẳng, Paris vẫn tham gia vào kế hoạch liên minh hàng hải của Washington.

"Pháp đối thoại với Iran như một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền. Chúng tôi nỗ lực vì hòa bình và an ninh trong khu vực, tạo điều kiện giảm leo thang căng thẳng và không cần bất cứ ai cho phép"- Ngoại trưởng Le Drian khẳng định.

Ông Le Drian không quên đề cập tới quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là minh bạch và ông Macron "chắc chắn tuân thủ thông báo từ chính quyền Mỹ".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 chỉ trích lãnh đạo nhiều nước, nêu đích danh người đồng cấp Pháp Macron, làm ảnh hưởng tới chính sách gây áp lực lên Tehran của Washington.

Tổng thống Trump đăng trên Twitter: "Iran đang gặp vấn đề kinh tế trầm trọng. Họ rất muốn đối thoại với Mỹ, nhưng lại nhận được tín hiệu lẫn lộn từ những người được cho là đại diện của chúng ta, trong đó có Tổng thống Pháp Macron".

Căng thẳng Mỹ- Iran xảy ra từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tung ra các đòn trừng phạt kinh tế mạnh mẽ vào Iran.

Cho đến nay, bất chấp các sức ép từ đồng minh, Mỹ đã không còn cho bất cứ quốc gia nào được miễn trừ trừng phạt vì mua dầu của Iran.

Dẫu vậy, Nga và Trung Quốc là những quốc gia đi đầu trong việc cứu cánh cho nền kinh tế Iran ở thời điểm khó khăn này.

Reuters ngày 8/8 dẫn 3 nguồn theo dõi tàu chở dầu cho thấy, khoảng 4,4- 11 triệu thùng dầu thô Iran đã được bơm vào các bể dự trữ chiến lược của Trung Quốc hồi tháng 7, tương đương 142.000 - 360.000 thùng/ngày.

Con số này được cho là tăng hơn nhiều so với tháng 6, 855.638 tấn, ước khoảng 208.205 thùng/ngày.

Hồi tháng 5, CNBC dẫn dữ liệu hàng hải cho thấy các tàu chở dầu Iran âm thầm vận chuyển 12-14 triệu thùng dầu tới các hải cảng Trung Quốc từ tháng 1 đến 5/2019. Đến nay dòng chảy dầu này vẫn chưa có dấu hiệu đứt quãng.

Trong khi đó, lượng dầu Iran đến từ Nga trong khoảng tháng 6/2019 đạt 7,15 triệu tấn (tương đương 1,74 triệu thùng/ngày), tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn con số 6,36 triệu thùng/ngày vào tháng 5.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/iran-to-my-la-nguon-con-gay-bat-on-3385407/