Iran tin tưởng châu Âu có thể cứu vãn JCPOA

Ngày 22-11 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn rằng, nước này sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi khẳng định “những tin đồn này là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở”.

Châu Âu “tiến thoái lưỡng nan”

Trong một tuyên bố, ông Bahran Qassemi nhấn mạnh, chắc chắn một số thế lực nước ngoài cũng như trong nước đã đưa ra những suy đoán nhằm đánh lừa công chúng, gây ra những căng thẳng, cũng như tác động tiêu cực tới thị trường, thậm chí phá hoại sinh kế của người dân Iran.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn hi vọng châu Âu có thể cứu vãn JCPOA, bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Ông nói: “Có những mơ hồ về việc thực hiện cơ chế của Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ thương mại với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng rằng châu Âu có thể cứu vãn được thỏa thuận này”.

Trên thực tế, các bên khác ký thỏa thuận hạt nhân Iran đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này từ tháng 5, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ văn kiện này.

Cuộc “so găng” giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Về phía châu Âu, theo bình luận của các chuyên gia Julien Barnes-Dacey và Ellie Geranmayeh thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu mới đây, trước động thái của Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Iran và ngành dầu mỏ của nước này, EU chuyển sang tìm cách duy trì một phiên bản khác của JCPOA.

Tuy nhiên, những cáo buộc mới đây có liên quan đến Iran ở Pháp và Đan Mạch lại trở thành những rào cản khó vượt qua. Đầu tuần qua, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã cáo buộc Iran lên kế hoạch tiến hành vụ ám sát lãnh đạo nhóm ly khai Iran có tên gọi Phong trào đấu tranh Arab nhằm giải phóng Ahwaz (ASMLA).

Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Pháp cáo buộc cơ quan tình báo Iran đứng sau một chiến dịch đánh bom (nhưng thất bại) nhằm vào một cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 6 vừa qua do nhóm đối lập Iran (Hội đồng kháng chiến dân tộc Iran) còn được gọi là Mujahedin-e Khalq (MEK) ở Paris tổ chức. Những sự cố trên đã tạo thêm căng thẳng giữa châu Âu và Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt giai đoạn 2 của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.

Trong những tháng tới, sự hợp tác giữa châu Âu và Iran là rất quan trọng để duy trì JCPOA và mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. Pháp, Đức và Anh - các cường quốc “E3” là những bên tham gia JCPOA - đã bày tỏ tình đoàn kết với Đan Mạch, trong khi các nhà lãnh đạo Bắc Âu (những người đang ủng hộ nỗ lực duy trì JCPOA) đã cùng tuyên bố rằng họ “coi vấn đề là cực kỳ nghiêm trọng và những hoạt động như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Giả định rằng, các nước châu Âu đã xác minh được thông tin về âm mưu ám sát theo cáo buộc ở Đan Mạch thì cũng sẽ là điều hoàn toàn “không thể chấp nhận” đối với khu vực này. Tệ hơn, nó cũng không phải là một sự cố riêng lẻ, dựa trên các sự kiện ở Pháp (cũng như những cáo buộc nhằm vào Iran liên quan đến việc thực hiện các vụ ám sát ở nước ngoài trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước).

Paris đã hành động đơn phương chống Tehran - áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân bị cáo buộc tham gia và cơ quan tình báo Iran - đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao bằng cách không bổ nhiệm đại sứ mới ở Tehran. Tuy nhiên Pháp đã không yêu cầu có phản ứng chung của EU.

Sự quan tâm chiến lược của châu Âu trong việc bảo vệ JCPOA dường như đã thúc đẩy cách tiếp cận này. Sau vụ việc ở Đan Mạch, Copenhagen đã thúc đẩy đưa vấn đề các hoạt động ngoài lãnh thổ của Iran vào chương trình nghị sự chung của châu Âu. Khi châu Âu xem xét đưa ra phản ứng đối với vụ việc ở Đan Mạch chắc chắn sẽ gặp một số tình huống khó xử.

Thực tế là EU chỉ có những lựa chọn hạn chế để trừng phạt Iran bởi quốc gia Hồi giáo này vẫn còn quan trọng đối với châu Âu để duy trì không gian cho cuộc đối thoại tại thời điểm đang có những bất ổn ở Trung Đông.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” khác là áp lực với châu Âu trong việc phối hợp đưa ra phản ứng liên quan đến JCPOA. Mỹ sẽ nhấn mạnh những hạn chế đối với sự hỗ trợ kinh tế theo đề xuất của châu Âu nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Châu Âu phải chống lại áp lực này và tiếp tục tách biệt JCPOA khỏi các vấn đề lớn hơn.

Những nỗ lực để đối phó với các hoạt động nguy hiểm của Iran - dù ở châu Âu hay Trung Đông - sẽ chỉ trở nên phức tạp hơn nếu JCPOA bị phá vỡ và Iran “được giải phóng” hoàn toàn khỏi những ràng buộc liên quan đến chương trình hạt nhân của mình.

Ảo tưởng nguy hiểm

Việc Mỹ cáo buộc Iran vi phạm Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1997 là một phần trong nỗ lực nhằm cô lập Iran sau khi Washington rút khỏi JCPOA, và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran. Tổng thống Donald Trump và các cố vấn an ninh quốc gia tuyên bố sẽ duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm buộc Iran dừng các hoạt động được cho là gây bất ổn ở Trung Đông.

Bằng việc từ bỏ JCPOA, Mỹ đã bất cẩn loại bỏ một hiệp định kiềm chế đáng kể, lâu dài và có thể kiểm chứng khả năng của Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. JCPOA đã giảm 2/3 số lượng máy ly tâm đang hoạt động của Iran và giảm đáng kể kho dự trữ urani được làm giàu ở mức độ thấp của nước này, kéo dài giới hạn thời điểm Tehran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân lên ít nhất là 1 năm.

Thỏa thuận này cũng đã tháo dỡ lõi lò phản ứng plutoni của Iran, khép lại cánh cửa tiềm tàng khác dẫn đến việc Tehran có một quả bom hạt nhân và áp đặt những cuộc thanh tra và chế độ xác minh chặt chẽ nhất từng được đàm phán, khiến Tehran khó có thể bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.

Rạn nứt đáng kể mà Mỹ tạo ra trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng cách rời khỏi JCPOA đã làm suy yếu hơn nữa những nỗ lực gây áp lực hiệu quả với Iran. Thực tế đã chứng minh, ngay sau khi hầu hết các công ty đa quốc gia châu Âu ngừng các hoạt động tại châu Âu, EU đã thành lập một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế tiếp diễn với Iran trong một nỗ lực duy trì JCPOA.

Kết quả cuối cùng là các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có thể trừng phạt, nhưng sự tuân thủ quốc tế sẽ không đồng nhất và có nhiều lỗ hổng hơn so với trong giai đoạn tiền JCPOA. Điều đó có nghĩa là ít áp lực hơn, và khó có thể hình dung được việc đạt 200% thỏa thuận hạt nhân hiện tại bằng chưa đầy 100% lực đòn bẩy.

Bên cạnh đó, chính sách của Mỹ càng có tác động làm tê liệt nền kinh tế của Iran, thì càng có khả năng Tehran thực hiện các hành động tạo ra một cuộc đối đầu quân sự. Trong các đợt trừng phạt trước đây, Iran đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân của mình để tạo ra đòn bẩy chống lại.

Cho đến nay, Iran đã tương đối bị kiềm chế trong việc ứng phó với việc Tổng thống Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Nhưng nếu cái giá quá cao, sự kiềm chế này cuối cùng có thể bị xói mòn.

Iran có thể bắt đầu không tuân thủ các nghĩa vụ về hạt nhân của mình theo JCPOA bằng cách lắp đặt và vận hành nhiều máy ly tâm hơn, hoặc gia tăng kho dự trữ urani được làm giàu ở mức thấp, trong khi tìm cách duy trì càng nhiều sự đồng tình quốc tế - đặc biệt là từ Nga và Trung Quốc – thì càng tốt. Và điều này, đến lượt nó, sẽ dẫn đến những triển vọng mới xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Israel hoặc Mỹ.

Có một chiến lược mới tốt hơn, mặc dù hầu như không hi vọng Mỹ sẽ theo đuổi nó. Đó là Washington nên quay lại với JCPOA. Không phải vì thỏa thuận này là hoàn hảo hay Iran là một bên tham gia tốt ở Trung Đông. Thay vào đó, Mỹ phải làm như vậy bởi JCPOA vẫn là nền tảng duy nhất khả thi, để dựa vào đó xây dựng một phản ứng quốc tế thực sự hiệu quả với thách thức Iran gây ra.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/iran-tin-tuong-chau-au-co-the-cuu-van-jcpoa-521329/