Iran thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ ở Iraq

Sau 6 tháng căng thẳng leo thang, các lực lượng ủy nhiệm của Tehran đã vượt qua ranh giới đỏ của Mỹ: Một công dân Mỹ đã thiệt mạng hồi tuần trước tại một căn cứ ở phía Bắc Iraq, nơi bị nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah được Iran hậu thuẫn tấn công bằng rocket. Để đáp trả, Mỹ đã thực hiện một vụ không kích đồng thời ở cả Iraq và Syria nhằm vào nhóm này. Vụ tấn công cũng đánh dấu lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng sức mạnh quân sự để đáp trả Iran, kể từ khi Tehran lựa chọn thực hiện những động thái mang tính đối đầu hơn nữa hồi tháng 5-2019. Tuy nhiên, liệu đây có phải là lần cuối cùng?

Ngay lập tức, các lực lượng thân Iran đã đáp trả. Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đã trở thành mục tiêu của những người biểu tình giận dữ, một vài người trong số này đã xâm nhập được vào một phần của Đại sứ quán Mỹ. Ngoài ra cũng có những thông tin chưa được xác nhận về các cuộc tấn công nhằm vào một căn cứ khác có sự hiện diện của các lực lượng Mỹ và đồng minh ở gần Baghdad.

Tất cả những điều này, cùng với các vụ tấn công và các vụ biểu tình nhằm vào Đại sứ quán Mỹ, có thể coi là một động thái đáp trả của các nhóm do Iran hậu thuẫn nhằm chống lại việc Washington sử dụng sức mạnh cứng. Cho tới tận cuối tuần trước, Mỹ vẫn đang "thích nghi" với sự leo thang của Iran và đáp trả bằng một loạt biện pháp trừng phạt, tấn công mạng và triển khai quân sự - được biết đến là chiến dịch "sức ép tối đa".

Vụ không kích của Mỹ nhằm vào nhóm dân quân thân Iran ở Syria. Ảnh tư liệu

Vụ không kích của Mỹ nhằm vào nhóm dân quân thân Iran ở Syria. Ảnh tư liệu

Để các cuộc tấn công của Washington tạo ra hiệu ứng ngăn chặn thì Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm và các đối tác của họ - vốn cấu thành nên "Trục kháng chiến" - cần hiểu rằng, sự thể hiện sức mạnh của Mỹ là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của nước này chứ không phải là hành động chỉ xảy ra một lần, báo hiệu sự yếu đuối của Mỹ và từ đó tăng cường tấn công.

Theo báo mạng The Hill, để làm được như vậy, Washington không nên né tránh sử dụng tất cả những thành phần làm lên sức mạnh quốc gia. Bằng cách tiếp tục "để dành" sức mạnh cứng tới khi một người Mỹ mất mạng, chính quyền Trump có thể đã vô tình phát đi tín hiệu rằng những hành động của Iran - chừng nào chúng không đe dọa tới người Mỹ - sẽ được đối xử như một ưu tiên "chính sách hạng hai". Một động thái như vậy sẽ làm giảm bớt giá trị thông điệp của chính quyền Mỹ về những ý định bảo vệ an ninh, lợi ích và các đồng minh, khi đối mặt với những động thái ngày càng hung hăng do Iran đứng đằng sau.

Mặc dù có những lý do học thuật giải thích tại sao Washington có thể đã muốn "quảng cáo" về thành tích "kiên nhẫn" gần đây của mình trước những động thái hung hăng được Iran hậu thuẫn, song những dữ liệu trong nửa năm qua rất đáng được xem xét. Chỉ trong vòng 6 tháng, Tehran đi từ tấn công các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz tới phóng các tên lửa nhằm vào một cơ sở dầu mỏ được cho là quan trọng nhất trên hành tinh. Chẳng có động thái trả đũa nào nhằm vào tài sản hay lợi ích của Iran ở bên ngoài lãnh thổ nước này, thậm chí là gián tiếp. Và do đó, Tehran cũng không việc gì phải tìm "đường phụ".

Trên thực tế, động cơ đằng sau việc leo thang căng thẳng của Iran rất rõ ràng. Cách tiếp cận nói chung của chính quyền Trump đang có hiệu quả và Tehran đang cố tạo ra một sự thay đổi trong chính sách. Cơ chế trừng phạt áp dụng đối với Tehran sau khi Washington rời khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 đúng là đang "bóp nghẹt" thu nhập của Iran.

Việc Mỹ liệt kê thêm các tổ chức và cá nhân của Iran vào danh sách khủng bố và những hành động cưỡng chế thực thi đã tạo ra ảnh hưởng phức hợp cho những biện pháp trừng phạt này. Nhưng giống như khi chặn họng một đối thủ trong một cuộc đấu - và không nghi ngờ gì rằng đây đúng là một cuộc đấu, thì càng bị bóp nghẹt, đối thủ càng giãy giụa táo tợn hơn (trong bối cảnh này là leo thang tấn công trong khu vực). The Hill cho rằng Washington nên có một kế hoạch khẩn cấp để đáp trả sự leo thang này, cũng như ngăn chặn những động thái đói phó của Iran dựa trên thành công của những chính sách của Washington. Những vụ không kích gần đây đã bắt đầu đi đúng hướng.

Chỉ tính riêng từ tháng 10-2019, đã có 11 vụ tấn công bằng rocket và súng cối do các nhóm dân quân theo dòng Shiite ở Iraq được Iran hậu thuẫn tấn công các cơ sở của Mỹ và Iraq. Gây sức ép với Washington thông qua các vụ tấn công này là một phần trong mục tiêu của Iran nhằm đuổi binh lính Mỹ ra khỏi Iraq, điều mà Iran đang dựa vào một số nghị sĩ Iraq thân Iran và có quan hệ với các nhóm dân quân này thực hiện.

Những người được hưởng lợi lớn từ chính sách này sẽ là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và đơn vị có đặc quyền của lực lượng này là lực lượng đặc nhiệm Quds (IRGC-QF). Nhờ vào những lực lượng này, Iraq hiện là nơi chứa kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày càng "phình to" của Iran, cũng như là nơi chỉ huy của IRGC-QF thường xuyên lui tới trong những giai đoạn hình thành chính phủ. IRGC-QF đã, đang và sẽ là điểm mấu chốt trong liên lạc với các nhóm dân quân người Shiite như Kata’ib Hezbollah.

Không ngạc nhiên khi bên cạnh sự lên án chiếu lệ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran về cuộc không kích của Mỹ, bản thân IRGC đã ra một tuyên bố báo chí chính thức chỉ trích Mỹ vì cuộc tấn công này và ca ngợi các nhóm dân quân người Shiite ở Iraq. Sau tất cả, các nhóm này là những "con tốt thí" trong cuộc cạnh tranh chiến lược chống lại Washington và là điểm nổi bật trong những thiết kế khu vực của Tehran. Không có các nhóm dân quân này, Tehran sẽ phải đối đầu trực tiếp với Washington, điều mà Tehran từ lâu đã tìm cách tránh.

Cho dù năm 2020 có mang lại điều gì cho Mỹ và Iran thì ít nhất hiện nay, Tehran và một trong những lực lượng ủy nhiệm then chốt của họ đã phải trả giá. Rõ ràng, Iran đang thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Trump và bất kỳ sự kiên nhẫn nào cũng đều có giới hạn!

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/iran-thu-thach-su-kien-nhan-cua-tong-thong-my-o-iraq-175832.html