Iran thoát miệng hố chiến tranh với Israel thế nào?

Trung Đông nhiều lần đứng trước bờ vực chiến tranh khi giới lãnh đạo Israel đã không ngần ngại tuyên bố có kế hoạch không kích cơ sở hạt nhân Iran.

Miệng hố chiến tranh

Theo hãng tin Reuters, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết, chỉ trong vòng mấy năm gần đây, giới lãnh đạo chính trị của nước này đã ít nhất 3 lần hối thúc giới quân sự tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran.

Rất may là nguy cơ chiến tranh lớn ở Trung Đông đã bị dập tắt khi cuối cùng giới chức quân sự nước này đã thuyết phục được giới lãnh đạo chính trị từ bỏ ý định này. Ngoài ra, kế hoạch không kích bất thành cũng do Tel Aviv quan ngại sẽ gây ra những căng thẳng với Mỹ.

Kho tên lửa đạn đạo Iran trong lòng đất.

Trong cuộc phỏng vấn do Kênh 2 của Israel vừa qua, cựu Bộ trưởng Ehud Barak tiết lộ, ông và Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng mong muốn tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran vào các năm 2010, 2011 và 2012.

Cụ thể, năm 2010, giới lãnh đạo Israel muốn tấn công nhưng quân đội khi đó cho rằng họ chưa có đủ "năng lực hành động". Năm 2011, trong một diễn đàn an ninh cấp cao thảo luận về một cuộc tấn công, có 2 bộ trưởng đã thay đổi suy nghĩ và quyết định không tấn công Iran. Sau đó vào năm 2012, Israel cũng đã có ý định tương tự.

Tel Aviv từng nhiều lần tuyên bố có thể tấn công Tehran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khoảng cách từ 2000-3000km của các mục tiêu nằm rải rác trên lãnh thổ Iran là một khó khăn lớn khi Israel không có các tên lửa hành trình tầm xa như Tomahawk của Mỹ.

Trong cả 3 lần bàn bạc tấn công này, Israel đều có ý định sử dụng đòn tập kích đường không, bởi khi đó họ không đủ năng lực tấn công bằng tên lửa tầm xa tới khoảng cách gần 3000km với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung Jericho-1 và Jericho-2, có tầm bắn lần lượt là 500 và 1500km.

Đòn đáp trả

Cùng với những lần Israel công khai ý định tấn công cơ sở hạt nhân của Iran là những lần Tehran tuyên bố có đủ sức mạnh để đáp trả mọi đòn đánh và biến Tel Aviv thành tro bụi. Vậy Iran dựa vào đâu để đưa ra tuyên bố cứng rắn này?

Anthony Cordesman, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, dù hiện tại Tehran chưa đạt đến trình độ phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhưng công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Iran trong những năm gần đây đã tiến bộ rất nhanh.

Giai đoạn đầu, Iran cũng chế tạo tên lửa theo nền tảng công nghệ của dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhiên liệu lỏng Scud của Liên Xô, thông qua con đường mua lại các phiên bản cũ của Lybia và phiên bản nội hóa của Triều Tiên, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tiếp theo, Tehran đã nỗ lực nâng cao trình độ công nghệ với việc cải tiến tên lửa nhiên liệu lỏng thành nhiên liệu rắn. Đến năm 2005, Iran đã thành công với tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3, có tầm phóng vào khoảng 2000km, có khả năng tấn công vào lãnh thổ Israel.

Ngoài ra, Iran cũng đã tự nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung QADR1 có tầm hoạt động 1.800-2000 km. Loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn này đã được trưng bày lần đầu tiên vào “Ngày quân đội quốc gia” năm 2008.

Iran cũng đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm hạm có uy lực cực lớn, đặt tên là Khalije Fars (Persian Gulf), chế tạo trên cơ sở của tên lửa Conqueror-110. Theo các phương tiện truyền thông của Iran, tên lửa này có tốc độ siêu âm, đầu đạn 650kg và tầm phóng 1200-1500km.

Cũng trong giai đoạn này, Iran đã tìm cách phát triển các hệ thống chở-phóng tên lửa cơ động. Vào cuối những năm 1990, Iran đã có khoảng 100 bệ phóng di dộng dựa trên các xe di động của Liên Xô và Đức. Sau đó, nước này đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc cho các tên lửa lớn hơn, tầm phóng xa hơn.

Iran cũng đẩy mạnh phát triển tên lửa hành trình với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Triều Tiên, sau đó tự thiết kế, chế tạo. Hiện tên lửa hành trình chống tàu của nước này đã đạt được những kết quả khả quan, ví dụ như tên lửa Raad có tầm bắn 400km, khả năng diệt được cả tàu sân bay với đầu đạn 500kg.

Nước này cũng đã mua từ Ukraine các tên lửa hành trình đối đất, phiên bản phóng từ máy bay ném bom của Liên Xô là Kh-55, với tầm phóng lên tới 2500km. Sau đó, Tehran đã mổ xẻ nghiên cứu và phát triển các biến thể tên lửa hành trình đất đối đất.

Đến năm 2013, Tehran đã làm chủ công nghệ tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa khi tuyên bố đã phát triển thành công tên lửa Sejil và Ghadr có tầm bắn 2.000km, khiến Israel và các căn cứ Mỹ ở Vùng Vịnh đã nằm trọn trong tầm ngắm của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Iran.

Giai đoạn thứ 3 trong kế hoạch phát triển tên lửa của Iran là chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tuy hiện nay, các tên lửa đạn đạo Iran với chỉ vươn tới tầm trung (giới hạn ở tầm phóng 4000km) nhưng trong tương lai không xa, Iran có đầy đủ khả năng phát triển thành công ICBM.

Với những bước tiến vượt bậc trong chế tạo tên lửa của Iran, chuyên gia Anthony Cordesman cho rằng, Tehran không hề nói chơi về năng lực tấn công của mình và Nhà nước Do Thái không thể xem thường tuyên bố này.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/iran-thoat-mieng-ho-chien-tranh-voi-israel-the-nao-3357583/