Iran tấn công Mỹ: Trump phải 'cài số lùi' sau 2 thông điệp lớn của Tehran

Mỹ có thể gây ra sự tàn phá không thể tưởng tượng được đối với Iran, nhưng việc phải trả giá đắt khiến ông Trump phải 'cài số lùi'.

Tên lửa đạn đạo của Iran tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq rạng sáng ngày 8/1/2020.

Tên lửa đạn đạo của Iran tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq rạng sáng ngày 8/1/2020.

Hơn 20 quả tên lửa được phóng thẳng vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq với danh nghĩa trả thù Mỹ vì nước này đã tiến hành vụ ám sát tướng Qassem Suleimani, được xem là hành động gửi tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng trong khi tình hình bạo lực hiện tại có thể đã kết thúc, nhưng Iran sẵn sàng đáp trả mọi hành động khiêu khích của Mỹ trong tương lai. Ngoài ra, Iran còn muốn cho Mỹ thấy một số thông điệp khác.

Tehran muốn duy trì hòa bình

Sức mạnh tên lửa của Iran.

Tối 7/1/2020, Iran đã chôn cất thi thể của tướng Qassem Soleimani, sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Rạng sáng ngày kế tiếp (8/1), việc trả thù cho tư lệnh đặc nhiệm Qassem Soleimani đã được hoàn thành, các đồng chí của ông Soleimani trong IRGC đã hành động theo lệnh của Lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei, khi phóng hơn chục quả tên lửa đạn đạo sang lãnh thổ Iraq, nhằm vào hai căn cứ không quân của Hoa Kỳ.

Vài giờ sau khi thông báo về các cuộc tấn công của Iran được phát đi khắp hành tinh, thế giới đã nín thở, chờ đợi kết quả. Ngay sau khi các tên lửa được phóng đi, Iran đã tuyên bố mong muốn giải quyết ngoại giao đối với khủng hoảng thông qua dòng trạng trái của Bộ trưởng Ngoại giao, ông Javad Zarif trên Twitter.

Ông Javad Zarif khi đó đã mô tả các cuộc tấn công là các biện pháp tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nhà ngoại giao Iran lưu ý rằng Iran không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ sự xâm lược nào.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng lại một lần nữa được Iran đẩy sang phía Mỹ. Chiến tranh không phải là "đường một chiều" và kẻ thù của Iran, siêu cường quân sự Mỹ dường như lại được tham gia một "cuộc bỏ phiếu", phải cân nhắc nghiêm túc thiện chí của Iran.

Lính Mỹ ở Iraq.

Khi phát động cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq, Iran dường như đã hết cách để báo hiệu rằng họ coi vấn đề trả thù cho vụ ám sát Soleimani đã kết thúc sau các đòn hỏa lực vô hại với tính mạng và tài sản của người Mỹ.

Đầu tiên và quan trọng nhất, Iran đã truyền đạt ý định tấn công các mục tiêu của Mỹ ở Iraq trực tiếp tới Thủ tướng Iraq hai giờ trước khi các tên lửa được phóng đi; Iraq sau đó đã chia sẻ thông tin này với các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, những người có thể đảm bảo tất cả quân đội Hoa Kỳ đang ở trong những nơi trú ẩn an toàn hoặc dời đi nơi khác tại thời điểm xảy ra vụ tấn công.

Iran cũng đã thông báo cho một số nước đồng minh của Mỹ đang đóng quân cùng căn cứ ở Iraq. Điều đó rõ ràng là tín hiệu rất thiện chí của Iran trước khi họ thực hiện hành động quân sự có vẻ bề ngoài rất cứng rắn - tấn công trực diện.

Phô diễn công nghệ tên lửa mới

Iran khai hỏa tên lửa Qaim 1.

Nhưng, theo giới chuyên gia quân sự, điều quan trọng nhất của hành động tấn công của Iran là cách các tên lửa của Tehran nhắm bắn mục tiêu. Trong nhiều năm nay, Iran đã có những bước tiến đáng kể về độ tin cậy, tầm bắn và độ chính xác của lực lượng tên lửa đạn đạo.

Đã qua rồi cái thời mà kho vũ khí của Iran chỉ bao gồm các tên lửa SCUD thời Liên Xô đã lỗi thời. Cuộc tấn nhằm vào các căn cứ Mỹ lần này là sự kết hợp của các tên lửa được sản xuất với công nghệ tiên tiến hơn gồm Qaim 1 và Fahad-110.

Các tên lửa Qaim 1 và Fahad-110 sở hữu công nghệ dẫn đường, kiểm soát tiên tiến và khả năng tấn công chính xác. Iran đã sử dụng những vũ khí này trước đây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.

Nhưng đây là lần đầu tiên những vũ khí này được sử dụng để chống lại Mỹ. Từ quan điểm của Hoa Kỳ, kết quả rất đáng để các chỉ huy quân sự Mỹ lưu tâm và cảnh giác.

Hai đợt tấn công tên lửa của Iran đều không gây ra thương vong cho lính Mỹ, Iraq và lực lượng liên quân. Tuy nhiên, việc không gây sát thương thực sự cũng chính là cách Teheran chứng minh khả năng bắn chính xác của tên lửa đạn đạo do họ chế tạo.

Hình ảnh vệ tinh thương mại chụp căn cứ không quân Al Asad của Mỹ ở Iraq sau vụ tấn công cho thấy tên lửa Iran đã bắn vào các tòa nhà chứa thiết bị với độ chính xác mà trước đây chỉ có thể nghĩ là có ở các loại vũ khí của các cường quốc như Mỹ, NATO, Nga và Trung Quốc, Nga chế tạo.

Căn cứ Mỹ bị quân đội Iran tấn công nhưng thiệt hại nhỏ do Tehran chủ ý không giết hại lính Mỹ và phá hủy tài sản có giá trị của Washington.

Ở đợt tấn công thứ nhất, Iran đã bắn 17 tên lửa vào Al Asad và 5 trong số 17 quả này trúng mục tiêu (có hai tên lửa không phát nổ).

Lần thứ hai, Iran bắn thêm 5 tên lửa vào gần lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Erbil. Các chỉ huy trên bộ của Mỹ nói rằng có vẻ như Iran đã cố tình tránh đánh trúng vào lãnh sự quán, nhưng khi làm như vậy đã gửi một tín hiệu rõ ràng là nếu họ muốn, lãnh sự quán sẽ bị hủy diệt.

Trump đã phải "cài số lùi"

Đây là một trong những lý do mà Tổng thống Donald Trump phải đấu tranh tư tưởng với các cố vấn an ninh cấp cao khi bàn bạc các biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến tình trạng thù địch với Iran.

Ông Donald Trump trước đó đã rất mạnh miệng hứa sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Iran tấn công bất kỳ nhân viên hoặc cơ sở nào của Mỹ.

Bị "bao vây" bởi các cảnh báo từ đội ngũ trợ lý an ninh quốc gia của mình, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump phải rút lui khỏi mối đe dọa đó vì biết rõ rằng nếu ông phát lệnh tấn công Iran, Tehran có thể kích hoạt tấn công dữ dội nhằm trực diện vào Mỹ và các đồng minh khu vực, bao gồm Israel, Ả Rập Saudi và UAE .

Hoa Kỳ có thể gây ra sự tàn phá không thể tưởng tượng được đối với Iran, nhưng việc phải trả giá đắt sẽ không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, những lời hùng biện của Trump sau đợt tấn công của Iran là rất tích cực. Dù vậy, thông điệp của ông Trump cũng cho thấy rõ rằng Hoa Kỳ vẫn coi Iran là một quốc gia bất hảo, theo đuổi công nghệ hạt nhân, tên lửa đạn đạo và muốn thống trị khu vực và Mỹ sẽ vẫn chống lại, nếu cần.

Nhưng, hai đợt tấn công bằng tên lửa mới nhất của Iran đã dẫn đến thực tế mới rằng, khi nói đến hành động của Iran ở Vịnh Ba Tư, các cuộc hùng biện của Tổng thống Mỹ không còn gây được nhiều ảnh hưởng như trước đây.

Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Ông Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao Iran, tuyên bố rằng Iran đã "tát vào mặt Mỹ" khi đối mặt với vụ ám sát tướng Soleimani.

Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng các chính sách mà tướng Soleimani theo đuổi hướng đến mục tiêu đuổi Mỹ khỏi khu vực Vùng Vịnh và điều này đang trở thành hiện thực khi ông nhắc đến cuộc bỏ phiếu gần đây của quốc hội Iraq trong đó yêu cầu trục xuất tất cả quân đội nước ngoài, bao gồm cả những người Mỹ, khỏi đất của họ.

Hòa Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/iran-tan-cong-my-trump-phai-cai-so-lui-sau-2-thong-diep-lon-cua-tehran-d448480.html