Iran siết chặt tay Iraq: Mỹ tính lại Trung Đông mới

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lần đầu tiên tới thăm Tehran, đánh dấu bước phát triển của hai quốc gia.

Ngày 6/4, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi có chuyến thăm hai ngày và có buổi làm việc với Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani.

Sau cuộc họp, Tổng thống Rouhani khẳng định Tehran sẵn sàng tăng cường hợp tác với Iraq, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, bất chấp các khó khăn từ Mỹ khi áp đặt lệnh trừng phạt vào quốc gia này.

Iran sẽ tiếp tục xuất khẩu điện, khí đốt và dầu mỏ san Iraq, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu giữa hai quốc gia láng giềng.

Iraq phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung khí đốt từ nước láng giềng Iran với khoảng 42 triệu m3 khí/ngày, được vận chuyển qua các đường ống dẫn tới phía Nam và phía Đông.

Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, Iran còn là nhà cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ hai của Iraq.

Tổng thống Rouhani cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực cùng Iraq nâng tổng kim ngạch thương mại lên 20 tỉ thay vì 12 tỷ USD như hiện nay.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Iraq khẳng định nỗ lực xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố Khorramshahr của Iran và Basra của Iraq và sẽ sớm triển khai trong vài tháng tới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi

Trước đó, hồi đầu tháng 3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã có chuyến thăm đến Iraq, tại buổi làm việc này, hai bên đã ký kết nhiều bản hợp đồng hợp tác nhằm đảm bảo gia tăng phát triển kinh tế giữa hai quốc gia.

Ngoài ra đã có những đột phá về thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước.

Giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước Iran - Iraq đã có những bước chuyển mình rất tích cực và mạnh mẽ. Cả hai bên đã ký kết với nhau hàng loạt bản ghi nhớ và thông qua nhiều dự án, trong đó phải kể đến kế hoạch phát triển các thành phố công nghiệp chung, dự án tuyến đường thủy chiến lược Shatt Al-Arab và hàng loạt kế hoạch dài hơi khác với tầm nhìn 25 năm.

Với sự hợp tác này, chắc chắc mối quan hệ mới Iran – Iraq sẽ tác động mạnh mẽ tới nhiều vấn đề của khu vực và quốc tế như cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng ở Lebanon, vấn đề người Kurd, cuộc chiến chống khủng bố, quan hệ với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đáng chú ý, việc gia tăng hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng này đã gửi tới Mỹ nhiều thông điệp. Thứ nhất, Iraq đã nghiêng về phía Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc chính phủ Iraq từng nhiều lần bố họ theo đuổi chính sách cân bằng và không muốn bị cuốn vào một tình huống cụ thể.

Thứ hai, sự phối hợp kinh tế giữa Iran và Iraq sẽ góp phần đặt dấu chấm hết cho tham vọng cô lập Iran từ Washington. Thông qua cửa ngõ biên giới dài 1.400km của Iraq, hàng hóa Iran có thể dễ dàng đi tới bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Ngoài ra, giảm tải được sức ép về trừng phạt kinh tế cũng góp phần đảm bảo nội bộ Iran sẽ bớt căng thẳng và các vấn đề suy thoái tài chính kinh tế sẽ không còn là áp lực quá lớn lên chính phủ cầm quyền.

Thứ ba, Iran khẳng định vai trò ngày càng lớn trong khu vực. Họ đã thành lập được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những quốc gia xung quanh từ Afghanistan, Iraq, Syria, Lebanon, thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này khẳng định các chính sách của Mỹ với khu vực Trung Đông sẽ phải thay đổi để thích ứng với vai trò đang lên và vị thế trung tâm Trung Đông của Iran.

Thứ tư, củng cố mối quan hệ Iran - Iraq có thể ví như “bạch tuộc thêm vòi” với sức mạnh quân sự có thể nhắm vào các đồng minh và căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cũng như khả năng đốt cháy một cuộc chiến ủy nhiệm ở nhiều nước Trung Đông để gây áp lực với Mỹ nhằm đe dọa sự hiện diện của nước này trong khu vực và lợi ích chiến lược của nước này.

Các cường quốc, nhất là Mỹ sẽ phải xem xét lại chính sách đối với cả Iran và Iraq khi hai nước này cùng bắt tay nhau. Kế hoạch Trung Đông mới của Mỹ sẽ buộc phải tính toán lại khi Iraq không còn là quân bài trong tay áo của Washington, còn Iran đã tự chứng tỏ mình không thể bị khuất phục.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iran-siet-chat-tay-iraq-my-tinh-lai-trung-dong-moi-3377748/