Iran phong tỏa eo Hormuz: Con bài 'đồng quy vu tận'

Việc phong tỏa eo biển Hormuz chỉ là biện pháp cuối cùng của Iran để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ.

Phong tỏa eo biển Hormuz: Con bài cuối cùng

Ngày 02/8, Iran đã điều số lượng lớn tàu chiến của lực lượng hải quân vào eo biển Hormuz, huyết mạch vận chuyển từ 20-40% lượng dầu xuất khẩu trên thị trường thế giới, trong một một nỗ lực biểu dương lực lượng thể hiện khả năng đóng cửa eo biển này.

Động thái này là hành động tiếp theo của chính quyền Tehran, sau việc áp dụng chiến lược 'kháng chiến kinh tế thông minh', nhằm phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Hãng thông tấn Nga Sputnik chi nhánh Persian đã đàm đạo với các chuyên gia về các chi tiết trong cách tiếp cận của Tehran.

Chiến lược 'kháng chiến kinh tế thông minh', được Phó Tổng Thống Eshaq Jahangiri công bố hồi tháng trước, nhằm mục đích ngăn chặn hậu quả của cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Iran.

Theo vị quan chức cấp cao này, Tehran đã "rút ra các cơ chế cần thiết" và "lên kế hoạch cho các kịch bản xấu nhất" để chống lại các tác động của các lệnh cấm vận mà Mỹ đưa ra.

Ông Seyed Hossein Naghavi-Hosseini, người phát ngôn của Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại Quốc hội Iran đã khẳng định rằng, một trong những điểm quan trọng nhất trong chiến lược 'kháng chiến kinh tế thông minh' của Tehran sẽ là sự đóng cửa eo biển Hormuz không cho các tàu chở dầu của Mỹ và đồng minh đi qua, nếu xuất khẩu dầu của Iran đang bị đe dọa.

"Iran có thể tiếp cận Vịnh Ba Tư (vịnh Persian - Oersian Gulf), eo biển Hormuz và Vịnh Oman. Sẽ là điều cực kỳ phi logic nếu các nước khác trong khu vực này có thể bán dầu của họ, trong khi Iran thì không thể" - vị chính trị gia nói.

Ông Naghavi-Hosseini nhấn mạnh, chiến lược của Tehran là như sau: Mọi người đều có quyền bán dầu của họ, hoặc không ai được phép xuất khẩu một giọt dầu nào hết. Iran có đủ khả năng phong tỏa eo biển Hormuz và người Mỹ nên biết điều này.

Nhà lập pháp này lưu ý, Iran có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất trên thế giới và là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu, phát triển quan hệ đối tác với các nền kinh tế lớn trên thế giới, từ Đông Nam Á tới Mỹ Latinh; từ Ấn Độ cho đến châu Phi - những đối tác mà Tehran có thể “dễ dàng hợp tác" để hóa giải phần lớn sự đe dọa từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng trước, phó Tổng Thống Jahangiri lưu ý rằng, nước này có một số dự án dầu khí trị giá 200 tỷ USD đã sẵn sàng cho các công ty Iran và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Hai yếu tố của cuộc 'kháng chiến kinh tế thông minh'

Hoshayr Rostami, một nhà kinh tế và phân tích độc lập tại công ty tư vấn tài chính Canada Finapath, nói với Sputnik rằng, vị trí địa lý của Iran là một lợi thế cho phép nó chống lại áp lực của Mỹ.

Iran có đủ lực để phong tỏa eo biển Hormuz

Nhà phân tích này nhấn mạnh rằng, ý tưởng đơn phương của Hoa Kỳ về việc muốn đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống con số không là một cái gì đó rất khó hoàn thành và không thể thực thi được.

Theo quan điểm của Rostami, có hai cách để thực hiện chiến lược 'kháng chiến kinh tế thông minh'.

Thứ nhất: Lãnh đạo của đất nước phải dựa nhiều hơn vào doanh thu phi dầu mỏ, cụ thể là thuế, vì điều này không bị trừng phạt.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng trong năm qua, doanh thu của chính phủ từ thuế đã đứng đầu, vượt qua doanh thu từ doanh số bán dầu. Cùng với dầu mỏ và khí tự nhiên, Iran cũng là nước xuất khẩu chính của nhựa, hóa chất, sắt và thép, trái cây và hạt, phân bón, muối, đồng và nhôm.

Thứ hai: Theo ông, chi phí hiện tại và chi tiêu chính phủ đang ở mức rất cao. Những chi phí này cần phải được tái cấu trúc. Tehran cần phải hợp lý hóa chi tiêu công và trợ giá để điều chỉnh phù hợp với bất kỳ khó khăn nào có thể phát sinh.

Đối với những lời đe dọa của Tổng thống Trump về việc giảm xuất khẩu dầu của Iran "về mức không" Rostami chỉ ra rằng, Iran có thể phản ứng với những mối đe dọa đó bằng cách gây áp lực lên các công ty lớn làm việc với Mỹ.

Trong khi đưa ra tuyên bố như vậy, Trump đang tìm cách gây áp lực tâm lý đối với Iran và tạo ra sự hỗn loạn kinh tế. Đã có những tiền lệ trong quá khứ, chẳng hạn như chương trình đổi dầu lấy thực phẩm ở Iraq, được phê duyệt theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

“Ví dụ như tổng thống nói rằng, nếu chúng ta không thể bán dầu của mình thì các quốc gia khác sẽ đối mặt với khó khăn trong eo biển Hormuz. Đây là điều khó thực hiện về mặt kỹ thuật. Nếu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ làm giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, thì chúng ta phải tận dụng các biện pháp kinh tế để bù đắp cho sự thâm hụt do các biện pháp trừng phạt” - Rostami kết luận.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/iran-phong-toa-eo-hormuz-con-bai-dong-quy-vu-tan-3362987/