Iran, Mỹ 'lần lượt' xuống thang: Dấu hiệu từ ngay trong tấn công tên lửa hay chỉ là 'đòn gió'?

Cả Iran và Mỹ đều đưa ra những dấu hiệu thể hiện mong muốn không muốn có một cuộc chiến tranh lâu dài.

Hôm thứ Tư (8/1), Tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn giảm leo thang căng thẳng với Iran khi đưa ra dấu hiệu rằng sẽ không có thêm cuộc tấn công nào từ Mỹ nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo.

"Iran có vẻ như đang từ bỏ", ông Trump nói trong một bài phát biểu phát trên ti vi. Đây cũng được coi là phản ứng chính thức đầu tiên của ông ngoài một cập nhật Twitter vào tối ngày 7/1 sau khi Iran nã tên lửa vào hai căn cứ của Mỹ tại Iraq.

Tổng thống Trump phát biểu trên truyền hình (ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump phát biểu trên truyền hình (ảnh: Reuters)

Vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, giới chức an ninh Iraq cho hay, hai quả hỏa tiễn đã bắn trúng Khu vực Xanh ở Baghdad, nơi có Đại sứ Mỹ và các cơ quan ngoại giao khác. Không có thương vong được ghi nhận và cũng chưa rõ bên nào đã tấn công.

Người đứng đầu nước Mỹ vẫn sử dụng giọng điệu cứng rắn khi xuất hiện trên truyền hình. Ông khẳng định duy trì các nỗ lực ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và quyết tâm tiếp tục áp dụng trừng phạt lên Tehran, đồng thời nhắc lại nguyên nhân ra lệnh ám sát tướng Iran Qassem Soleimani.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các phát biểu của ông Trump cho thấy viễn cảnh về một giai đoạn "lặng sóng" trước mắt. Nó cũng phù hợp với tuyên bố trước đó của các lãnh đạo Iran về tấn công có giới hạn.

"Ông Trump không muốn chiến tranh không hồi kết", Thượng nghị sỹ Rand Paul viết trên Twitter. "Tôi hy vọng sẽ giảm leo thang và tiến hành ngoại giao".

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo, cho dù hai bên có tỏ ra kiềm chế ra sao, tình huống vẫn có khả năng vượt ra ngoài kiểm soát nhanh chóng.

Về phần mình, Lầu Năm góc từ chối nhận định rằng Iran cố tình tránh tấn công vào nhân lực của Mỹ và Iraq tại hai căn cứ Al Asad và Erbil. "Tôi tin vào những gì mình thấy và từ những gì tôi biết, họ cố ý gây ra thiệt hại cơ cấu – phá hủy xe cộ, thiết bị và máy bay – cũng như giết người", Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quan Mỹ nói.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, hệ thống cảnh báo sớm đã phát hiện ra các tên lửa đạn đạo, giúp Mỹ và các lực lượng liên minh có thời gian tiến hành phòng thủ.

Giữa bối cảnh các kế hoạch của Iran còn chưa rõ ràng, ngày 8/1, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cùng phát đi một bản tin tình báo, trong đó cảnh báo Iran có thể tiến hành tấn công vật lý và tấn công mạng nhằm vào các lợi ích của Mỹ trong tương lai gần.

Nhà Trắng cho hay, ông Trump cũng đã liên lạc với các nhà lãnh đạo thế giới khác như Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel…

Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ sẽ ngay lập tức áp dụng thêm các lệnh trừng phạt kinh tế dành cho Iran, mặc dù không đưa ra chi tiết cụ thể. Giới phân tích và các cựu quan chức đánh giá, Washington có thể sẽ tiến hành giới hạn các kênh thương mại và tài chính còn lại của Tehran và đưa các công ty, ngân hàng, cá nhân giúp Iran "lách" trừng phạt vào danh sách đen.

Tờ Wall Street Journal đăng tải, thậm chí, trước khi ông Trump phát biểu trên truyền hình, tính chất của cuộc tấn công từ Iran được cho là đã thể hiện phần nào sự dịu đi trong căng thẳng giữa hai nước.

Trong một cập nhật trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thông báo, Iran đã thực hiện và hoàn thành các biện pháp tự vệ và "không tìm kiếm leo thang chiến tranh". Và cuối ngày 7/1, ông Trump tweet: "Tất cả đều tốt".

Cũng trong ngày 8/1, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã có bài phát biểu trên truyền hình và tuyên bố, mục tiêu lớn nhất của Iran là khiến các lực lượng Mỹ phải rời khỏi Trung Đông.

"Tối qua, chúng ta đã cho họ một cái tát", ông nói. "Những hành động quân sự như vậy không đủ nếu nói về mặt việc trả đũa. Điều quan trọng là, sự hiện diện của họ [Mỹ] nên kết thúc".

Về phần Iraq, có vẻ như nước này đang rơi vào thế bị kẹt giữa Mỹ và Iran. Một thông cáo từ Baghdad cho hay: "Chính phủ Iraq sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn leo thang và yêu cầu tất cả các bên liên quan kiềm chế". Sau khi Iran tấn công tên lửa, một số tướng lĩnh Iraq nói họ phải trả thù cho thủ lĩnh Abu Mahdi al-Mohandes, người cũng bị thiệt mạng cùng với tướng Iran Soleimani trong không kích tuần trước của Mỹ. "Đáp trả của Iraq sẽ không ít hơn Iran", Qais al-Khazali chỉ huy của lực lượng Asaib Ahl al-Haq tuyên bố.

Theo bà Dina Esfandiary từ Tổ chức tư vấn chính sách Quỹ Thế kỷ ở London, cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào loại "khán giả": đối với Mỹ là để chứng tỏ mong muốn giảm leo thang bằng cách không giết một người Mỹ nào; còn đối với người Iran là thể hiện sự báo thù.

"Tôi không nghĩ dự định của họ là tạo ra thương vong", ông Mohammad Marandi, Giáo sư tại Đại học Tehran phân tích. "Đó chỉ là đòn cảnh báo".

Cho dù như thế nào, tương lai vẫn là điều khó đoán chắc.

"Đối với một cuộc tấn công mang tính biểu tượng, tên lửa đạn đạo là một công cụ quá nguy hiểm", ông Fabian Hinz, Phó Giáo sư Trung tâm Giải giáp vũ khí tại Montery, California cảnh báo. "Nó giống như tấn công tượng trưng bằng một cái búa to vậy".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/iran-my-lan-luot-xuong-thang-dau-hieu-tu-ngay-trong-tan-cong-ten-lua-hay-chi-la-don-gio-20200109100239687.htm