Iran lấn lướt, Mỹ nhanh tay hút dầu Syria

So với Nga, cách tiếp cận của Iran tại Syria dễ nhận thấy hơn nhiều khi thông qua hình thức hỗ trợ quân sự, tài chính, cố vấn và cả tình báo.

Iran lấn lướt Nga?

Iran thời gian gần đây liên tiếp có những động thái tăng cường quan hệ với Syria. Giới phân tích khu vực cho rằng, Iran dường như đang ở thế vượt trội so với Nga tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục nhắm đến nguồn lợi dầu mỏ của Syria.

Hồi đầu tháng 7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng của Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri đã có chuyến thăm tới Damascus và ký một thỏa thuận "toàn diện" với Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayoub. Thỏa thuận được cho là nhằm tăng cường hoạt đồng hợp tác quốc phòng và quân sự giữa Syria và Iran.

Tướng Iran Mohammad Baqeri (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayoub ký thỏa thuận hợp tác ngày 8/7 tại Damascus

Tướng Iran Mohammad Baqeri (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayoub ký thỏa thuận hợp tác ngày 8/7 tại Damascus

Tướng Baqeri nêu rõ thỏa thuận này có điều khoản Iran "sẽ củng cố hệ thống phòng không Syria" và "gia tăng quyết tâm của chúng tôi trong hợp tác đối phó với áp lực của Mỹ". Theo ông, các quốc gia và người dân trong khu vực không chào đón sự hiện diện của Mỹ tại đây. Ngoài ra, ông Baqeri cũng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các vấn đề với Syria thông qua đối thoại.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ayoub nói rằng Mỹ đã "không thể làm cho Iran, Syria và mặt trận kháng chiến quỳ gối trước họ".

Tổng thống Syria Bashar al-Assad coi "thỏa thuận này phản ánh quan hệ ở tầm chiến lược giữa Iran và Syria và là kết quả của nhiều năm hợp tác và triển khai các hoạt động chung trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria".

Trong khi đó, nghị sĩ Iran Seyyed Mahmoud Nabavian cho rằng Iran cần ký các thỏa thuận quân sự với các nước trong khu vực nhằm củng cố sức mạnh của Iran và Trục Kháng chiến nhằm đánh bại chính quyền Do Thái, cũng như các kẻ thù của Mặt trận Kháng chiến.

Iran được cho là có nhiều lực lượng can dự ở Syria

Trang Arab News nhận định, nhìn bề ngoài, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nga ở cùng một phe kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng phát hồi tháng 3/2011. Cả hai nước này có chung quan điểm rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là đại diện của nhân dân Syria và đang đấu tranh chống lại các nhóm khủng bố và phiến quân.

So với sự can thiệp của Nga trong cuộc xung đột Syria, cách tiếp cận của Iran dễ nhận thấy hơn nhiều khi thông qua hình thức hỗ trợ về quân sự, tài chính, cố vấn và cả tình báo. Kể từ khi cuộc chiến bùng phát ở Syria, Iran đã chi khoảng 30 tỷ USD (3-4 tỷ USD/năm) giúp Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Về phần Nga, phải đến năm 2015, khi các nhóm phiến quân và lực lượng đối lập đã chiếm đóng một phần đáng kể lãnh thổ Syria và chính quyền Syria dường như bên bờ vực sụp đổ, Nga mới can thiệp, chủ yếu bằng các cuộc không kích.

Trong giai đoạn trước đó, từ năm 2011 đến năm 2015, Moscow sử dụng tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức hay loại chính quyền Syria ra khỏi các cuộc đàm phán quốc tế.

Theo Arab News, xét về khía cạnh chiến lược và địa chính trị, Syria có ý nghĩa quan trọng đối với Tehran hơn là với Moscow. Những lợi ích chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải gắn liền với Damascus vì cảng Tartus của Syria là nơi đặt căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở khu vực này. Ngoài ra, Syria đã mua vũ khí của Nga trong nhiều thập kỷ qua.

Binh sĩ Nga tại Syria

Tuy nhiên, Damascus được coi là đồng minh quan trọng nhất của Iran trong khu vực và sự hỗn loạn ở Syria sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh chủ chốt khác của Iran là phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon và phong trào Hamas của Palestine.

Dù Tehran và Moscow đã xây dựng mối “quan hệ đối tác mạnh mẽ”, nhưng Arab News cho rằng hai bên vẫn cạnh tranh nhau nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Syria. Theo trang mạng này, Iran có vẻ đã giành chiến thắng trong cuộc đua vì họ có cách tiếp cận khác. Moscow hướng tới cách tiếp cận từ trên xuống dưới, vốn tìm cách củng cố chính quyền này để đổi lại những nhượng bộ chiến lược khi tạo điều kiện để Tổng thống Assad tiếp tục duy trì mua vũ khí từ Nga.

Trong khi đó, Iran đã tiếp cận Syria cả từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Cách tiếp cận từ dưới lên được thực hiện bằng cách thâm nhập vào xã hội, hệ thống chính trị và kinh tế của Syria và thành lập các nhóm dân quân và dựng lên những nhân vật phi chính phủ trung thành với Tehran. Từ đó, bất kể ai cầm quyền ở Syria thì Iran vẫn duy trì ảnh hưởng lâu dài của họ ở nước láng giềng này.

Mỹ âm thầm hút dầu Syria

Arab News đã dẫn ra một số ví dụ cho thấy chính sách hiệu quả của Iran đối với Syria. Iran đã ký kết các hợp đồng cung cấp điện, hay có được giấy phép để trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động chính ở Syria. Điều này được đánh giá giúp Tehran giám sát lĩnh vực thông tin liên lạc ở Syria.

Iran đã nhận được hàng nghìn hécta đất từ chính quyền Syria để lập các trang trại hay cơ sở dầu khí. Tehran cũng tăng cường mua thêm bất động sản và đất đai ở Syria.

Iran "vượt mặt" Nga tăng cường phòng không cho Syria?

Giới phân tích khu vực cho rằng Iran đã làm thay đổi nhân khẩu học bằng cách phục hồi dân số ở nhiều khu vực với các gia đình theo dòng Hồi giáo Shi’ite ủng hộ Hezbollah và các nhóm dân quân khác nhằm củng cố ảnh hưởng của họ ở Syria về lâu dài cũng như ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Assad.

Trường Đại học Tổng hợp Azad Hồi giáo của Iran đang mở các phân hiệu mới ở Syria trong khi Tehran đã xây dựng nhiều thánh đường hồi giáo dòng Shi’ite và đầu tư nhằm mở rộng các điện thờ ở khắp nước láng giềng Syria.

Bên cạnh đó, giới phân tích khu vực cho rằng Iran đang “thắng thế” trước Nga khi đã giành được quyền giúp tăng cường hệ thống phòng không của Syria. Thỏa thuận quốc phòng “toàn diện” giữa Iran và Syria hồi tháng trước cũng nhấn mạnh “phải rút tất cả các lực lượng vũ trang nước ngoài đã vào Syria một cách bất hợp pháp”.

Lực lượng vũ trang Nga đến Syria theo lời mời của chính quyền Tổng thống Assad

Đặc biệt, Iran được cho là đã tăng cường liên minh với các lực lượng và nhóm dân quân theo dòng Hồi giáo Shi’ite, trong đó có một số nhóm đã xâm nhập vào Syria từ Iraq, Pakistan, Afghanistan và Lebanon. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Lực lượng Quds - một đơn vị đặc nhiệm trực thuộc IRGC - đã thiết lập căn cứ quân sự thường trực ở ngay phía Nam thủ đô Damascus của Syria và đã kiểm soát một số sân bay ở nước này.

Arab News kết luận, sự can dự của Nga và Iran ở Syria đã tiến triển từ quan hệ đối tác sang cạnh tranh nhằm tranh giành ảnh hưởng và Iran đã ở thế vượt trội hơn.

Trong bối cảnh đó, ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố một công ty dầu mỏ của Mỹ đã ký kết thỏa thuận với lực lượng phiến quân do người Kurd đứng đầu vốn đang kiểm soát các mỏ dầu ở khu vực Đông Bắc nước này. Damascus cho rằng đây là một thỏa thuận phi pháp nhằm "đánh cắp" dầu thô của Syria.

Giữa lúc hỗn loạn, Mỹ tranh thủ hút dầu của Syria

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria không nêu danh tính cụ thể của công ty Mỹ dính líu tới thỏa thuận với nhóm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một liên minh gồm các nhóm vũ trang, với sự hậu thuẫn của Washington, đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ ở miền Bắc và miền Đông Syria từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ: "Damascus cực lực lên án thỏa thuận đã ký giữa SDF và một công ty dầu mỏ của Mỹ nhằm đánh cắp dầu thô của Syria dưới sự bảo trợ và hậu thuẫn của chính quyền Washington. Thỏa thuận này không có hiệu lực và không có cơ sở pháp lý". Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.

Syria sản xuất khoảng 380.000 thùng dầu/ngày trong giai đoạn trước khi xảy ra nội chiến vào năm 2011. Tuy nhiên, Damascus hiện đã mất quyền kiểm soát phần lớn các mỏ dầu ở khu vực phía Đông sông Euphrates thuộc tỉnh Deir al-Zor. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng tiêu cực tới ngành năng lượng của Syria.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iran-lan-luot-my-nhanh-tay-hut-dau-syria-3415608/