Iran không sợ trừng phạt vì Mỹ đang tự làm yếu mình

Iran tuyên bố thẳng không ngán các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bởi thực tế các đồng minh của Washington đang bằng mặt không bằng lòng.

Ngày 4/11, các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran của Mỹ chính thức có hiệu lực.

Ngày 31/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran không lo sợ về các biện pháp trừng phạt này. Ông cho rằng đây chỉ là một chuỗi những hành động bất công đơn phương từ phía Mỹ, và sẽ không một chính phủ nào đồng tình ủng hộ Washington.

Nhà lãnh đạo Iran cũng trấn an người dân về việc đã có nhiều biện pháp chuẩn bị sẵn để giảm thiểu tác động của trừng phạt và đề nghị cả nước Iran cùng kề vai sát cánh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Rouhani dự tính sự khó khăn sẽ kéo dài trong vài tháng tới.

Thực tế, Iran đã vấp phải những khó khăn đáng kể khi lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ô tô, buôn bán vàng và kim loại quý hiếm được áp đặt hồi tháng 7. Ngoài ra, Washington cũng tìm mọi cách để cô lập Tehran.

Tổng thống Iran khẳng định quốc gia này không sợ những đòn trừng phạt từ Mỹ

Những động thái này đã khiến đồng Rial của Iran mất giá đến mức kỷ lục trong nhiều tháng qua so với đồng USD. Ngoài ra, chi phí hàng hóa tăng nhanh dẫn tới bùng phát một số cuộc biểu tình của người dân.

Tuy nhiên, chính quyền Tehran khẳng định sẽ sớm ổn định lại tình hình bởi họ đang nắm trong tay nhiều lá bài tẩy khiến tình hình không thể tệ hơn nữa.

Một trong những lá bài đó phải kể đến quan điểm về trừng phạt của chính người Mỹ.

Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cân nhắc khả năng miễn trừ trừng phạt cho một số quốc gia đồng minh đang mua dầu mỏ của Iran. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết Washington sẵn sàng hợp tác với các nước đang mua dầu của Iran trong việc giảm bớt nhu cầu nhập khẩu và tìm kiếm những nguồn thu khác.

Washington sẽ không vội vàng trừng phạt tất cả các đối tác đang mua dầu của Iran, đồng thời sẽ xem xét việc miễn trừ trừng phạt đáng kể đối với từng quốc gia cụ thể. Tiêu biểu trong "bản danh sách may mắn" này là Hàn Quốc khi quốc gia châu Á này là một trong những khách hàng lớn nhất của Iran.

Dù Washington có nhắn nhủ Mỹ muốn các quốc gia chấm dứt mua dầu của Iran càng nhanh càng tốt để duy trì sức ép tối đa lên Iran. Tuy nhiên, việc có quá nhiều đồng minh đang gắn bó quyền lợi với Tehran khiến cây gậy răn đe của Washington giảm thiểu rất nhiều năng lực.

Hàn Quốc chỉ là một trong những cái tên cần được xem xét. Ấn Độ trước đó hồi cuối tháng 9 khẳng định sẽ tiếp tục mua dầu của Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. New Delhi là khách hàng lớn thứ hai của Iran chỉ sau Trung Quốc. Và tất nhiên, Bắc Kinh vẫn ủng hộ Tehran chống lại các biện pháp trừng phạt của Washington.

Trong khi đó quyết liệt hơn, liên minh châu Âu EU đã chủ động tìm giúp Tehran một số phương pháp để lách trừng phạt. Đại sứ Iran tại Nga Mehdi Sanai cho biết EU đang tiếp tục hành động để phát triển một kế hoạch tài chính và hợp tác kinh tế với Iran. Cơ chế này sẽ được khởi chạy vào tháng 11/2018.

Dù không tiết lộ chi tiết, nhà khoa học chính trị Nga chuyên về Trung Đông và Iran, Nikolai Kozhánov nói với Sputnik rằng, Tehran có thể sẽ bán dầu cho EU bình thường. Tiền được trả bằng đồng euro cho một tổ chức độc lập riêng biệt và Iran sẽ dùng số tiền đó để mua hàng hóa nội bộ thành viên EU.

"Họ có thể tạo nên một trung tâm thanh toán toàn cầu của châu Âu, nơi hàng hóa và dầu của Iran được chuyển đến một quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha. Tiền được trả cho trung tâm thanh toán đó và người Iran có thể sử dụng để mua hàng hóa nhập khẩu từ bất cứ quốc gia châu Âu nào khác, chẳng hạn như Đức" - ông Nikolai Kozhánov nói.

Iran vẫn không giảm sản lượng dầu mỏ của mình

Ông Kozhánov cho rằng, cơ chế này giải quyết cùng lúc 2 vấn đề: Một mặt, nó giúp không phát hành giao dịch bằng đồng USD và các hệ thống tài chính dưới sự kiểm soát của Mỹ có thể không phát hiện được và không ngăn chặn được.

Mặt khác, trong khuôn khổ của một trung tâm thanh toán, cấu trúc khép kín của nó sẽ giúp không bị lộ những thông tin về người mua dầu thô của Iran thực sự là ai và lại một lần nữa, có thể né được lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm vào quốc gia thứ ba bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Có thể thấy rằng, bản thân EU cũng không chắc chắn mình sẽ nằm trong danh sách may mắn mà Washington đưa ra hay sẽ phải chịu tác động từ chính sách trừng phạt diện rộng. Tuy nhiên, những lợi ích mà châu Âu đang gắn bó với Iran đã buộc họ phải hành động.

Chính vì sự không nhất quán hoặc có thể coi là tiêu chuẩn kép trong trừng phạt đang khiến Mỹ mất đi sức mạnh của cây gậy mà họ có trong tay, đổi lại là sự nghi ngờ và đề phòng từ chính những đồng minh của mình.

Như cách mà Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Hossein Salami đã chỉ ra: "Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang bị cô lập và mất đi nhiều đồng minh, trong khi Iran đóng vai trò then chốt trong những diễn biến chính trị ở khu vực cũng như trên thế giới. Iran không thể bị cô lập bằng bất kỳ biện pháp nào."

Tân Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iran-khong-so-trung-phat-vi-my-dang-tu-lam-yeu-minh-3368330/