Iran đang chịu những lệnh trừng phạt nào của Mỹ?

Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào trung tâm của nền kinh tế Iran kể từ khi khôi phục lệnh trừng phạt vào năm 2018, như một phần của chính sách 'áp lực tối đa' để đưa Tehran trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani

Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích ngăn chặn trao đổi thương mại hoặc tài chính giữa Iran với phần còn lại của thế giới. Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tại Vienna, các công ty quốc tế hầu hết đã chọn từ bỏ Iran để đổi lấy thị trường Mỹ.

Dầu mỏ, hóa dầu

Chính quyền Donald Trump muốn đảm bảo rằng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm về 0, một mục tiêu mà Mỹ có thể đạt được trong năm 2019.

Theo Bloomberg, xuất khẩu của Iran đã giảm từ 1,5 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng 10/2018 xuống 750.000 bpd vào tháng 4/2019.

Ngoài dầu thô, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng nhắm vào khí ngưng tụ (condensate) của Iran.

Một lĩnh vực quan trọng khác là hóa dầu. Vào ngày 7/6, Washington trừng phạt Tập đoàn Công nghiệp hóa dầu vịnh Ba Tư (PGPIC).

Cùng với các công ty con, PGPIC chiếm 40% năng lực sản xuất hóa dầu của Iran và 50% xuất khẩu của ngành.

Giao dịch tài chính

Vào tháng 8/2018, Washington đã cấm chính phủ Iran mua đô la, khiến việc tiếp cận đồng tiền của Mỹ rất khó khăn đối với các doanh nghiệp và người dân Iran.

Các lệnh trừng phạt cũng bao gồm cả việc trao đổi giữa các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran hoặc các ngân hàng Iran khác. Các cơ quan này của Iran không còn có thể tiếp cận hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Cụ thể, chính quyền Trump muốn hệ thống ngân hàng quốc tế Swift, mắt xích thiết yếu trong hệ thống tài chính toàn cầu, ngắt kết nối các ngân hàng Iran bị trừng phạt.

Kinh doanh vàng và kim loại quý của Iran cũng bị cấm.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran

Vào tháng 4/2019, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị đưa vào danh sách "các tổ chức khủng bố nước ngoài" của Hoa Kỳ.

Lực lượng Quds của Iran cũng bị đưa vào danh sách đen này. Lực lượng tinh nhuệ này phụ trách các hoạt động đối ngoại, hỗ trợ các lực lượng đồng minh của Iran ở Trung Đông, như quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Hezbollah ở Lebanon và chính quyền Iraq trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Vào tháng 1/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Syria: sư đoàn FHRiyoun, chủ yếu gồm các chiến binh Afghanistan và lữ đoàn Zaynabiyoun, gồm các binh sĩ người Pakistan.

Công nghiệp

Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng nhắm vào các lĩnh vực sắt, thép, nhôm, đồng, than và than chì của Iran.

Ngành ô tô và hàng không thương mại, vốn được hưởng lợi từ sau khi quốc tế dỡ bỏ lệnh trừng phạt vì Iran ký thỏa thuận hạt nhân, cũng nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã từ bỏ các dự án của họ ở Iran.

Đóng tàu và vận tải cũng không tránh khỏi các lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt khác

Hoa Kỳ cấm nhập khẩu thảm hoặc thực phẩm từ Iran.

Vào tháng 3/2019, 14 nhà nghiên cứu năng lượng hạt nhân của Iran đã bị trừng phạt, đây là lời cảnh cáo của Mỹ đối với các nhà khoa học trẻ của Tehran.

Nh.Thạch (Theo AFP)

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/iran-dang-chiu-nhung-lenh-trung-phat-nao-cua-my-540870.html