Iran cực lực phản đối, khẳng định sẽ đáp trả nghị quyết hạt nhân của IAEA

Ngày 19/6, hãng thông tấn ISNA của tuyên bố Iran hoàn toàn bác bỏ nghị quyết Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua liên quan tới chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Rappler

Ảnh minh họa. Nguồn: Rappler

ISNA dẫn lời Đại diện thường trực của Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Kazem Gharib Abadi tuyên bố Tehran sẽ có những biện pháp đáp trả bước đi nói trên của IAEA.

Nhà ngoại giao cấp cao Iran nêu rõ: “Iran hoàn toàn bác bỏ nghị quyết của IAEA và sẽ đáp trả thích hợp… Những người đưa ra quyết định này sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả (của nghị quyết)”.

Ông Kazem Gharib Abadi khẳng định nghị quyết nêu trên được thông qua “dựa trên những cáo buộc vô cớ và bịa đặt… Đây là một động thái tuyệt nhiên mang động cơ chính trị và thiếu xây dựng, dẫn tới một cuộc khủng hoảng không cần thiết trong quan hệ hợp tác giữa Tehran và IAEA”.

Động thái trên diễn ra sau khi cùng ngày Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Tehran cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Iran. Đây là nghị quyết đầu tiên của IAEA liên quan chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này kể từ năm 2012.

Với 25 phiếu thuận, 2 phiếu chống (của Nga và Trung Quốc) cùng 7 phiếu trắng, nghị quyết của IAEA kêu gọi Tehran cho phép IAEA tiếp cận hai cơ sở ở Iran để làm rõ việc liệu có hoạt động hạt nhân không khai báo diễn ra vào đầu những năm 2000 hay không.

Nghị quyết trên được đưa ra trong bối cảnh Iran đã ngăn cản không cho các thanh sát viên của IAEA tiếp cận các cơ sở bị nghi ngờ trong nhiều tháng, sau khi cơ quan này xác định một số nghi vấn liên quan hoạt động hạt nhân.

Trước đó, ngày 18/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố “có thể có một giải pháp thích hợp" đối với đề nghị của IAEA về việc Tehran cho phép tiếp cận 2 địa điểm nói trên. Đây có vẻ như là một dấu hiệu nhượng bộ của Tehran đối với vấn đề này.

Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía.

Sau đó, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Trước đó, Iran hôm 16/6 đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của các nước châu Âu thúc đẩy một nghị quyết tại cuộc họp của IAEA nhằm kêu gọi Tehran cho phép tiếp cận 2 địa điểm mà IAEA nghi liên quan hoạt động hạt nhân tại quốc gia này.

Đại sứ Gharib Abadi cho rằng việc đưa ra nghị quyết nhằm gây sức ép Iran hợp tác với IAEA là một việc làm đáng thất vọng và chắc chắn sẽ phản tác dụng. Đại sứ Gharib Abadi cảnh báo nếu nghị quyết được thông qua, Iran sẽ không còn lựa chọn nào khác các biện pháp đáp trả thích hợp.

Cũng trong ngày 16/6, tại cuộc họp với người đồng cấp Iran Javad Zarif khi ông này đến Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định sẽ ngăn chặn mọi ý định lợi dụng tình hình này để vận động HĐBA LHQ và thúc đẩy một chương trình chống lại Iran.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/iran-cuc-luc-phan-doi-khang-dinh-se-dap-tra-nghi-quyet-hat-nhan-cua-iaea-20200619190408073.htm