Iran có vũ khí khủng mới, sẵn sàng phong tỏa eo Hormuz

Iran đã xây dựng sức mạnh quân sự ở eo biển Hormuz trong nhiều thập kỷ nhằm chống lại sự can thiệp từ các lực lượng hải quân phương Tây.

Mới đây, tại cuộc triển lãm Hải quân, Tư lệnh Hải quân Iran Hossein Khanzadi cho biết, lực lượng này đã bắt đầu sản xuất với số lượng lớn tên lửa hành trình "Jask" có khả năng phóng từ tàu ngầm do Tehran tự nghiên cứu, chế tạo.

Theo ông Khanzadi, tất cả các tàu ngầm của Hải quân Iran sẽ được trang bị vũ khí này và tầm bắn hiện nay của tên lửa cũng sẽ được nâng cấp về căn bản trong tương lai.

Tư lệnh Hải quân Iran cho biết thêm, loại tên lửa hành trình nêu trên, được phát triển như một phần của "Dự án Jask-2", sẽ cho phép Hải quân đánh trúng nhiều mục tiêu ở tầm xa. Ông khẳng định, tên lửa này chắc chắn sẽ tạo sự ngạc nhiên đáng sợ đối với thế lực thù địch.

Tư lệnh Hải quân Iran cũng cho hay, một dự án nữa mang mật danh "Jask-3" cũng đang được triển khai, góp phần cải thiện đáng kể năng lực của tên lửa sẽ được trang bị cho các tàu ngầm.

Tàu hải quân Iran phóng thử tên lửa.

Tàu hải quân Iran phóng thử tên lửa.

Cũng trong ngày 30/11, Iran đã trình làng 5 dự án và thành tựu quân sự khác, bao gồm máy bay không người lái "Pelican" với khả năng hoạt động trên biển, thủy lôi "Sadaf-2", hệ thống định vị "Soren", bom thông minh "Balaban" và tàu huấn luyện "Loqman".

Trong những dự án trên, hệ thống định vị Soren sẽ cho phép các tàu ngầm của Iran có thể theo dõi và thu thập thông tin mà không cần sử dụng công nghệ của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong khi đang hoạt động bí mật dưới nước.

Giới phân tích cho rằng, Tehran đang tập trung mọi nguồn lực, hoàn thiện lực lượng Hải quân để đối phó với phương Tây, qua đó tăng khả năng kiểm soát và phong tỏa tuyến đường biển qua khu vực, mà cụ thể là eo Hormuz.

Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman là thành phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ của Iran. Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar.

Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gọi Hormuz là "yết hầu tồi tệ nhất thế giới", đánh giá nó quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á và kênh đào Suez tại Ai Cập.

Chính vì eo Hormuz có vị trí địa chính trị đặc biệt nên Iran có thể sử dụng eo biển này như một công cụ để đe dọa phương Tây mỗi khi căng thẳng gia tăng (Iran từng dọa sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu bằng cách đóng cửa eo Hormuz).

Trong suốt một thời gian dài, Iran đã xây dựng sức mạnh quân sự ở eo biển Hormuz trong nhiều thập kỷ nhằm chống lại sự can thiệp từ các lực lượng hải quân phương Tây.

Dù không thể so sánh với các đối thủ từ phương Tây, hải quân Iran đã phát triển sức mạnh về kỹ thuật chiến tranh bất đối xứng, cho phép họ ứng phó hiệu quả với những đối thủ vượt trội.

Hồng Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iran-co-vu-khi-khung-moi-san-sang-phong-toa-eo-hormuz-3392470/