Iran 'chơi rắn', Mỹ thẳng thừng cảnh báo

Sau khi Iran vượt qua giới hạn làm giàu uranium đã cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Washington tuyên bố tiếp tục dùng cấm vận gây sức ép với Tehran, trong khi Bắc Kinh lên án Mỹ 'bắt nạt'.

Iran đã bắt đầu nâng mức uranium làm giàu lên trên mức 3,67% từ ngày 8/7, thể hiện quyết tâm hành động như cảnh báo trước đó rằng nước này sẽ giảm bớt các cam kết đã định trong thỏa thuận quốc tế sau khi Mỹ đơn phương rút lui năm 2018.

Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân. (Ảnh: AP)

Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân. (Ảnh: AP)

Trước đó, ngày 1/7, Iran đã vượt qua giới hạn dự trữ uranium, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục giảm bớt tuân thủ thỏa thuận sau mỗi 60 ngày, nếu các bên tham gia ký kết gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga không giúp Tehran tránh được cấm vận mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tái áp đặt.

Ngay sau động thái của Iran, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Washington sẽ tiếp tục dùng các đòn trừng phạt để gây sức ép với nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông cũng khẳng định Tổng thống Trump sẽ "không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".

Phát biểu tại một hội thảo ở Washington, ông Pence tuyên bố: "Để tôi nói cho rõ: Iran đừng nhầm lẫn sự kiên nhẫn của Mỹ với việc thiếu quyết tâm. Chúng ta mong chờ những điều tốt đẹp nhất, nhưng quân đội Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích và công dân của chúng ta trong khu vực".

Phản ứng trước những căng thẳng kể trên, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh cùng ngày 8/7: "Sự thật chứng tỏ sự bắt nạt đơn phương đã trở thành một khối u ngày càng tồi tệ. Áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran".

Nga cũng lên án Mỹ và cam kết sẽ theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để cứu vãn thỏa thuận 2015. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin, nói: "Nga muốn tiếp tục đối thoại và các nỗ lực trên mặt trận ngoại giao. Nga và Tổng thống Putin đã cảnh báo về những hậu quả sẽ xảy đến sau khi một trong các quốc gia quyết định chấm dứt các nghĩa vụ của mình và rút khỏi thỏa thuận".

Ở Tehran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi bày tỏ Tehran đánh giá cao nỗ lực của một số quốc gia trong việc cứu vãn thỏa thuận, nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo "không hy vọng và không tin bất cứ ai cũng như bất kỳ nước nào".

"Nhưng cánh cửa ngoại giao vẫn mở", ông Mousavi khẳng định với các phóng viên và cho biết thêm, Emmanuel Bonne - trợ tá cấp cao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - sẽ tới Tehran trong những ngày sắp tới.

Phát ngôn viên này cũng đưa ra cảnh báo về thời hạn 60 ngày lần 2 mà Iran đặt ra từ ngày 7/7 cho các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận.

"Nếu các nước còn lại trong thỏa thuận, đặc biệt là người châu Âu, không thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình và không làm gì hơn ngoài nói suông, thì bước thứ ba của Iran sẽ khó khăn hơn, kiên định hơn...", Mousavi quả quyết, ý nhắc đến hạn chót ngày 5/9 tới.

Hiện các nước châu Âu không trực tiếp ủng hộ trừng phạt của Mỹ nhưng cũng không thể thúc đẩy các cách thức giúp Iran tránh được cấm vận. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của EU kêu gọi Iran hãy tuân thủ thỏa thuận, và khối này "cực kỳ quan ngại" trước những diễn biến mới nhất.

"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Iran dừng lại và đảo ngược tất cả các hoạt động không phù hợp với các cam kết được đưa ra theo JCPOA", phát ngôn viên của EU Maja Kocijancic phát biểu hôm 8/7.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/iran-choi-ran-my-thang-thung-canh-bao-548553.html