Iran chơi 'canh bạc' mới với phương Tây

Chính phủ Iran vừa thông báo Tehran đã tái khởi động hoạt động sản xuất tại một cơ sở uranium lớn, dù nước này cam kết sẽ vẫn tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân ký với cường quốc thuộc nhóm P51 sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Với động thái này, Iran đang chơi một 'canh bạc' mới với các cường quốc phương Tây.

Khôi phục nhà máy sản xuất uranium

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 27-6, cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết họ đã mở cửa trở lại một nhà máy chuyên chuyển đổi ôxit uranium - hình thành trong quá trình xử lý quặng uranium - thành khí uranium hexafluoride.

Đây là loại khí được đặt bên trong máy ly tâm để làm giàu uranium, vốn được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân hoặc trong việc chế tạo bom nguyên tử. Iran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là phục vụ mục đích hòa bình, dù phương Tây và LHQ chỉ ra rằng hoạt động mà Iran thực hiện trước đó nhiều năm có thể được sử dụng để vũ khí hóa chương trình hạt nhân của họ.

Tuyên bố của cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cũng nêu rõ, “nhà máy sản xuất tại khu phức hợp chuyển đổi uranium (UCF) ở tỉnh Isfahan thực tế đã không hoạt động từ năm 2009 vì thiếu ôxit uranium ở trong nước”.

Các quan chức Iran cũng đã xuất hiện trong video và hình ảnh truyền thông nhà nước tại Isfahan cùng các loại máy ly tâm IR-2M, IR-4 và IR-6 tiên tiến được dán nhãn bằng tiếng Anh.

Theo các chuyên gia chống phổ biến vũ khí của phương Tây, tất cả những mô hình này đều được cho là để làm giàu urani cao gấp 3-5 lần trong một năm so với loại IR-1 mà Iran được phép sử dụng theo quy định của thỏa thuận.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran nhấn mạnh: “Điều quan trọng là việc vận hành lại UCF ở Isfahan… chuẩn bị cho việc thực hiện và chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo tối cao để gia tăng năng lực làm giàu urani".

Được biết, kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, Iran đã mua ôxit uranium từ Nga và Kazakhstan, đồng thời khai thác ở trong nước. Thỏa thuận cho phép Iran thực hiện điều đó, nhưng lại hạn chế việc làm giàu uranium của Tehran tới 3,67% - đủ để sử dụng cho một nhà máy điện hạt nhân nhưng lại ít hơn nhiều so với 90% cần thiết cho một nhà máy vũ khí nguyên tử.

Theo giới phân tích, tuyên bố của Iran về việc khôi phục hoạt động tại nhà máy Isfahan, nơi sản xuất nguyên liệu cần thiết để làm giàu uranium nằm cách thủ đô Tehran khoảng 410 km về phía Nam, được đưa ra là nhằm mục đích gây áp lực với các nước châu Âu và những nước khác để buộc họ phải tìm ra cách phá vỡ các biện pháp trừng mới của Mỹ.

Động thái này của Iran được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều tổ chức quốc tế đang rút khỏi các thỏa thuận đầy hứa hẹn trị giá hàng tỷ USD với Tehran và đồng nội tệ của nước Cộng hòa Hồi giáo đang ở trạng thái “rơi tự do” so với đồng USD.

Điều xảy ra tiếp theo có thể sẽ giống như những gì Iran từng thực hiện trong cuộc đối đầu trước đó với phương Tây liên quan đến chương trình nguyên tử gây tranh cãi của nước này.

Cơ sở hạt nhân Isfahan của Iran. Ảnh tư liệu

Điều gì sắp xảy ra?

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đã tìm cách gây áp lực để những quốc gia khác duy trì thỏa thuận.

Các quan chức Iran, bao gồm cả nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đều tuyên bố sẽ tăng cường khả năng làm giàu uranium của nước Cộng hòa Hồi giáo. Những động thái họ đưa ra không hề vi phạm thỏa thuận hạt nhân, nhưng lại cho phép Iran nhanh chóng đẩy mạnh việc làm giàu uranium nếu văn kiện này bị hủy bỏ.

Thái độ cứng rắn của ông Trump, cũng như việc Mỹ yêu cầu các đồng minh ngừng mua dầu thô của Iran, chỉ càng làm gia tăng khả năng sụp đổ một thỏa thuận hạt nhân rộng lớn hơn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27-6 nói rằng “tham vọng mở rộng chương trình hạt nhân đầy hoang phí của Iran… chỉ góp phần khiến người dân Iran thêm đau khổ.”

Không khó để có thể thấy được phương hướng cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cách Iran xử lý cuộc đối đầu hạt nhân lúc ban đầu của họ với phương Tây.

Năm 2005, Iran thừa nhận chuyển đổi ôxit uranium thành uranium tetrafluoride, một hợp chất rắn kết tinh sau đó sẽ được chuyển thành khí uranium hexafluoride cần thiết cho máy ly tâm. Mặc dù các điều khoản của thỏa thuận với châu Âu lúc bấy giờ cho phép thực hiện việc này, nhưng các cuộc đàm phán với Tehran vẫn lâm vào bế tắc.

Một thời gian ngắn sau đó, Iran đã gỡ bỏ các con dấu của LHQ trên các thiết bị để sản xuất khí uranium hexafluoride, một lần nữa khiến các cuộc đàm phán với phương Tây tiếp tục phải dừng lại. Tuy nhiên, đến tháng 2-2006, Tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran là ông Mahmoud Ahmadinejad đã ra lệnh tiếp tục làm giàu uranium một cách nghiêm túc.

Ông Ahmadinejad tuyên bố rằng “quyết định làm chủ công nghệ hạt nhân và sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Iran là không thể đảo ngược.” Tuyên bố này đã đẩy Iran vào một cuộc xung đột với phương Tây, khiến Iran phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt.

Hiện nay, Iran vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hassan Rouhani, một người tương đối trung thành với chế độ thần quyền của Iran.

Tuy nhiên, ông Rouhani đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng gia tăng từ những người theo quan điểm cứng rắn, trong đó có một số người đã công khai kêu gọi đất nước nên được kiểm soát bởi các quan chức quân sự. Thế nhưng, lãnh đạo tối cao Khamenei mới là người có tiếng nói quyết định cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran.

Tháng 5-2018, ông nhấn mạnh, “khi đối mặt với những đòi hỏi quá mức của phe đối lập, phải thực hiện một động thái can đảm.” Điều này cho thấy nếu trong thời gian tới, phe đối lập vẫn cứng rắn, chính quyền của ông Rouhani sẽ hành động mạnh tay, bởi họ đã được lạnh tụ tinh thần Khamenei “bật đèn xanh”.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/iran-choi-canh-bac-moi-voi-phuong-tay-118055.html