Đại sứ Mỹ ấn tượng với truyền thống hiếu học của Việt Nam khi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink bày tỏ lòng kính trọng với những giáo viên tuyệt vời và truyền thống hiếu học lâu đời của Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 17/11.

Sáng 17/11, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám để thể hiện sự trân trọng với các truyền thống văn hóa Việt Nam và củng cố quan hệ giao lưu nhân dân.

Sáng 17/11, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám để thể hiện sự trân trọng với các truyền thống văn hóa Việt Nam và củng cố quan hệ giao lưu nhân dân.

Cùng đi có Giáo sư, nhà sử học Phạm Quang Minh và Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, những người trực tiếp giới thiệu về ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam cho Đại sứ Daniel J. Kritenbrink.

Ngài Kritenbrink rất hào hứng với chuyến tham quan này bởi Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi kết tinh nét văn hóa đẹp về truyền thống tôn sư trọng đạo ở Việt Nam.

Đại sứ Mỹ chia sẻ, ông muốn thông qua chuyến thăm này bày tỏ lòng kính trọng với những giáo viên tuyệt vời và truyền thống hiếu học lâu đời của Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink cho biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một nơi yêu thích của ông tại Hà Nội. Chuyến thăm này khiến ông rất ấn tượng với vẻ đẹp bình yên và kiến trúc độc đáo mang đậm ý nghĩa lịch sử của ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Đại sứ Mỹ lắng nghe Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo chia sẻ về lịch sử 82 bia đá đề danh Tiến sĩ của các khoa thi từ 1442 đến 1779 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đại sứ Mỹ chăm chú lắng về cuộc đời và những đóng góp của "vạn thế sư biểu" (người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam) Chu Văn An nhân kỷ niệm 650 ngày mất của ông.

Ngài Kritenbrink cũng bày tỏ sự thích thú khi nghe những chia sẻ về hệ thống khoa cử của Việt Nam trong lịch sử, đồng thời cho biết ông cảm thấy được truyền cảm hứng từ các giáo viên, học sinh, sinh viên và truyền thống hiếu học lâu đời của Việt Nam.

Đại sứ Mỹ cũng đã viết dòng chữ "Nhân bất học, bất tri lý" (Nghĩa là, người ta chẳng học, cũng chẳng biết nghĩa lý) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Dòng chữ "Nhân bất học, bất tri lý" của Đại sứ Mỹ.

Đại sứ Kritenbrink dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đại sứ Mỹ cho biết, chuyến thăm này đã giúp ông học hỏi được nhiều điều về thầy Chu Văn An và truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam.

Nhà sử học Phạm Quang Minh đã tặng một chiếc áo phông và những cuốn sách về Việt Nam như những món quà lưu niệm cho Đại sứ Mỹ nhân chuyến thăm đầu tiên của ông tới Văn Miếu.

Ngài Kritenbrink tặng quà lưu niệm cho các sinh viên Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đại sứ Kritenbrink chia sẻ, ông rất ấn tượng với sự thông minh, chăm chỉ, cần cù và tài năng của học sinh, sinh viên Việt Nam. Đại sứ Mỹ đặc biệt gửi lời chúc tới các giáo viên Việt Nam nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trong chuyến thăm ý nghĩa này.

Đại sứ Kritenbrink chụp ảnh với nhà sử học Phạm Quang Minh và cô Đỗ Thị Hương Thảo cùng các sinh viên Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.

Kiều Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dai-su-my-an-tuong-voi-truyen-thong-hieu-hoc-cua-viet-nam-khi-tham-van-mieu-quoc-tu-giam-818101.vov