IPEF tạo sân chơi bình đẳng, thúc đẩy hòa bình

HẠNH NGUYÊN (Theo Fox News, SCMP)

Ngày 23-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhanh chóng cam kết phát triển kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như là sự phản ứng gián tiếp trước IPEF.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 23-5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 23-5. Ảnh: AP

Các quy tắc đi tới mục tiêu của IPEF

13 thành viên ban đầu của IPEF gồm Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Ðộ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này chiếm khoảng 40% tổng GDP của thế giới.

IPEF được chia thành 4 “trụ cột” tập trung vào việc thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và nỗ lực ngăn chặn rửa tiền và tham nhũng. “IPEF nhằm nâng cao khả năng phục hồi, bền vững, bao trùm, tăng trưởng kinh tế, công bằng và đảm bảo khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế của chúng tôi. Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình trong khu vực”, tuyên bố chung của các nước tham gia nhấn mạnh.

Tổng thống Biden cho rằng sự hợp nhất trong khu vực theo khuôn khổ mới IPEF sẽ tạo ra môi trường mà ở đó những quốc gia này có thể tự do quyết định các quy tắc để cho phép xây dựng sân chơi bình đẳng về thương mại và hợp tác kinh tế. IPEF cũng nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong khuôn khổ. Sáng kiến mới giúp nâng cao vai trò của Mỹ trong khu vực 5 năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thành tựu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo ông Biden, IPEF có lợi cho các công nhân và doanh nghiệp Mỹ, thậm chí trao cho những doanh nghiệp nhỏ cơ hội cạnh tranh bởi khuôn khổ mới dự kiến sẽ giảm chi phí vận chuyển và ngăn chặn tình trạng đứt gãy vận chuyển hàng hóa. IPEF ra đời trong bối cảnh Mỹ năm 2020 đã đầu tư gần 970 tỉ USD vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Khu vực này cũng đóng góp hơn 3 triệu việc làm tại Mỹ với 900 tỉ USD được rót ngược lại vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc cam kết duy trì an ninh chuỗi cung ứng

“Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp lớn hơn vào sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững của châu Á - Thái Bình Dương thông qua hành động cụ thể”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói tại phiên họp thường niên của Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 23-5. Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến thăm tới Nhật Bản cùng ngày đã công bố IPEF, khuôn khổ mới nhằm hướng dẫn sự tham gia kinh tế của Mỹ ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Vương không đề cập trực tiếp tới IPEF nhưng cam kết duy trì an ninh chuỗi cung ứng trong khu vực và khẳng định Bắc Kinh quyết tâm thúc đẩy “mạnh mẽ” để phát triển kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ: “Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mức độ cởi mở cao, tăng cường chất lượng xây dựng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đẩy mạnh liên kết và kết nối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như đảm bảo an ninh và ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp trong khu vực”.

Theo ông Vương, Trung Quốc rất sẵn sàng thực hiện các hiệp định thương mại trong khu vực như Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - tiền thân là TPP. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách tham gia Hiệp ước Ðối tác Kinh tế Kỹ thuật số.

Ngoại trừ Mỹ và Ấn Ðộ, 11 quốc gia còn lại trong IPEF cũng đã tham gia vào RCEP - khối thương mại lớn nhất thế giới. Theo ước tính, tổng các nước tham gia RCEP, trong đó có Trung Quốc, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Trong khi đó, 7/13 quốc gia thành viên IPEF cũng góp mặt trong CPTPP.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ipef-tao-san-choi-binh-dang-thuc-day-hoa-binh-a147233.html