IPC mượn danh thành ủy 'phá vốn' nhà nước như thế nào?

Trong 3 vụ dẫn tới việc Công an TPHCM khởi tố bắt Tề Trí Dũng, có 1 vụ liên quan ông Tất Thành Cang. Đó là vụ thẩm định giá sai, bán 9 triệu cổ phiếu gây thiệt hại 153 tỉ đồng.

Công ty lãi lớn, định giá "bèo"

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC đang chiếm tỉ lệ sở hữu vốn tới 44% tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Theo đề án tái cơ cấu, UBND TPHCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn, nhất là trong bối cảnh Sadeco đang có hoạt động lợi nhuận rất cao (năm 2016 lên tới 40%).

Tháng 12.2016, từ đề xuất của một Cty tư nhân, HĐQT Sadeco đã ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược, chọn ngay Cty này làm cổ đông chiến lược.

Ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc

Ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc

Chưa đầy 1 tháng sau, tháng 1.2017, Sadeco ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp - dù HSC không đủ thẩm quyền. Sau đó, HSC xác định giá trị mỗi cổ phần của Sadeco là hơn 36.548 đồng, rất thấp so với thực tế.

3 tháng sau đó, tháng 4.2017, IPC (chiếm 44% vốn tại Sadeco) đã gửi văn bản tới UBND TPHCM đề xuất tăng vốn Sadeco thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

2 tháng sau nữa, ngày 27.6.2017, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo IPC phải căn cứ theo đề án tái cơ cấu đã được UBND TPHCM duyệt để xem xét quyết định phương án, chứ chưa đồng ý.

Tài sản Sadeco được định giá bèo

Tuy nhiên ngay ngày UBND TPHCM ra văn bản trên, Hội đồng cổ đông Sadeco đã thông qua nghị quyết rồi bán 9 triệu cổ phiếu với giá 40.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông chiến lược đã nhắm tới.

Kết luận thanh tra cho thấy việc bán cổ phiếu giá 40.000 đồng/cổ phiếu, nếu chỉ so sánh giá cổ phiếu Exim bán cho cũng cùng cổ đông này (tháng 6.2016 là 57.000 đồng/cổ phiếu, chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu) đã gây thiệt hại cho Sadeco 153 tỉ đồng.

Mượn danh Thành ủy

Bởi bán 9 triệu cổ phiếu trên, tỉ lệ vốn sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% giảm còn 28,8%, tức cổ đông chiến lược tư nhân kia đã chiếm quyền biểu quyết, dù UBND TPHCM duyệt đề án tái cơ cấu khác hoàn toàn.

Để làm điều này, sau khi IPC và Sadeco đã thống nhất chọn cổ đông chiến lược, lên phương án bán 9 triệu cổ phiếu, tháng 5.2017, IPC gửi văn bản số 675 tới UBND TPHCM về việc xin tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu tại Sadeco, đã giương "lá bùa" với nội dung “Văn phòng Thành ủy đã có thông báo số 495 ngày 18.5.2017 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy (lúc bấy giờ là ông Tất Thành Cang, hiện được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh”) về việc chấp thuận để Văn phòng Thành ủy được biểu quyết chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco..”.

Tiếp đến, ngày 16.6.2017, IPC lại có văn bản số 730 gửi UBND TPHCM bổ sung vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn, nhưng cũng không quên đính kèm nội dung: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp nhận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ…”.

Ông Tất Thành Cang

Sự thực, theo kiểm tra, phân tích của Thanh tra TPHCM, việc IPC nêu “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp nhận chủ trương..” là không chính xác, bởi Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (ông Tất Thành Cang-PV). Tức ý kiến cá nhân, không phải tập thể Thành ủy.

Bởi vậy, Thanh tra TPHCM mới nhận định việc giảm tỉ lệ vốn góp tại Sadeco có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông, gây thiệt hại cho Nhà nước. Đây cũng là 1 trong 3 vụ việc xảy ra tại IPC mà Thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang công an làm rõ, cũng là cơ sở để Công an TPHCM khởi tố bắt tạm giam Tề Trí Dũng (Tổng giám đốc IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco).

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/ipc-muon-danh-thanh-uy-pha-von-nha-nuoc-nhu-the-nao-733699.ldo