IPC dính hàng loạt sai phạm, đề nghị cơ quan CSĐT vào cuộc

Ngoài sai phạm trong việc đi công tác nước ngoài, Thanh tra TP.HCM phát hiện hàng loạt sai phạm của IPC. Một số vụ việc được Chủ tịch TP.HCM yêu cầu chuyển sang Cơ quan CSĐT, một số vụ việc phải tiếp tục thanh tra làm rõ.

Qua mặt UBND TP tăng vốn điều lệ

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã qua mặt UBND TP để sắp đặt kịch bản tăng vốn điều lệ tại Công ty thành viên Sadeco, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách.

Khu biệt thự cao cấp Sông Ông Lớn (huyện Bình Chánh) - một trong các dự án do Sadeco làm chủ đầu tư. Ảnh: TL

Khu biệt thự cao cấp Sông Ông Lớn (huyện Bình Chánh) - một trong các dự án do Sadeco làm chủ đầu tư. Ảnh: TL

Tại kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 10.2018), theo đề án tái cơ cấu, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP.HCM) với tỷ lệ sở hữu vốn là 44%, không cần giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.

Vào năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Thế nhưng, trên thực tế IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.

Sau đó, IPC trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC minh chứng bằng văn bản 730/IPC ngày 16.6.2017 rằng: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM đã phản bác vấn đề này khi cho rằng, cụm từ “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (là ông Tất Thành Cang - PV).

Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.

Vào ngày 10.11.2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Đến ngày 29.6.2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp Nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó trưởng ban Kiểm soát Sadeco, biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng.

Cùng ngày, Sadeco ký hợp đồng gửi 360 tỷ đồng vào một ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng. Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra TP, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Có dấu hiệu nhóm lợi ích

Một trong những sai phạm nghiêm trọng mà cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, đó là việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại các công ty thành viên, điển hình là tại HIPC.

Trụ sở IPC tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: TL

IPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010, là doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 5 vào năm 2015 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp, vốn điều lệ của IPC lên đến hơn 2.900 tỷ đồng. IPC có 9 công ty, trong đó có Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC)…

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM, HIPC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó IPC sở hữu hơn 60%, tương đương hơn 182 tỷ đồng. IPC đã chỉ đạo biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tháng 12.2016, làm giảm tỷ lệ sở hữu của IPC từ hơn 60% xuống còn hơn 40%.

Kết luận thanh tra khẳng định: Việc xác định Công ty Tuấn Lộc là cổ đông chiến lược không có cơ sở pháp lý. Giá bán chỉ định cho Công ty Tuấn Lộc thấp hơn giá trị thực tế của doanh nghiệp, có khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước, cổ đông Nhà nước”. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của HIPC, trong quý 1.2016, giá trị vốn chủ sở hữu hơn 616 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu lưu hành là 30 triệu, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 20.540 đồng, đến quý 2.2016, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 17.339 đồng, đến quý 3.2016, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 18.857 đồng…

Kết luận thanh tra cũng khẳng định: “Thời điểm lập báo cáo tài chính, HIPC đã phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, số lượng cổ phiếu tăng từ 30 triệu lên 60 triệu, nhưng giá trị sổ sách mỗi cổ phần vẫn lớn hơn 15.000 đồng, cho thấy việc phát hành cổ phần cho Công ty Tuấn Lộc đã lấy giá trị tài sản của HIPC chia cho Công ty Tuấn Lộc gây thiệt hại cho Nhà nước”.

Quá trình chọn cổ đông chiến lược cũng không được báo cáo đầy đủ minh bạch, xây dựng tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho HIPC, phương án phát hành cổ phần là “không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông nhà nước…”.

Thanh tra TP khẳng định, các sai phạm nêu trên có dấu hiệu nhóm lợi ích, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước... Trong quá trình thanh tra, IPC và HIPC “có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra”.

Lãi cất kho, vay ngân hàng nộp ngân sách

Là doanh nghiệp (DN) nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, theo quy định của luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, lợi nhuận sau thuế còn lại (sau khi trích lập các quỹ theo quy định) IPC phải nộp về ngân sách Nhà nước, không được sử dụng để tăng vốn điều lệ. Nhưng IPC đã làm ngược.

Cụ thể, khoản lợi nhuận sau phân phối các năm trước còn lại tại thời điểm cuối năm 2017 có căn cứ để xác định lên đến hơn 684 tỷ đồng được IPC đem “cất kho”. Khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc và phát hiện, IPC viện lý do “xin giữ lại để tăng vốn điều lệ của công ty”.

Trong khi đó, vào năm 2016 - 2017, IPC có sẵn hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận như trên nhưng lại chủ động ký hợp đồng vay vốn với 4 chi nhánh ngân hàng thương mại. Tổng tiền vay 400 tỷ đồng, lãi suất từ 5,2 - 6,2%, làm phát sinh khoản lãi vay 8.022.891.325 đồng. IPC cho rằng mục đích vay là để “nộp lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước”, và “tạo quan hệ tín dụng lần đầu”.

Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC đã bị Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định tạm đình chỉ công tác để làm rõ các sai phạm. Ảnh: TL.

Với kiểu quản lý tài chính "ngược đời" này, Thanh tra TP khẳng định, IPC vi phạm quy định pháp luật và “yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan bồi hoàn khoản chi phí lãi vay 8.022.891.325 đồng liên quan đến việc vay ngân hàng số tiền 400 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017”.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ipc-dinh-hang-loat-sai-pham-de-nghi-co-quan-csdt-vao-cuoc-961365.html