Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) ngày 21-11 đã bổ nhiệm ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc, làm Chủ tịch của tổ chức này trong nhiệm kỳ kéo dài 2 năm. Đây là động thái giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Nga muốn bổ nhiệm ứng viên của nước này.

Tân Chủ tịch Interpol Kim Jong-yang. Ảnh: BBC

Thông báo bổ nhiệm được đưa ra sau phiên họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ông Kim Jong-yang hiện đảm trách cương vị Quyền Chủ tịch Interpol, sau khi Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, người Trung Quốc, từ chức. Cựu Chủ tịch Interpol, Mạnh Hoành Vĩ, người đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị bắt khi từ Pháp về nước hồi tháng 9. Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra về hành vi “vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước” với cáo buộc nhận hối lộ và các tội khác liên quan đến kinh tế.

Ông Kim Jong-yang được bầu làm Phó Giám đốc đại diện Ủy ban điều hành Interpol tại Châu Á nhiệm kỳ 2015-2018. Ông từng công tác tại công an tỉnh Gyeongnam, công an tỉnh Gyeonggi và Cơ quan kế hoạch và hợp tác ngành công an Hàn Quốc.

“Thả cáo vào chuồng gà”

Ông Kim Jong-yang đã đánh bại đối thủ người Nga, ứng viên Alexander Prokopchuk, một cựu tướng trong Bộ Nội vụ Nga và hiện là Phó Chủ tịch Interpol, người được cho là có ưu thế hơn hẳn.

Tuy nhiên, các nước Phương Tây, trong đó có Mỹ, đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Kim Jong-yang, trong khi phản đối việc bầu chọn ứng viên Alexander Prokopchuk của Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc lựa chọn ông Prokopchuk sẽ chỉ phục vụ cho các lợi ích của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hết lời khen ngợi ông Kim Jong-yang. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, ông Pompeo khẳng định: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia và tổ chức là thành viên của Interpol và tôn trọng quy tắc của luật pháp để chọn ra một nhà lãnh đạo chính trực. Chúng tôi tin tưởng rằng ông Kim Jong-yang đáp ứng được điều này”. Trong khi đó, Văn phòng của Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ để kêu gọi các nước thành viên bỏ phiếu phản đối ứng viên Alexander Prokopchuk.

Hôm 19-11, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư hối thúc chính quyền Tổng thống Donald Trump và các thành viên đại hội đồng Interpol phản đối tư cách ứng viên của ông Prokopchuk. “Việc Interpol bầu Thiếu tướng Alexander Prokopchuk làm chủ tịch mới giống như thả cáo vào chuồng gà. Nga thường xuyên lợi dụng Interpol để trả đũa và làm tổn hại các đối thủ chính trị, người bất đồng chính kiến và nhà báo”, AFP dẫn tuyên bố của các thượng nghị sĩ Mỹ Jeanne Shaheen, Roger Wicker, Chris Coons và Marco Rubio, nói thêm rằng ông Prokopchuk cũng “liên quan tới chiến lược đe dọa này” của Nga. Louis Shelley, chuyên gia nghiên cứu tội phạm xuyên quốc gia, thuộc Đại học George của Mỹ cho rằng việc lựa chọn ứng viên người Nga giữ chức Chủ tịch Interpol là “một thảm họa đối với Interpol bởi Chủ tịch là người thành lập các ủy ban làm việc và có ảnh hưởng đến các chính sách của tổ chức”.

Đáp lại, Điện Kremlin hôm 20-11 cho rằng, hành động của nhóm nghị sĩ Mỹ có thể coi là can thiệp vào công việc của Interpol. “Đây rõ ràng là một hành động can thiệp vào tiến trình bỏ phiếu của một tổ chức quốc tế. Còn từ nào khác để mô tả điều này nữa? Đây là một ví dụ điển hình”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_198550_.aspx