Internet Việt Nam: Khát vọng tuổi 20

Internet chính thức được cung cấp tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thông tin đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lẫn người dân Việt Nam.

Sau 20 năm được cung cấp và phổ cập rộng rãi cho người dùng cả nước, giờ đây Internet đã thực sự trở thành một dịch vụ/tiện ích vô cùng thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối (tìm kiếm, chia sẻ thông tin và hình ảnh, bài viết, video clip…), hiện Internet đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi thứ. Đặc biệt, khi cả thế giới (trong đó có Việt Nam) đang hướng đến một xã hội đa kết nối - Internet of Thing (IoT), không chỉ kết nối giữa con người với nhau mà còn là sự kết nối giữa con người với mọi vật, hoạt động xung quanh.

Sau 20 năm, Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu, thậm chí không thể thiếu đối với hàng triệu người Việt Nam.

Kết nối và... hơn thế nữa

Theo số liệu trên trang Internetworldstats - một website chuyên thống kê lượng người dùng Internet của các quốc gia trên toàn thế giới, tính đến hết ngày 30/6/2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, tương ứng với 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á.

Còn theo Sách trắng Thông tin và Truyền thông 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, tính tới cuối năm 2016, Việt Nam đã có hơn 50 triệu người dùng Internet nói chung và hơn 36 triệu người sử dụng Internet trên di động (tức số thuê bao 3G) nói riêng.

Không dừng ở đó, tính tới thời điểm hiện tại, lượng người dùng 3G trên cả nước vẫn tiếp tục tăng nhanh, hiện đã lên tới gần 42 triệu người. Nếu tính chung về lượng người dùng Internet tại Việt Nam, dự kiến chẳng bao lâu nữa, con số 60, thậm chí 70 triệu người Việt Nam sử dụng Internet là khả thi - tức gần bằng số dân trên cả nước.

Đơn vị: triệu người. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Nhờ hạ tầng mạng băng rộng cả di động lẫn cố định (gồm cáp đồng và cáp quang) đã được phủ sóng khắp cả nước; cùng với đó là giá cước dịch vụ Internet của các doanh nghiệp cung cấp liên tục giảm, và những chính sách khuyến khích của nhà nước, Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo...

Internet giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ/kết nối thông tin của mỗi cá nhân mà đã trở thành nền tảng để kết nối mọi thứ, trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục đến y tế, giao thông… Trong bối cảnh Nhà nước cùng các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang nỗ lực xây dựng mô hình Chính phủ điện tử, thành phố thông minh để phục vụ người dân, thì vai trò của Internet trở nên cực kỳ quan trọng. Đây là nền tảng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân trong các giao dịch công.

Lấy lĩnh vực giáo dục làm ví dụ, hiện hầu hết các trường học đều được trang bị Internet để phục vụ hoạt động dạy và học. Ngoài phát triển các phương thức học trực tuyến song song với phương thức giảng dạy truyền thống, Internet đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục các cấp, giúp kết nối liên lạc giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường trong mọi diễn biến hàng ngày thông qua các ứng dụng CNTT.

Hay như gần đây đã xảy ra “câu chuyện nóng” giữa taxi truyền thống với Uber/Grab. Nếu như cách đây vài năm thôi, chắc chắn không có ai lại nghĩ rằng “taxi có liên quan đến Internet”. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, trong 3 năm qua, các hãng taxi truyền thống của Việt Nam đã bị Grab, Uber cạnh tranh kịch liệt, mất dần thị phần, thậm chí có hãng đã đối mặt nguy cơ phá sản. Đó sẽ không phải là “câu chuyện duy nhất” về “taxi có liên quan đến Internet”, mà còn có thể lặp lại ở rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa

Quãng đường 20 năm Internet vào Việt Nam

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp rộng rãi cho người dân cả nước sau gần một năm chuẩn bị về hạ tầng mạng lưới và xây dựng các quy định, chính sách quản lý. Ban đầu, dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập rất hạn chế, nên sau hơn 5 năm, Việt Nam mới chỉ đạt con số khoảng 3 triệu người sử dụng Internet - tương ứng với khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó.

Còn nhớ khi bắt đầu có Internet, dịch vụ này lúc ấy là Internet gián tiếp, được cung cấp chung trên đôi dây thoại, có tốc độ tối đa là 64 Kbit/s và cũng là tốc độ cao nhất của một đôi dây thoại lúc đó. Người dùng nếu truy cập vào Internet thì không thể thoại và ngược lại. Mỗi lần vào Internet, tín hiệu gọi số “tạch - tạch - tạch….” nghe được từ máy tính y như ta đang bấm vào các phím số trên chiếc điện thoại bàn vậy.

Việc cung cấp dịch vụ Internet khi ấy thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam). Tốc độ truy cập khi ấy rất thấp, thường chỉ đạt vài chục Kbit/s, thậm chí có lúc chỉ vài ba Kbit/s nên chỉ có thể vào các trang Web để xem thông tin, tải về những file văn bản hay gửi đi những văn bản có dung lượng vào khoảng 1-2 trang. Nếu văn bản dài, người gửi có thể phải ngồi chờ 2-3 tiếng mới gửi xong. Thời đó, việc gửi ảnh hoặc xem video qua Internet là hoàn toàn “chịu chết”, vì không ai có thể ngồi chờ cả ngày để gửi một vài bức ảnh hay tải về một video clip ngắn.

Hơn thế nữa, khi vừa có Internet, cả Việt Nam chưa có bất cứ trang Web nào. Ngay như trang tìm kiếm Google nổi tiếng - ngày nay ai cũng biết, cũng ra đời vào tháng 9/1998, tức sau Internet Việt Nam hẳn 1 năm. Còn Facebook - trang mạng xã hội lớn nhất thế giới, tới năm 2004 mới xuất hiện. Thế nên lượng thông tin trên Internet khi ấy vẫn hạn chế.

Vì thế, ở giai đoạn ban đầu này, Internet chủ yếu phục vụ cho giới nghiên cứu, học thuật trong việc tìm tư liệu của các đối tác; còn với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chỉ dùng để phục vụ việc gửi/nhận báo cáo nhanh hàng ngày, hàng tháng theo cơ cấu dọc là chính.

Đến tháng 5/2003, VNPT đã chính thức cung cấp dịch vụ Internet băng rộng ADSL trên cáp đồng, quy mô toàn quốc, với thương hiệu MegaVNN. Cùng thời gian đó, các nhà mạng khác như Viettel và FPT cũng tung ra dịch vụ Internet băng rộng trên cáp đồng - cũng tương đồng về mặt kỹ thuật, với những cái tên khác. Đây được xem là “cú huých” đầu tiên, giúp dịch vụ Internet tại Việt Nam cất cánh bay cao, đánh dấu bước phát triển mới của kỷ nguyên CNTT trong nước.

Với tốc độ kết nối được nâng lên nhiều lần, trong khi giá dịch vụ lại rẻ, dịch vụ băng rộng ADSL đã thu hút và làm gia tăng nhanh chóng lượng người dùng Internet tại Việt Nam. Kết quả là trong vòng 5 năm tiếp theo, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm gần 7 lần, chiếm khoảng 24% tổng dân số cả nước.

Tiếp đó, đến năm 2009, các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu triển khai công nghệ Internet cáp quang mới FTTx và sau đó là FTTH trên diện rộng. Lại một lần nữa, Việt Nam chứng kiến “cú huých thứ 2”. Thị trường Internet Việt Nam bùng nổ với tốc độ truy nhập tăng lên đáng kể trong khi giá cước lại có xu hướng rẻ hơn. Và FTTH đã trở thành “cứu cánh”, đẩy Internet Việt Nam tiếp tục bay cao, bay xa.

Cuối cùng, phải kể đến là “cú huých thứ 3” - Đó chính là sự ra đời của Internet băng rộng di động vào cuối năm 2009. Ngay sau khi chính thức nhận giấy phép 3G của Bộ TT&TT, tháng 12/2009, cả 2 mạng di động của VNPT lúc đó là VinaPhone và MobiFone đã nhanh chóng triển khai dịch vụ 3G tại tất cả các tỉnh, thành phố, đánh dấu sự có mặt chính thức của Internet băng rộng di động tại Việt Nam.

Các nhà mạng khác như Viettel, Hanoi Telecom… cũng không “lỡ nhịp”, cùng “trăm hoa đua nở” với mạng 3G trải khắp cả nước, giúp người dùng Internet tại Việt Nam có thêm lựa chọn: Hoặc truy cập Internet bằng mạng cố định (qua cáp đồng, cáp quang), hoặc bằng điện thoại di động qua dịch vụ 3G. Và sự ra đời của dịch vụ này đã đón đầu xu hướng truy nhập Internet trên các thiết bị cầm tay di động của người dùng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và thực tế đã chứng minh rất rõ điều đó.

Chính nhờ 3 “cú huých” đó, Internet tại Việt Nam đã phát triển một cách vũ bão, nhanh chóng “ghi dấu” trên bản đồ Internet của thế giới. Dù có mặt tại Việt Nam sau rất nhiều quốc gia khác, song dịch vụ Internet tại Việt Nam đang nằm trong Top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất, cả trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới.

Và nhìn về tương lai...

Internet đã hỗ trợ và giúp làm nên những “ông hoàng” công nghệ toàn cầu, như Google, Facebook, Amazone hay Alibaba. Không chỉ có thế, biết bao công ty công nghệ khác cũng nhờ Internet để “bồi, đắp” da thịt, không ngừng lớn lên, như các hãng sản xuất điện thoại, máy tính và phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy, thậm chí còn len lỏi trong các mảng sản xuất vũ khí quân sự, hàng không, vũ trụ… Và các doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài cuộc.

Một ví dụ nhỏ về cách làm ăn mới của người Việt nhờ mạng Internet, đã được các báo đồng loạt đưa tin. Đó là chị Nguyễn Thị Hương Liên (24 tuổi, quê ở TP. Đông Hà, Quảng Trị), là người sáng lập ra tour du lịch tại Huế với cái tên “I Love Hue Tour”, với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 100 USD. Sau đó, chị phát triển tiếp ra các tour ở Hội An, Hà Nội và Sài Gòn với những cái tên tương ứng: “I Love Hoi An Tour”, “I Love Sai Gon Tour” và “I Love Vietnam Tour”, và công ty nhỏ của chị đã góp phần quảng bá cho du lịch Việt.

TS. Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, là một trong những "lão làng" trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.

Chị Liên đã sử dụng Facebook và Messenger để giúp các khách hàng đặt tour và điều hành một nhóm để giữ liên lạc với các khách hàng cũng qua Facebook. “Nữ tướng Facebook” - tỷ phú Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebbok, vừa cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng, đã thực sự ấn tượng về dự án của chị Hương Liên.

Chính COO của Facebook đã mời và có cuộc gặp riêng với chị Liên bên lề sự kiện APEC, để nghe chị Liên trình bày về dự án mở rộng hoạt động của mình ra toàn cầu và bà Sandberg đã hết sức ủng hộ.

Hay như, quyết sách “đình đám”, được toàn dân ủng hộ và hoan nghênh của Chính phủ: Việt Nam sẽ bãi bỏ hộ khẩu trong thời gian tới, cũng phải “nhờ cậy” đến Internet. Bởi để làm được việc này, không thể thiếu hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt là dịch vụ Internet để kết nối xuyên suốt và thông suốt trong toàn bộ mạng quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, trải dài khắp các xã, phường trên phạm vi cả nước Việt Nam.

TS. Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, một trong những "lão làng" trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, đồng thời cũng là người đã chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của đất nước từ khi chưa có Internet cho tới khi nó trở thành một phần không thể thiếu của xã hội.

Khi nhận định về tương lai phát triển Internet tại Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn mới đây, TS. Nguyễn Long cho biết, ông đặt niềm tin lớn rằng chúng ta sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực CNTT, cũng như ứng dụng Internet trong đời sống nhờ nhanh chóng hội nhập với những xu thế mới.

"Giờ đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng xu thế dữ liệu lớn đã và đang mang đến cho Việt Nam rất nhiều làn sóng mới. Chúng tôi nghĩ rằng thế hệ tương lai sẽ được sử dụng Internet tại Việt Nam như là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng các nhà mạng sẽ mang lại chất lượng Internet để đảm bảo cho một nền kinh tế số, một xã hội thông tin hoàn hảo ở Việt Nam", ông Nguyễn Long nói.

Đăng Hưng (theo Khám Phá)

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2017/11/1253070/internet-viet-nam-khat-vong-tuoi-20/