Internet Vạn vật – Từ truyền thông tới hiện thực

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố sách Internet Vạn vật – Từ truyền thông tới hiện thực.

Toàn cảnh cuộc hội thảo Internet Vạn vật – Từ truyền thông tới hiện thực

Tại hội thảo các báo cáo, tham luận đều tập trung làm rõ vấn đề Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực sử dụng Internet of things (Internet Vạn vật hay IoT) nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Tuy vậy, bên cạnh những lợi thế của việc đưa Internet Vạn vật vào cuộc sống cũng đang gặp phải không ít các rào cản điển hình như: Phần lớn việc ứng dụng IoT mới đang ở giai đoạn thí điểm, mô hình phát triển chưa đạt mức để duy trì hoạt động của IoT lâu dài cũng như bối cảnh chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của các công nghệ áp dụng IoT….

Ông Prasanna Lal Das, chủ biên báo cáo “Internet Vạn vật: Nền tảng mới cho quan hệ Chính phủ - doanh nghiệp” cho biết, IoT có tiềm năng rất lớn nhưng đòi hỏi Chính phủ các nước; Chính phủ Việt Nam; Khu vực kinh tế tư nhân và xã hội dân sự phải tiến hành một cách có hệ thống và dựa trên thông tin đầy đủ.

Theo cách suy nghĩ thông thường chúng ta biết IoT sẽ thay đổi nhiều thứ, từ các đầu cảm biến trong thang máy cảnh báo cho các cơ quan Chính phủ biết về các rủi ro đối với sự an toàn của dân chúng tới số liệu lấy từ cặp sách của học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các em, và các xe chở rác thông minh giúp tiết kiệm tiền cho chính quyền các thành phố. Bên cạnh đó, thời gian gần đây giới doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm nhiều tới IoT. Nhiều báo cáo đã nêu ví dụ hàng tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ thiết bị đã được kết nối với nhau, mở ra cơ hội thay đổi mọi hoạt động kinh tế. Do vậy, có thể nói đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách; khu vực kinh tế tư nhân cùng trao đổi, chia sẻ về mức độ hiểu biết về cách thức ứng dụng IoT vào thực tế và tạo nên tác động kinh tế xã hội.

Ông Prasanna Lal Das cho biết thêm, những bài học rút ra tại hội thảo được tổ chức lần này sẽ là kinh nghiệm hết sức quý báu giúp Việt Nam nhanh chóng áp dụng IoT, cũng như bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra như vũ bão trên toàn cầu hiện nay.

Chia sẻ tại hội thảo ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, IoT chính là nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. IoT đã thâm nhập rộng rãi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tại Việt Nam, Chính phủ ta đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để IoT phát triển, tạo động lực bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ mới. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia đang phát triển và chưa được hưởng lợi nhiều từ IoT. Tuy vây, với tiềm năng sẵn có Việt Nam tự tin có thể nhanh chóng bắt nhịp với cuộc cách mạng số. Thực tế, IoT đã được Việt Nam áp dụng và đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ.

Cũng trong khuôn khổ của buổi hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận về tác động của IoT với nền kinh tế, lãnh đạo của cơ quan nhà nước. Các dẫn chứng đã chỉ ra rằng, không chỉ khối kinh tế tư nhân, mà giới doanh nghiệp quốc doanh, các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm nhiều tới IoT. Điều này chính là nền tảng của một cuộc cách mạng không chỉ về công nghệ, mà còn là phương thức quản lý mới...

Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ về IoT

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/internet-van-vat-tu-truyen-thong-toi-hien-thuc-1250074.html