Internet- kẻ đổi thay thế giới

Internet đã làm thay đổi nhanh chóng thế giới chúng ta đang sống. Nếu như trước đây chúng ta gọi nó là 'thế giới ảo' thì nay nó đã là một thế giới thực thụ được định dạng trên một hình thức mới với nền tảng là công nghệ- một thực thể không thể thay thế.

Khi Internet ra đời, nhất là từ khi các mạng xã hội nở rộ, báo giấy, truyền hình đã mất đi thời hoàng kim của mình, các kênh truyền thông trên internet đã tạo nên một cuộc bùng nổ thông tin. Từ đó trật tự xã hội của ngành báo chí không ngừng thay đổi- sự thay đổi đa chiều cả về lượng, chất, tốc độ thông tin, tâm lý người đọc, phương thức tác nghiệp, cách thức tổ chức sản xuất…

Không chỉ lĩnh vực báo chí, giờ đây chúng ta không còn lạ lẫm khi nghe các cụm từ như: Xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh, thương mại điện tử và thậm chí là chiến tranh điện tử- chiến tranh mạng cũng như việc nhiều chính phủ thành lập đơn vị tác chiến điện tử… Internet đã giản tiện được vô cùng công việc trong cuộc sống, là kho tri thức khổng lồ để con người khai thác, là nguồn giải trí tổng hợp mà các lứa tuổi, các giới trong xã hội đều có thể hưởng thụ…

Trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, internet đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế- xã hội của nước ta kể từ khi Internet được kết nối vào nước ta năm 1997. Giờ đây, khó có ai có thể thống kê được internet đã đóng góp bao nhiêu vào tăng trưởng kinh tế, tham gia vào những công đoạn- quy trình nào của mỗi lĩnh vực hay chiếm bao nhiêu % trong sinh hoạt hằng ngày của người dân… mà internet đã tham gia ở mọi mặt của cuộc sống.

Được nhìn nhận như một hệ thế giới mới nên internet cũng có muôn mặt tốt- xấu của đời sống xã hội. Nhất là khi các trang thông tin, mạng xã hội nở rộ, internet cũng là nơi truyền tải các thông tin xấu, độc; internet là phương tiện để các đối tượng, thế lực xấu thực hiện các cuộc tấn công mạng, những hành vi đánh cắp tài sản của các tổ chức, cá nhân. Từ những lý do này đã có ý kiến cho rằng cần hạn chế internet, hay có ý kiến cho rằng nên ngăn chặn các trang mạng xã hội. Quản lý là cần thiết nhưng giải pháp cụ thể lại “lẹm” vào phần tích cực của “thế giới ảo” này cũng dễ gây phản tác dụng.

Nhìn thẳng thực tế, không ai cưỡng lại được sự phát triển của công nghệ, không ai cưỡng lại được sức mạnh của cuộc bùng nổ thông tin. Do đó, điều quan trọng là cần làm gì để thích ứng với sự phát triển của internet. Nhà nước cần xây dựng hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, đầy đủ, khoa học trong việc sử dụng internet. Nhà quản lý cần nâng cao trình độ quản lý để bắt kịp sự phát triển của công nghệ thay vì bắt công nghệ phải chạy theo trình độ quản lý. Các giải pháp cụ thể cũng cần kết hợp kinh nghiệm của các nước hiện đại với thực tế tình hình đất nước, để vừa tận dụng tối đa mặt tích cực vừa hạn chế mặt tiêu cực của internet nói chung cũng như mạng xã hội nói riêng. Bên cạnh đó, một việc vô cùng quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân về tính hai mặt của internet, nhất là cách hạn chế những mặt trái mà internet đặt ra.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/internet-ke-doi-thay-the-gioi.aspx