'Internet cởi mở hơn, có trách nhiệm hơn'

Đó là quan điểm của ông Michael L. Gray, Giám đốc chương trình Quỹ SecDev, Canada tại Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam diễn ra tại Hà Nội (20/3).

Diễn đàn là sự kiện trong khuôn khổ Vietnam Internet Forum 2019 với chủ đề “kỹ thuật số cho những điều tốt đẹp” do Đại sứ quán (ĐSQ) Thụy Điển tại Việt Nam, UBND. TP. Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức giáo dục – khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đồng tổ chức. Đây cũng là hoạt động quan trọng trong chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển – Việt Nam.

Cần những “cú huých” để thay đổi

Bà Victoria Rhodin Sandstroin, Bí thư thứ Nhất ĐSQ Thụy Điển chia sẻ, Thụy Điển là quốc gia luôn thay đổi nhanh chóng để thích ứng với cái mới. Năm 2019 là năm bản lề vô cùng quan trọng đối với Internet và hệ thống mạng trên thế giới. Đây là cơ hội quan trọng để đổi mới, sáng tạo làm cho cuộc sống của chúng ta thông minh hơn, dễ dàng hơn.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Phi Khanh)

Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh tiêu cực khác như tội phạm mạng. Nên, bà Victoria Rhodin Sandstroin hy vọng các bên liên quan phải cùng nhau thúc đẩy một hệ thống Internet cởi mở, có trách nhiệm và sáng tạo hơn.

Với hành trình 15 năm qua đồng hành cùng thanh niên Việt Nam, bà Nguyễn Thu Huệ, Chủ tịch Hội đồng trung tâm Vietnet –ICT đưa ra khái niệm hành động vì cộng đồng, có thể hướng đến một xã hội mà thanh niên trở thành những công dân số.

Theo bà Huệ, sự tham gia của thanh niên không chỉ làm chủ công nghệ, sử dụng Internet một cách tích cực mà còn góp tiếng nói của mình trong các tiến trình, hoạch định chính sách rất có ý nghĩa. “Mọi ý kiến đều được đón nhận, do vậy chúng ta hãy học cách cùng lắng nghe, học cách cùng trao đổi ý tưởng của mình, dành cho chính mình cơ hội, để thanh niên Việt Nam được tỏa sáng”, bà Thu Huệ nhận định.

Dành thời gian 3 năm để nghiên cứu về chính sách Internet toàn cầu, bà Huệ chia sẻ, khi xác định được động lực, chúng ta sẽ tự tạo ra cơ hội cho chính mình. “Để hiệu quả, chúng ta sẽ không làm một mình, mà cần nhiều người đồng hành, để lan tỏa rộng hơn, xa hơn. Chúng ta hãy cùng kiên nhẫn, học hỏi nhưng phải phù hợp với văn hóa của người Việt Nam để sử dụng Internet một cách hiệu quả nhất”, bà Huệ gợi ý.

Đồng quan điểm, bà YJ, Park, Trung tâm Hợp tác Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) nói, làm sao để thanh niên tham gia quá trình quản trị Internet với vai trò là một người ra quyết định? Có thể các bạn trẻ vẫn băn khoăn sẽ làm gì khi tham gia, mình có vai trò như thế nào trong tiến trình quản trị Internet? Khi trả lời được câu hỏi đó thực sự là thách thức rất lớn đối với các em. Do đó, chúng ta cần phải có những đối thoại nghiêm túc, chất lượng về Internet, cần có những “cú huých”…

4 chữ “ROAM”

Ông Michael L. Gray cho biết, an toàn mạng luôn được cả thế giới quan tâm. Vấn đề là làm thế nào để các bạn thanh niên có thể bảo vệ mình trước những tệ nạn, các hoạt động tội phạm mạng cũng như an ninh mạng.

Chia sẻ về khởi nguồn sáng kiến, ông Michael L. Gray cho hay, muốn xây dựng nền tảng Internet cho tương lai, rất cần biện pháp tiếp cận, cần nhiều người tham gia. Các thành viên trẻ tuổi là những người sử dụng Internet rộng rãi ở Việt Nam, thường là nhóm tuổi dưới 24. Các bạn có thể hỗ trợ, kết nối với các quốc gia khác, cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Từ đó, ông Michael L. Gray đưa ra giải pháp bằng 4 chữ viết tắt - ROAM.

Ông Michael L. Gray cho biết, chữ R - quyền con người. “Internet nên là công cụ mạnh. Nó có thể giúp con người phát triển, xã hội mạnh hơn.

Chữ O - cởi mở, chúng tôi mong muốn Internet là môi trường mở để tất cả mọi người trên thế giới có thể chia sẻ thông tin. Nhưng với môi trường mở như vậy cũng tồn tại những mối nguy hiểm như có những thông tin liên quan đến phân biệt chủng tộc, đến bạo lực. Đó là những thách thức và chúng ta cần phải làm gì đó để đối mặt với những thông tin tiêu cực đang được chia sẻ rộng rãi.

Chữ A - sự tiếp cận. Đối với các quốc gia như Việt Nam, việc để cho tất cả mọi người có Internet không phải dễ dàng. Do đó, cần phải có biện pháp để mỗi công dân đều được tiếp cận với Internet. Chữ M có nghĩa là “nhiều” bên tham gia, phải có nhiều nhóm trong xã hội, cùng kết hợp, cùng làm việc với nhau về vấn đề này…

Để ngăn chặn những hành vi xấu trên mạng xã hội, ông Michael L. Gray cho rằng, mỗi bạn trẻ có thể cùng tham gia những chiến dịch tạo sức ép để yêu cầu Facebook và những ứng dụng trên các trang mạng phải thay đổi. Bản thân các bạn thanh niên cũng phải ý thức được các rủi ro có thể gặp phải để tự biết bảo vệ bản thân mình.

“Các em đừng đợi, đừng đợi công an, trường học, giáo viên, người khác có thể làm gì cho mình. Chúng ta biết Internet rất mở và rất nhiều nội dung tiêu cực xuất hiện. Do đó, bản thân mỗi người phải có những thao tác chọn lọc, hãy là bộ lọc thông minh của chính mình”, ông Michael L. Gray nhấn mạnh.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/internet-coi-mo-hon-co-trach-nhiem-hon-90333.html