COVID-19 tới sáng 13/2: Thế giới ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19, số ca mắc mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 410,5 triệu ca, trong đó trên 5,82 triệu ca tử vong.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 9/2/2022.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất với trên 79,2 triệu ca, trong đó trên 942.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,6 triệu ca mắc và trên 508.000 ca tử vong; Brazil với trên 27,4 triệu ca mắc và trên 638.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, Mỹ đã công bố nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm này. Theo đó, hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường do các hãng Pfizer và Moderna phát triển sẽ giảm đáng kể sau 4 tháng được tiêm, song vẫn có thể làm giảm khả năng bệnh biến chuyển nghiêm trọng hơn.

Đến nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của vaccine phòng bệnh giảm sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về thời gian duy trì hiệu quả của mũi tăng cường (mũi thứ 3). Nghiên cứu mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện dựa trên các dữ liệu thu thập về hơn 241.204 người đến thăm khám tại khoa cấp cứu hoặc khoa điều trị khẩn cấp và 93.408 ca nhập viện là người trưởng thành mắc các triệu chứng giống COVID-19 trong giai đoạn từ 26/8/2021-22/1/2022.

Các tác giả kết luận việc phát hiện ra hiệu quả của mũi tăng cường vaccine mRNA giảm trong vài tháng sau tiêm sẽ củng cố thông tin để quyết định về việc tiêm mũi thứ 4 nhằm duy trì hoặc cải thiện hiệu quả của vaccine phòng bệnh. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ trong tuần, cố vấn dịch bệnh Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết nhiều khả năng những người có hệ miễn dịch yếu như người già và người bị suy giảm miễn dịch sẽ cần phải tiêm mũi vaccine thứ 4.

Mỹ hoãn phê chuẩn vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi

Quyết định của Mỹ cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sẽ phải trì hoãn ít nhất 2 tháng sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố cần thêm các dữ liệu thử nghiệm để đưa ra khuyến nghị chính thức.

Trong tuyên bố ngày 11/2, FDA cho biết cơ quan này đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer/BioNTech đã gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép, tuy nhiên cơ quan này khẳng định cần thêm nhiều dữ liệu đánh giá hơn trước khi có quyết định.

Theo kế hoạch trước đó, FDA dự định trong tuần tới sẽ đưa ra ra khuyến nghị sử dụng loại vaccine trên cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi và Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2. FDA trước đó đã yêu cầu Pfizer đẩy nhanh quá trình xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ nhỏ này do biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhiễm mới, đặc biệt ở trẻ em.

Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA trấn an các bậc phụ huynh về sự chậm trễ này, nhấn mạnh cơ quan này cần thêm thời gian để đưa ra quyết định vì muốn đảm bảo vaccine phải đạt mọi tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả khi được cấp phép sử dụng.

Cuba ghi nhận số ca bệnh mới hàng ngày thấp nhất kể từ đầu năm

Bộ Y tế Cuba (MINSAP) ngày 12/2 cho biết trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe đã ghi nhận 888 ca mắc mới COVID-19, con số thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết gần 10 triệu người dân nước này, tương đương với 88,1% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu người dân Cuba đã được bảo vệ bằng ít nhất một liều vaccine, qua đó đưa đảo quốc Caribe trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ 3 trên thế giới, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, hơn 5,7 triệu người Cuba, tương đương với hơn 50% dân số, đã được tiêm liều vaccine tăng cường.

Na Uy dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19

Ngày 12/2, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo nước này hủy bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì đại dịch COVID-19 còn lại. Trước đó, quốc gia Bắc Âu này đã dỡ bỏ một số biện pháp kiềm chế dịch bệnh kể từ ngày 1/2 vừa qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Jonas Gahr Stoere cho rằng đại dịch COVID-19 hiện không còn là mối đe dọa y tế lớn đối với Na Uy nữa vì nhiều thông tin đến nay cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh ít nghiêm trọng hơn và vaccine có hiệu quả bảo vệ trước dịch bệnh.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy

Ngày 12/2, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 54.941 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.294.205 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này cũng ghi nhận 33 người không qua khỏi vì dịch bệnh, đưa tổng số ca tử vong lên 7.045 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm mới có thể lên đến 170.000 ca/ngày vào cuối tháng này dù vẫn còn quá sớm để dự báo liệu đó có phải là đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hay không. Thậm chí, Viện Khoa học toán học quốc gia Hàn Quốc, còn cho rằng số ca mắc mới trong một ngày ở nước này có thể lên đến 360.000 ca vào đầu tháng 3 tới.

Ca mắc mới ở Hong Kong (Trung Quốc) lập kỷ lục

Ngày 12/2, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 1.514 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay và 3 ca tử vong vì COVID-19. Giới chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong dự báo số ca nhiễm mới có thể lên đến hàng chục nghìn người mỗi ngày trong vài tuần tới, gây rủi ro lớn cho những người cao tuổi mà nhiều người trong số đó chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Giới chức y tế Hong Kong cho rằng đây là "cuộc chiến khó khăn nhất" để chống lại đại dịch trong vòng 2 năm qua, đồng thời kêu gọi người dân hợp tác bằng cách ở nhà để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng hơn 20.000 ca bệnh, trong đó hơn 200 người tử vong. Hong Kong hiện đã đình chỉ hầu hết các chuyến bay và gần như không có chuyến bay nào được phép quá cảnh./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/covid-19-toi-sang-132-the-gioi-ghi-nhan-tren-18-trieu-ca-mac-covid-19-so-ca-mac-moi-o-han-quoc-cao-ky-luc-100180.html