INF bị hủy, START-3 mờ mịt, Đức-NATO lo diễn tập hạt nhân

Tờ Bild của Đức mới đây đã kể về việc quân đội nước này bí mật chuẩn bị cho tình huống xảy ra chiến tranh hạt nhân như thế nào.

Đức-NATO tập trận hạt nhân

The báo Bild, lực lượng không quân Đức và các đối tác NATO đang tiến hành một cuộc diễn tập bí mật mang tên "Steadfast Noon” để thực hành các thao tác cần thiết trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Theo tờ báo, tham gia diễn tập có các máy bay ném bom chiến đấu Tornado có khả năng mang vũ khí hạt nhân của không quân Đức.

Cuộc tập trận diễn ra tại căn cứ không quân Nörvenich, nơi được coi là kho thay thế để cất giữ bom hạt nhân B61 của Mỹ. Dự đoán rằng những đầu đạn này được đặt tại căn cứ Büchel ở tỉnh Rhineland-Palatinate.

Cũng trong thời gian đó ở căn cứ này đang tiến hành cuộc diễn tập “Resilient Guard”, thực hành việc bảo vệ sân bay quân sự với sự hỗ trợ của hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ.

Trong chương trình diễn tập, quân đội Đức và đồng minh NATO thực hành thao tác đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi các kho chứa ngầm một cách an toàn, vận chuyển, bốc xếp lắp đặt lên máy bay. Các chuyến bay diễn tập được thực hiện không mang theo đầu đạn.

Theo tờ Bild nhận định, các nước NATO nhận thấy nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện đang cao hơn bao giờ hết. Nguyên nhân chính là do Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), cũng như nghi ngờ khả năng Hiệp ước START-3 được gia hạn.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng mọi thứ có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Hoa Kỳ hiện nay đang phát triển các hệ thống vũ khí và triển khai tên lửa tầm trung.

Vào tháng 9, máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Lực lượng Không quân Chiến lược Mỹ cũng đã thao luyện các hành động tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu của Nga.

Những chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị Nga chặn hôm 25 tháng 9 trên bầu trời Baltic khi chúng đang thực hành diễn tập không kích nhằm vào Kaliningrad. Ngoài ra, có thông tin nói rằng tốp máy bay ném bom đã thực hiện một cuộc tấn công giả định dọc Biển Đen.

Mỹ đang tàng trữ khoảng 150 quả bom hạt nhân ở châu Âu

Mỹ đang tàng trữ khoảng 150 quả bom hạt nhân ở châu Âu

Vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ ở châu Âu

Theo “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân”, các quốc gia thành viên NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tham gia lập kế hoạch và huấn luyện sử dụng chúng, đồng thời cho phép các ý tưởng hoặc ý kiến của các nước này được các quốc gia có vũ khí hạt nhân (chủ yếu là Mỹ) chấp nhận hoặc xem xét nhằm đảm bảo quyền các quốc gia không có vũ khí hạt nhân trong NATO được sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, Quân đội Mỹ đang cất trữ khoảng 150 vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu. Các địa điểm tàng trữ cách nhau vài trăm km, nhằm “không chỉ có thể đảm bảo khả năng sống sót mà còn đảm bảo nhanh chóng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp”.

Theo tiết lộ của một báo cáo NATO, các vũ khí Mỹ được cất trữ tại Kleine Brogel (Bỉ), Büchel (Đức), Aviano và Ghedi-Torre (Ý), Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).

Riêng số vũ khí hạt nhân được tàng trữ tại căn cứ không quân Büchel ở phía tây nước Đức là 15-20 đơn vị (bom hạt nhân thế hệ mới B-61-12). Dòng bom B61 do Viện Nghiên cứu Quốc gia Los Alamos thiết kế, được nhà máy Pantex sản xuất từ 1968 tới nay với số lượng 3.155 quả.

Bom hạt nhân bố trí tại Büchel được xem là một phần trong “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân” của NATO, được lính Mỹ bảo vệ, khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, chúng được Không quân Đức vận chuyển đến các địa điểm triển khai; vị trí chính xác tàng trữ bom cũng được giữ bí mật.

Trước đây, quốc hội Đức đã từng nhiều lần bỏ phiếu thông qua quyết nghị yêu cầu chính phủ chuyển bom hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ đất nước, tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/inf-bi-huy-start-3-mo-mit-duc-nato-lo-dien-tap-hat-nhan-3420697/