Indonesia yêu cầu dân sơ tán khỏi eo biển Sunda tới ngày Giáng sinh

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) Dwikorita Karnawati cho biết đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân gây sóng thần và kêu gọi cư dân sống ở khu vực ven eo biển Sunda sơ tán, tránh xa khu vực này cho đến ngày 25.12.

Núi lửa Anak Krakatau. Ảnh: Telegraph.

Trả lời trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Elshinta, phát ngôn viên Sutopo Purwo Nugroho cho biết, trận sóng thần có liên quan đến vụ phun trào núi lửa Anak Krakatau trước đó.

"Đây là nguyên nhân của sự kết hợp giữa một trận lở đất dưới đáy biển do hoạt động của núi lửa Anak Krakatau và sóng thần" - ông nói. Số người chết trong thảm kịch hiện là 43 người và 584 người bị thương. Theo ông Nugroho, số người chết có thể sẽ tăng lên.

BMKG cho biết, sóng thần đã được xác nhận tại 4 địa điểm ở các tỉnh Banten và Lampung vào lúc 21h27 tối 22.12, theo giờ địa phương.

Con sóng cao nhất được ghi nhận tại bãi biển Jambu thuộc tỉnh Banten là 90cm. Một con sóng khác cao 350cm khác đã đổ vào cảng biển Ciwandan ở Banten, trong khi hai đợt sóng cao 360cm đánh vào cảng biển Kota Agung và Panjang ở Lampung. Do sóng thần, hàng chục tòa nhà đã bị phá hủy.

Trung tá Mohamad Syarhan, cảnh sát trưởng Nam Lampung chia sẻ với MetroTV rằng trong số các nạn nhân có những du khách nhưng không nêu rõ có người nước ngoài nào không.

"Chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc cư dân không thể liên lạc với người thân của họ" - ông nói.

Cảnh sát địa phương đã triển khai 200 sĩ quan đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Theo ông, hiện cần các máy xúc để di chuyển vật liệu từ các tòa nhà bị sập và cây đổ chặn đường sá. "Chúng tôi đã xoay xở để dọn sạch một số con đường bị chặn bằng dụng cụ cầm tay"- ông nói.

Endan Permana - lãnh đạo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia ở Pandeglang cho hay, cảnh sát đang hỗ trợ cho các nạn nhân ở Tanjung Lesung, Banten, một địa điểm du lịch nổi tiếng gần Jakarta do các nhân viên cứu hộ chưa đến được khu vực này ngay. "Nhiều người đang mất tích" - ông Permana nói.

Theo Trung tâm thông tin sóng thần quốc tế, dù tương đối hiếm nhưng các vụ núi lửa phun trào ngầm dưới lòng đại dương có thể gây ra sóng thần do sự chuyển dịch đột ngột của nước biển hoặc do sự di chuyển của các dung nham phun trào.

Núi lửa Anak Krakatau, được xem là "con" của núi lửa nổi tiếng Krakatau. Đây là một đảo núi lửa nhỏ giữa đại dương được hình thành sau vụ phun trào năm 1883 khiến hơn 36.000 người thiệt mạng của Krakatau.

Hải Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/indonesia-yeu-cau-dan-so-tan-khoi-eo-bien-sunda-toi-ngay-giang-sinh-648187.ldo