Indonesia tuyên bố chặn các nền tảng kỹ thuật số nếu không đăng ký

Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia tuyên bố sẽ chặn các nhà cung cấp hệ thống điện tử tư nhân (PSE) như Google, Netflix và Twitter vào ngày 21/7 nếu không hoàn thành đăng ký trước ngày 20/7.

Biểu tượng của Google và Twitter trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng của Google và Twitter trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức Kominfo, ông Semuel A. Pangerapan cho biết việc đăng ký này không gây khó khăn cho các nhà cung cấp PSE vì chỉ cần nộp đơn trực tuyến qua hệ thống OSS RBA và làm theo hướng dẫn.

Phát biểu tại họp báo, ông Semuel hối thúc các PSE, trong đó có các “ông lớn” công nghệ (Big Tech) như Google, Netflix, Twitter, Facebook, tiến hành đăng ký ngay lập tức thông qua hệ thống OSS RBA đã được chuẩn bị.

Ông Semuel nhấn mạnh rằng nếu PSE trong và ngoài nước không thực hiện đăng ký trước ngày 20/7/2022, họ sẽ bị coi là bất hợp pháp tại Indonesia và sẽ bị chặn truy cập vào ngày 21/7/2022.

Theo ông Semuel, việc đăng ký này là một nghĩa vụ, thay vì một cảnh báo. Hơn nữa, Chính phủ Indonesia đã công bố nghĩa vụ đăng ký mang tính chất bắt buộc này từ năm 2020.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ Indonesia đã có nhiều động thái siết chặt quản lý đối với các Big Tech. Hồi tháng 3/2022, giới chức quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố sẽ trừng phạt các nền tảng kỹ thuật số từ chối gỡ bỏ các nội dung được cho là bất hợp pháp.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia (Kominfo) cùng Bộ Tài chính đang hoàn tất một quy định của chính phủ (PP) về thu ngân sách nhà nước ngoài thuế, qua đó củng cố quyền lực nhà nước trong việc kiểm duyệt các nội dung trực tuyến.

Theo dự thảo quy định, giới chức sẽ phạt các nhà cung cấp PSE từ chối tuân thủ yêu cầu của nhà nước về việc gỡ bỏ nội dung “bị cấm” trên các nền tảng kỹ thuật số, trong đó có các mạng xã hội.

Hình phạt sẽ được tính toán dựa vào một số tham số, bao gồm hệ thống điểm và quy mô công ty. Chính sách mới cũng dự kiến sử dụng cái gọi là “chỉ mục vi phạm”, bao gồm loại nội dung, số lượng tiếp cận người dùng, và thời gian nội dung xấu độc lưu lại trên các nền tảng sau khi có yêu cầu gỡ bỏ.

Chẳng hạn, mức phạt tiền đối với các công ty dự kiến sẽ dao động từ 12,5 triệu rupiah đến 1,5 tỷ rupiah (101.110 USD). Các nội dung cấm được Kominfo gắn cờ với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng hoặc người dân sẽ phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.

Nội dung vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như phim ảnh khiêu dâm trẻ em, kích động khủng bố hoặc gây rối, sẽ phải được gỡ bỏ trong vòng bốn giờ.

Các PSE không tuân thủ lệnh của chính phủ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm phạt tiền và chặn truy cập vào trang web.

Các công ty không trả tiền phạt, hoặc từ chối cung cấp dữ liệu người dùng cho các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể bị chặn quyền truy cập trang web./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-tuyen-bo-chan-cac-nen-tang-ky-thuat-so-neu-khong-dang-ky/249153.html